MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VICEM: Tăng vốn bằng ôm nợ xấu

01-07-2014 - 14:20 PM | Doanh nghiệp

Việc khoản nợ xấu ngàn tỷ đồng được chuyển thành vốn góp với mức giá mua cổ phiếu đắt gần gấp đôi thị trường thì có được tính toán thiệt – hơn một cách khách quan và thận trọng.

Theo báo cáo Kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Sở GD chứng khoán TP. HCM; Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam: ngày 20/12/2013, Cty CP Xi măng Hà Tiên 1 đã chào bán 120.000.000 cổ phiếu (một trăm hai mươi triệu cổ phiếu), mệnh giá 10.000đ/CP. Loại cổ phiếu: cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng 01 năm.

Mục đích của việc chào bán số lượng lớn CP này, theo báo cáo: phát hành để thực hiện hoán đổi công nợ dài hạn của Tổng cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM). Ngày bắt đầu chào bán và ngày hoàn thành đợt chào bán cùng kết thúc trong một ngày, 20/12/2013.Tổng hợp kết quả đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, theo báo cáo của Xi măng Hà Tiên 1: tổng số CP đã phân phối: 120 triệu CP, chiếm 100% tổng số CP dự kiến chào bán. Giá bán: 10.000đ/cp; Tổng số tiền thu từ việc chào bán cổ phiếu phát hành không thu tiền nhằm mục đích tất toán và cấu trừ nợ dài hạn VICEM.

Với kết quả của đợt chào bán này, Xi măng Hà Tiên 1 đã được “xóa” món nợ dài hạn hơn 1.200 tỷ đồng. Số nợ này, Xi măng Hà Tiên 1 là “con nợ” của Tổng cty VICEM và các đơn vị thành viên trong TCty.Theo lịch sử: giai đoạn từ năm 2008 – 2012, VICEM đưa ra chủ trương yêu cầu các công ty thành viên phía Bắc bán clinke cho Cty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2 (nay đã sáp nhập thành Cty CP Xi măng Vicem Hà Tiên).

Khối lượng này lên đến hàng triệu tấn, với mức giá 525.000đ/tấn.Điều đáng nói, do công tác quản lý và sản xuất, số clinke được hai cty trên mua về (Hà Tiên 1, Hà Tiên 2) không sử dụng hết, để tồn kho từ 500 – 600 ngàn tấn. Số clinke tồn kho này sau đó đã được bán lỗ cho các đơn vị ngoài Tổng Cty.Theo nhiều DN thành viên Vicem, giá bán trên đây cho Hà Tiên 1 và 2 là thấp hơn giá thành thời điểm đó nên việc này đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho các DN thành viên.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải vận chuyển qua công ty Cty TNHH Vĩnh Phước với mức giá đắt hơn giá so sánh trên giá thị trường. Nhưng điều đáng sợ nhất là các DN bán clinke cho Hà Tiên 1 và 2 phải đối mặt với nguy cơ bị nợ chây ì do Cty CP Xi măng Hà Tiên chiếm dụng clinke không có khả năng thanh toán.Tổng số tiền cty CP Xi măng Hà Tiên nợ TCty và số tiền chiếm dụng của các cty thành viên phía Bắc từ năm 2008 đến nay lên đên hơn 1.260 tỷ đồng. Số tiền này Hà Tiên gần như không có khả năng thanh toán và theo quan niêm thông thường đó là những món nợ xấu.Với món nợ này, tình hình tài chính của Hà Tiên sẽ trở nên rất xấu, để gỡ khó cho DN, lãnh đạo TCty VICEM đã ký quyết định phê duyệt tăng vốn điều lệ cho Cty CP Xi măng Vicem Hà Tiên đúng bằng số nợ nêu trên. Việc phát hành, mở bán 120.000.000 cổ phiếu của Cty CPXM Hà Tiên 1 (ngày 20/12/2013) cũng nhằm mục đích tất toán và cấu trừ khoản nợ dài hạn này.

Thời điểm này, Xi măng Hà Tiên đã niêm yết trên sàn chứng khoán và do tình hình kinh doanh và tài chính khó khăn nên ở thời điểm ngày 20/12/2013, giá trị thực tế cố phiếu của Cty CP Xi măng Hà Tiên trên sàn chứng khoán có giá 5.200đ/cp. Cũng trong ngày hôm đó, đã có 22.790CP của Xi măng Hà Tiên được giao dịch qua sàn giao dịch với giá 5.200đ/cp.So sánh việc VICEM Việt Nam mua 120 triệu CP với giá 10.000đ/cp của đơn vị thành viên Xi măng Hà Tiên đã lộ ra một khoản chênh lệch lên đến gần 600 tỷ đồng so với giá cổ phiếu niêm yết thực tế.

Qua giao dịch này, cái lợi dành cho Hà Tiên là được thoát món nợ ngàn tỷ. Nhưng lại có những câu hỏi đặt ra về việc khoản nợ xấu ngàn tỷ đồng được chuyển thành vốn góp với mức giá mua cổ phiếu đắt gần gấp đôi thị trường thì có được tính toán thiệt – hơn một cách khách quan và thận trọng. Bởi vì, món nợ xấu sau khi chuyển đổi đã là vốn của DNNN nhưng thực chất giá trị tiền còn lại là bao nhiêu?. Được biết, thời điểm hiện tại, sau sự việc cty Xi măng Bình Phước bị sự cố, VICEM lại tiếp tục ban hành chủ trương điều động clinke nội bộ, chỉ đạo các cty thành viên bán clinke giá rẻ cho Xi măng Vicem Hà Tiên. Đơn vị được chỉ định vận tải tiếp tục là Cty TNHH Vĩnh Phước. Và với sự việc vừa xảy ra, nhiều người không khỏi băn khoăn về một kịch bản xấu như trên liệu có lặp lại?

Theo Thái Bình 

thanhhuong

Vietnamnet

Từ Khóa:
Trở lên trên