Viettel trả lại băng tần của EVN Telecom về Bộ TT&TT
Viettel vừa trả lại băng tần 450 MHz của EVN Telecom sử dụng trước đây về Bộ TT&TT. Đây là băng tần thấp bị can nhiễu nặng khiến EVN Telecom khốn đốn một thời.
- 02-08-2012Đối tác “đứng ngồi không yên“ sau sáp nhập EVN Telecom-Viettel
- 04-05-2012EVN Telecom đã về với Viettel
- 20-02-2012EVN Telecom đang được tiếp nhận kiểu cuốn chiếu
- 15-02-2012EVN Telecom thua lỗ vì tư duy độc quyền
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, sau khi Viettel trả lại thì Bộ TT&TT phải nghiên cứu sử dụng băng tần này. Các chuyên gia viễn thông cho rằng rất khó có thể tái sử dụng băng tần đó nên Viettel mới trả lại. Băng tần 450 MHz là băng tần thấp hay bị can nhiễu nên rất ít quốc gia sử dụng để cung cấp dịch vụ di động. Như vậy, băng tần này có ít giá trị về mặt kinh tế và cũng là một trong những nguyên nhân khiến EVN Telecom phải "sang tên đổi chủ"
Trước đó, băng tần 450 MHz cấp cho EVN Telecom được bàn giao nguyên trạng cho Viettel theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2011. Sau đó, từ 28/12/2011, Viettel tiến hành chuyển đổi khách hàng đang sử dụng mạng EVN Telecom sang sử dụng mạng Viettel và chính thức khai tử mạng CDMA dùng băng tần 450 MHZ của EVN Telecom xây dựng trước đó.
Tại thời điểm EVN Telecom vẫn còn cung cấp dịch vụ di động, đã nhiều lần lãnh đạo mạng di động này lên tiếng vì băng tần 450 MHz được cấp can nhiễu bởi rất nhiều thiết bị phát sóng khác. Tại một số tỉnh, thành mạng đi dộng của công ty bị tê liệt vì can nhiễu nặng như Hải Phòng, Hà Tây, Lai Châu… Việc can nhiễu khiến chất lượng dịch vụ của EVN Telecom bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt tại các trung tâm đô thị, hậu quả là EVN Telecom gần như phải chuyển hướng sang thị trường nông thôn bằng các dịch vụ vô tuyến cố định chứ không phải di động.
Thậm chí, mạng di động của EVN Telecom đã bị tê liệt tại Hà Tây vì can nhiễu với Đài Truyền hình Hà Tây. Sau đó, EVN Telecom phải “bấm bụng” đầu tư cho Đài Truyền hình Hà Tây hệ thống phát mới để tránh can nhiễu.
Thời điểm đó, Bộ TT&TT cho biết, băng tần 450 MHz của EVN Telecom ở cảnh “trâu chậm uống nước đục” nên kém nhất trong số băng tần được cấp cho các mạng di động. Đây cũng là băng tần không được phổ dụng trên thế giới, do đó các thiết bị cho băng tần này có giá cao, chi phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, băng tần này cũng có ưu thế vùng phủ sóng rộng nên có lợi thế cho việc phủ sóng vùng sâu, vùng xa. Sở dĩ băng tần của EVN Telecom được cấp bị nhiễu vì trước đó đã có rất nhiều dịch vụ vô tuyến sử dụng băng tần này. Vì vậy, băng tần của EVN Telecom nằm vào vùng dễ bị can nhiễu.
>> Hậu sáp nhập EVN Telecom vào Viettel: “Ai trả nợ hợp đồng cho tôi?”