MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu đường tiểu ngạch: Tắc do khó hoàn thuế GTGT

27-10-2014 - 14:51 PM | Doanh nghiệp

Theo Bộ Công Thương, tính từ đầu năm đến ngày 23/9/2014, các DN mới chỉ xuất khẩu được 177.238 tấn đường/505.000 tấn được cấp phép xuất khẩu.

Nguồn cung đường cho thị trường nội địa dư thừa, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược (Lào Cai) là lối thoát duy nhất giúp ngành đường giảm tồn kho. Tuy nhiên, vướng mắc phát sinh từ cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đường có thể bỏ thị trường.

Theo Bộ Công Thương, tính từ đầu năm đến ngày 23/9/2014, các DN mới chỉ xuất khẩu được 177.238 tấn đường/505.000 tấn được cấp phép xuất khẩu.

Trong tháng 8/2014, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai đã ngừng tạm nhập tái xuất đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược, đồng thời tỉnh Lào Cai có các biện pháp khắc phục về hạ tầng, giao thông, bến bãi…, tạo điều kiện cho nông sản nói chung và đường nói riêng xuất khẩu. Thế nhưng, xuất khẩu đường từ đó đến nay hầu như không chuyển biến.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt- Giám đốc Công ty TNHH Nghĩa Anh (Lào Cai)- cho biết: Năm 2013, công ty được Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu 95.000 tấn đường và đã xuất hết số lượng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, công ty mới chỉ xuất được khoảng 4.000 tấn/45.000 tấn được cấp phép.

Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc từ cơ chế hoàn thuế GTGT.

“Thời điểm hiện nay, do vướng mắc về cơ chế, không xuất được đường sang Trung Quốc nên nhiều DN xuất khẩu đường ở Lào Cai gần như đã bỏ cuộc để kinh doanh những mặt hàng khác, các nhà máy đường không thể tự xuất khẩu được”- bà Nguyệt nói.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2014, lượng đường tồn kho ước tính trên 350.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, niên vụ sản xuất 2014-2015 mới bắt đầu.

Đường xuất khẩu được hoàn thuế GTGT đầu vào (5%). Thế nhưng, muốn hoàn thuế, DN phải có hợp đồng ngoại thương, phải thanh toán qua ngân hàng- những quy định thường áp dụng đối với xuất khẩu chính ngạch. Trong khi đó, đường Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc do hai bên vận dụng chính sách thương mại biên giới, chủ yếu do địa phương Trung Quốc tạo điều kiện cho DN Việt Nam tiêu thụ đường, đôi bên cùng có lợi. Còn nếu xuất khẩu chính ngạch thì ngay cả đường giá rẻ của Thái Lan, Ấn Độ… vào thị trường Trung Quốc cũng không thể chịu nổi hàng rào thuế quan bảo hộ cao, trong khi đường Việt Nam có giá cao nhất thế giới.

Từ đầu năm 2014 trở về trước, xuất khẩu đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc khá suôn sẻ. Tuy nhiên, gần đây, phía Trung Quốc siết quản lý hoạt động xuất nhập khẩu biên giới, nên đối tác nước này nhập khẩu đường tiểu ngạch gặp không ít rủi ro, từ chối nhập đường của DN Việt Nam nếu phải đáp ứng các yêu cầu thanh toán qua ngân hàng và có hợp đồng ngoại thương. Còn DN Việt Nam nếu đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu thì sẽ không thể hoàn được thuế GTGT.

Để tháo gỡ bế tắc cho xuất khẩu đường, nhiều DN kiến nghị: Bộ Tài chính nên xem xét nới lỏng điều kiện hoàn thuế GTGT theo hướng cho phép DN được thanh toán theo cơ chế đổi hàng, đối trừ 3 bên hoặc đối tác nhập khẩu đường có thể chuyển tiền từ bất cứ tài khoản nào từ Trung Quốc về tài khoản của DN xuất khẩu là được hoàn thuế. Khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu đường, DN được sử dụng bảng kê khai xuất khẩu cho đối tác nào, số lượng và giá cả bao nhiêu… thay cho hợp đồng ngoại thương.

Theo Lan Ngọc

thunm

Báo Công thương

Trở lên trên