MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VTV chỉ kiểm soát nội dung trên VTVcab và SCTV

15-02-2016 - 22:58 PM | Doanh nghiệp

Sau khi cổ phần hóa VTVcab và SCTV, VTV sẽ chỉ nắm quyền kiểm soát nội dung, không còn quản lý kinh doanh các doanh nghiệp này.

Năm 2016, hai doanh nghiệp truyền hình trả tiền có số lượng thuê bao và doanh thu lớn nhất là Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) và Công ty Truyền hình cáp Saigontuorist (SCTV) sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về mô hình kinh doanh, khi VTV sẽ tiến hành tái cơ cấu các doanh nghiệp này.

Cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc VTV là một trong những chủ trương VTV thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu triển khai từ năm 2016.

Trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VTVcab diễn ra vào tháng 9/2015, ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc VTV cho biết bước đầu VTV sẽ thoái vốn khỏi VTVcab, sau đó đến lượt SCTV và K+.

Việc thoái vốn, rút dần vai trò của VTV tại các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, theo ông Minh, để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cổ đông và người sử dụng thuê bao. Sau khi bán cổ phần khỏi các đơn vị này, VTV sẽ chỉ đóng vai trò là đơn vị kiểm soát về nội dung. Trong tương lai VTV sẽ chỉ quản lý nội dung, không có vai trò trong việc quản lý kinh doanh của các đơn vị này.

Vào cuối năm 2015, VTV đã thành lập Ban Biên tập nội dung Truyền hình trả tiền có nhiệm vụ kiểm soát nội dung trên tất cả các kênh truyền hình trả tiền của các doanh nghiệp có vốn của VTV.

Từ nhiều năm nay, có thể nói VTV đang chi phối rất lớn đến thị trường truyền hình trả tiền. VTV đang sở hữu, đồng sở hữu ba đơn vị truyền hình trả tiền chi phối toàn bộ thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tính đến hết năm 2015, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt khoảng 9,9 triệu thuê bao.

Ước tính ba doanh nghiệp trực thuộc VTV đã chiếm khoảng gần 6 triệu thuê bao, bao gồm: SCTV 2,5 triệu thuê bao, VTVcab 2,5 triệu thuê bao, K+ hơn 900.000 thuê bao.

Khi cổ phần hóa, VTV sẽ tổ chức đấu giá công khai khi bán cổ phần tại ba đơn vị nêu trên và số tiền thu được chuyển về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Việc cổ phần hóa VTVcab và SCTV sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này quản lý và kinh doanh tốt hơn. Sau này khi cổ phần hóa, VTV sẽ chỉ đóng vai trò đơn vị kiểm soát nội dung cho các đơn vị truyền hình trả tiền.

“VTV sẽ chọn những nhà đầu tư mạnh về tài chính, quản lý điều hành tốt và đặc biệt phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình. VTV không chỉ tính đến việc bán cổ phần làm sao được nhiều tiền nhất mà còn phải tính đến việc khi đối tác mua cổ phần có mang lại giá trị, đem hiệu quả cho doanh nghiệp về sau này”, ông Trần Bình Minh phát biểu.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nhiều khả năng các doanh nghiệp viễn thông sẽ là những đối tác chiến lược để đầu tư vào truyền hình trả tiền. Tuy thị trường truyền hình trả tiền có sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng truyền hình trả tiền vẫn được xem là một lĩnh vực làm ăn béo bở, với mức tăng trưởng của thị trường trong một năm vào khoảng 130 - 140%. Đầu tư vào truyền hình trả tiền có thể đem lại lợi nhuận lên tới 30 - 40 %/năm, hiếm có lĩnh vực kinh doanh nào thời điểm này kiếm nhiều tiền đến vậy.

Với số thuê bao lớn, lợi nhuận cao, chắc chắn cả VTVcab, SCTVsẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư mạnh nhảy vào khi VTV bán cổ phần. Hiện nay, đang có rất nhiều lời đồn đoán xung quanh việc một tập đoàn viễn thông lớn là đối tác chiến lược khi VTV cổ phần hóa VTVcab.

Còn ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), cho biết việc VTV cổ phần hóa VTVcab và SCTV là tín hiệu rất đáng mừng đối với thị trường truyền hình Việt Nam. Cổ phần hóa là xu hướng tất yếu của truyền hình trả tiền, để thị trường điều chỉnh việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có tiền thì mua cái hay về phát, ít tiền thì mua cái vừa. Người tiêu dùng cũng có thêm nhiều lựa chọn việc mua món hàng nào để phục vụ việc giải trí của gia đình mình.

Cổ phần hóa VTVcab ngay trong quý I/2016

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). VTV thực hiện cổ phần hóa VTVcab trong quý I/2016, VTV chỉ còn nắm giữ 51% tại doanh nghiệp này. Đồng thời, VTV cũng bán bớt phần vốn nhà nước tại SCTV và VTVBroadcom. Riêng phần vốn tại K+ vẫn được giữ nguyên.

Bên cạnh đó, chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn góp của VTV tại Công ty cổ phần Truyền thông quảng cáo Đa phương tiện (SmartMedia) về Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab), ghi tăng vốn nhà nước cho VTVcab.

Trong Quý I/2016, VTV thực hiện cổ phần hoá Công ty TNHH một thành viên VTVcab, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ; thực hiện cổ phần hoá Công ty TNHH Dịch vụ truyền hình Viễn thông Việt Nam (VTVbroadcom), Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần.

VTV bán bớt phần vốn nhà nước tại Công ty TNHH Truyền hình Cáp SaigonTourist (SCTV) và chuyển Công ty này thành công ty cổ phần theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Theo Minh Quyên

ICTnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên