Vụ vỡ nợ ở Công ty Phương Nam: Hệ lụy từ buông lỏng quản lý
Từ năm 2008 đến tháng 9/2012, Cty Phương Nam vay nhiều NH với tổng số tiền lên đến trên 1.600 tỷ đồng.
- 04-07-2014Ai tiếp tay Lâm Ngọc Khuân chiếm đoạt 500 tỷ đồng? (kỳ cuối)
- 03-07-2014Ai tiếp tay Lâm Ngọc Khuân chiếm đoạt 500 tỷ đồng?
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án, chuyển hồ sơ qua Viện kiểm sát Tối cao đề nghị truy tố 27 bị can liên quan đến vụ lãnh đạo Cty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (tỉnh Sóc Trăng) làm giả hồ sơ vay tiền NH rồi bỏ trốn. Tuy nhiên, trong số những người bị khởi tố có tới 25 bị can là cán bộ NH và hai cán bộ Cty Phương Nam còn những người chủ mưu thì đã ẵm hầu hết số tiền chiếm đoạt rồi trốn ra nước ngoài.
Qua mặt ngân hàng... thật đơn giản
Theo kết luận điều tra của C48 Bộ công an, Cty TNHH Phương Nam thành lập năm 1998, trở thành Cty cổ phần sau đó 2 năm với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ngoài Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân, 3 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ - vợ ông Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân cùng cháu trai Quỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn). Từ năm 2008 đến tháng 9/2012, Cty Phương Nam vay nhiều NH với tổng số tiền lên đến trên 1.600 tỷ đồng. Ông Khuân đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện nhiều hành vi gian đối để vay tiền của các NH.
Cụ thể như lập báo cáo tài chính khống, kết quả kinh doanh hằng năm đều có lãi và nộp thuế đầy đủ, lập báo cáo nâng khống hàng tồn kho từ 123 tỷ đồng lên hơn 774 tỷ đồng để thế chấp cho nhiều NH, sử dụng một bộ chứng từ mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất rồi photocopy thành nhiều bản gửi đến nhiều NH để giải ngân... sau đó sử dụng vốn sai mục đích và chiếm đoạt sử dụng cá nhân.
Đến ngày 11/11/2011, ông Khuân cùng vợ ký giấy ủy quyền cho con trai là Lâm Ngọc Khoa (Việt kiều Mỹ) đứng ra làm giám đốc để điều hành Cty và giải quyếtnợ nầncho các NH và cá nhân. Ngày 30/11/2011, ông Khuân và vợ đã xuất cảnh sang Mỹ với lý do trị bệnh và trốn ở lại Mỹ đến nay. Ngày 11/7/2012, Lâm Ngọc Khoa cũng bỏ Cty qua Mỹ.
Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định dư nợ tại 8 NH có quan hệ tín dụng với Cty Phương Nam đến ngày 31/10/2012 là trên 1.752 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 1.600 tỷ đồng, nợ lãi trên 160 tỷ đồng. Hậu quả thiệt hại do hành vi của Khuân và đồng bọn gây ra (sau khi lấy tổng dư nợ trừ đi phần tài sản thế chấp là 639 tỷ đồng) trên 1.072 tỷ đồng.
Kẻ ẵm tiền ra đi, người ở lại hứng tội
Cơ quan điều tra cũng xác định, Lâm Ngọc Khuân là người chịu trách nhiệm chính về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời chịu trách nhiệm chính về thiệt hại gây ra cho các ngân hàng. Sau khi phạm tội, ông Khuân đã bỏ trốn nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc và đề nghị truy nã quốc tế.Hai “vật tế thần” cán bộ của Cty Phương Nam là Lâm Minh Mẫn (sinh năm 1980) - Kế toán trưởng Cty Phương Nam và Trịnh Thị Hồng Phượng (1980) - Phó Giám đốc Cty Phương Nam cùng bị Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo xác định của Cơ quan điều tra, Lâm Minh Mẫn và Trịnh Thị Hồng Phượng có vai trò giúp sức ông Khuân lừa đảo chiếm đoạt tiền của các NH.
25 bị can khác cùng bị đề nghị truy tố về tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đều là các các bộ chủ chốt của các ngân hàng. Ở Ngân hàng Phát triển chi nhánh Sóc Trăng gồm Nguyễn Thế Thắng (sinh năm 1959) – nguyên Giám đốc chi nhánh Sóc Trăng bị xác định là biết thuộc cấp không kiểm tra tài sản thế chấp mà chỉ dựa vào hồ sơ của bên vay để lập báo thẩm định rồi cho vay. Do việc này gây hậu quả thiệt hại trên 343 tỷ đồng, ông Thắng cùng nguyên phó giám đốc Nguyễn Văn Xem và 3 cán bộ liên quan phải chịu trách nhiệm. Tại Sở Giao dịch Hậu Giang của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, nguyên giám đốc Đỗ Hùng Sở (47 tuổi) là người chịu trách nhiệm chính trong việc cho Cty Phương Nam vay. Ông Sở được xác định là không chỉ đạo cấp dưới kiểm tra, xác minh tài sản DN thế chấp; không kiểm tra thực tế hàng tồn kho luân chuyển tại Phương Nam; không kiểm tra hồ sơ cấp dưới trình ký… gây thiệt hại gần 259 tỷ đồng. Ngoài ông Sở, 7 cấp dưới khác cũng bị khởi tố.
Tương tự các trường hợp trên là những giám đốc chi nhánh và cán bộ của Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Bạc Liêu, Ngân hàng Sacombank chi nhánh Sóc Trăng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng… Các ngân hàng trên đều cùng chung cảnh ngộ tiền mất, người bị khởi tố. Ngoài ra, cái mất khác khó có thể đong đếm được của các ngân hàng trên là uy tín trên thị trường tiền tệ.
Quan trọng là con người
Bản thân các cán bộ làm công tác pháp chế của ngân hàng là những người cần thực sự nắm vững các quy định pháp luật nói chung và quy định nghiệp vụ ngân hàng nói riêng cũng thực sự chưa chắc khi khẳng định mình đã nghiên cứu rõ và hiểu, biết thực sự, đầy đủ về các quy định cụ thể của việc quản lý nợ. Trực tiếp và liên quan đến tất cả các khâu, các giai đoạn theo cho vay của cán bộ, nhân viên Ngân hàng chính là quy định tại Điều 179 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (BLHS 1999)về “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Qua các vụ án trong hoạt động ngân hàng thời gian quan cho thấy rõ cán bộ, nhân viên ngân hàng chưa thực sự nắm rõ, hiểu hết các quy định của điều luật này, phần lớn các cán bộ, nhân viên ngân hàng chỉ nghe qua hoặc được biết tới khi chính họ, người thân hoặc ngân hàng nơi họ đã, đang làm có vụ án hình sự liên quan.Theo quy định tại Điều 179 của BLHS 1999 thì “người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một đến bảy năm: a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; b) Cho vay quá giới hạn quy định; c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng...” Thực tế khi xem xét đến các vụ án xét xử cán bộ, nhân viên ngân hàng liên quan đến hành vi vi phạm này thì động cơ vụ lợi cá nhân nhằm được hưởng lợi từ hoa hồng, phần trăm (%) hoặc lại quả từ khách hàng vay vốn nên đã cố ý vi phạm. Ngoài ra, cũng có thể là động cơ khác như nể nang, giúp đỡ hoặc do là bạn bè, quen biết… Đặc biệt, có thể nói quản trị rủi ro bằng việc trang bị kiến thức pháp lý, xây dựng các chương trình hỗ trợ, kiểm soát rủi ro pháp lý cho cán bộ, nhân viên của ngân hàng chính là một trong những biện pháp phòng tránh rủi ro hữu hiệu nhất, ít chi phí nhất. |
Nợ xấu từ đâu? Tiền thân của Cty Phương Nam vốn là DN thủy sản từng đứng vào top 10 DN tiêu biểu cả nước với kim ngạch xuất khẩu lên đến hơn 88 triệu USD vào năm 2007 và tạo công ăn việc làm cho trên 3.200 công nhân. Cũng bắt đầu từ việc đầu tư ngoài ngành sang lĩnh vực bất động sản, Cty Phương Nam kinh doanh thua lỗ liên tục 5 năm dẫn đến mất khả năng thanh toán. Kết quả trưng cầu giám định tài chính cho thấy từ năm 2008 đến 2012 thủy sản Phương Nam thua lỗ trên 996 tỷ đồng và tổng tài sản thế chấp chỉ giá trị gần 640 tỷ đồng. Cùng với đó, chủ DN là ông Lâm Ngọc Khuân đã có những hành động chi tiêu “bạt mạng”. Từ số tiền DN này có thể dễ dàng vay các ngân hàng hay cũng để che mắt mọi người, ông Khuân đã cho xây một căn biệt thự nhìn bên ngoài không khác mấy Nhà Trắng của Tổng thống Hoa Kỳ. Ban đầu căn biệt thự lớn nhất Sóc Trăng này được ông Khuân lấy tiền vay của ngân hàng để xây dựng với mục đích làm văn phòng công ty nhưng sau đó sang tên cho vợ. Bà Mỹ vợ ông Khuân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất, sau đó không lâu. Trong thời gian này, nguyên Chủ tịch Cty Phương Nam đã yêu cầu kế toán với con gái chi tạm ứng trên 71 tỷ đồng nhưng chỉ hoàn hơn 65 tỷ thể hiện nội dung chủ yếu là tiếp khách và đi công tác nước ngoài, còn lại gần 6 tỷ không quyết toán. Nhiều người biết chuyện gia đình ông Khuân đã nhận xét, ông Khuân cũng giống như nhiều đại gia khác. Từ khi chuyển sang lĩnh vực bất động sản, kinh doanh bắt đầu lao dốc. Ông Khuân buộc phải vay chỗ này để trả chỗ kia. Dần dần hết tài sản thế chấp thì làm chứng từ giả, chứng từ khống để vay tiền bằng mọi giá, “đâm lao phải theo lao”. Từ chuyện vỡ nợ của Cty Phương Nam, một số chuyên gia soi chiếu lại chuyện nợ xấu, thời gian gần đây. Hầu hết nợ xấu của DN đều liên quan đến đầu tư ngoài ngành, đầu tư lĩnh vực bất động sản. Nếu soi lại từng khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại thì việc tìm ra sai phạm của lãnh đạo, CBNV nhiều ngân hàng là không khó.Cty Phương Nam chỉ là một đại diện trong số nhiều DN dồn ngân hàng vào thế chân tường. Rất nhiều CBNV ngân hàng chỉ vì cái lợi trước mắt đã đẩy mình và ngân hàng vào chỗ nguy hiểm. Đến khi mọi việc vỡ lở thì hối cũng không kịp. Hậu quả của việc buông lỏng trong hoạt động của lĩnh vực ngân hàng đang để lại những di chứng hết sức nặng nề cho không chỉ DN, cá nhân mà cả nền kinh tế. |
>> Vụ bức tâm thư gởi món nợ đầm đìa: Ông Lâm Ngọc Khuân lộ mặt kẻ lừa đảo
Theo Bá Tú