Doanh nhân BĐS tuổi Sửu: Người biến đồng hoang thành mỏ vàng, người xây hàng nghìn căn chung cư chỉ 10 triệu đồng/m2 tại ngay giữa Hà Nội
Với đức tính cần cù, chăm chỉ của người tuổi Sửu, hai doanh nhân tuổi Sửu đã đạt thành công lớn trong sự nghiệp của mình.
Đại gia Dũng "lò vôi" ăn chay trường sở hữu khối tài sản hàng chục nghìn tỷ, biến đồng hoang thành “mỏ vàng"
Ông Dũng sinh năm 1961 tại Bình Định, tên khai sinh của ông là Huỳnh Phi Dũng nhưng sau đó ông tự đổi thành Huỳnh Uy Dũng, với mong muốn cuộc đời bớt sóng gió, gian nan.
Quá trình lập nghiệp của vị doanh nhân này cũng bắt đầu từ chiếc lò vôi. Sau quá trình xuất ngũ, vì quá nghèo khổ, ông mở lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp. Xí nghiệp làm ăn phát đạt khiến Dũng "lò vôi" bắt đầu phất lên. Và biệt danh "Dũng lò vôi" gắn liền với tên tuổi của ông từ ấy.
Sau này, khi việc kinh doanh vôi đi xuống, ông bán lò vôi, chuyển qua làm sơn mài với chức giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ thuộc tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương. Đến năm 1996, ông Dũng nghỉ công việc nhà nước, chuyển ra làm kinh doanh riêng.
Ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đại Nam.
Ông là người tiên phong xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên tại Bình Dương cũng như Việt Nam, sở hữu trong tay nhiều bất động sản và tài sản "khủng" như: Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Tuy nhiên, khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) mới là công trình đưa tên tuổi ông Dũng vượt xa khỏi đất Bình Dương. Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở Bình Dương của đại gia Dũng "lò vôi" rộng 450 ha, kinh phí đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Vào những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây vẫn chỉ là một vùng đất hoang sơ, có chỗ là rừng cao su bạt ngàn. Ông Huỳnh Uy Dũng khi đó nắm quyền thuê gần 500ha đất đã biến địa điểm này trở thành một trong những khu du lịch nổi tiếng bậc nhất phía Nam.
Với diện tích 450 ha, Đại Nam là quần thể du lịch tâm linh gồm nhiều đền thờ, với các pho tượng, phù điêu, linh vật thờ cúng được chạm trổ tinh vi, dát vàng. Đi kèm đó là một loạt các công trình như: Khu trò chơi hiện đại, Vườn thú Đại Nam, Dãy núi Bảo Sơn,…
Điểm đặc biệt là công trình hoàn toàn không tốn tiền thiết kế bởi ông Dũng đã tự nghĩ ra phối cảnh, tự hình dung bản mẫu sau đó đích thân chỉ đạo công việc xây dựng, quản xuyến tới từng viên gạch, từng bao xi măng.
Có thể, trong kinh doanh, nhiều người nhìn nhận Dũng "lò vôi" là một cá nhân quyết liệt, thậm chí "khùng khùng", thích phát ngôn "ngông cuồng" thì ngoài đời, ông lại là một người mộ đạo, hết lòng tin theo Phật giáo. Từ khi khởi công xây dựng công trình Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến đến lúc cơ bản hoàn thành, ông Dũng ăn chay trường.
"Tôi thấy tiền bạc chỉ là phương tiện duy trì sự sống, không phải cái tôi đi tìm. Cái tôi đi tìm sâu xa hơn, màu nhiệm hơn, trên nền tảng thánh thiện mới tìm được nó. Tôi đã quyết định dừng lại, và suốt 10 năm trời xây dựng Đại Nam, quyết tâm để lại cho đời một khu du lịch tâm linh. Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, phúc theo ta suốt đời. Bao nhiêu năm làm kinh doanh, tôi hiểu chết có mang theo gì đâu, nên biết dừng lại sớm, không chiếm hữu", ông Dũng cho biết.
Đại gia Lê Thanh Thản thích hút thuốc lào, đi xe Rolls-Royce và triết lý kinh doanh "đừng ăn lãi quá nhiều"
Ông Lê Thanh Thản là doanh nhân sinh năm 1950, được nhiều người biết đến với vị trí ông chủ của Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và cùng các con điều hành Tập đoàn Mường Thanh, sở hữu chuỗi khách sạn trải dài trên cả nước. Ông Thản cũng nổi tiếng với nhiều phát ngôn gây sốc.
Khách sạn Mường Thanh đầu tiên của tập đoàn đặt tại tỉnh Điện Biên vào năm 1997. Sau đó vài năm, khi đặt khách sạn cho đối tác nước ngoài ở Daewoo Hà Nội có giá 200 USD khó khăn, ông Thản đã quyết định đầu tư vào khách sạn tại Hà Nội và đến năm 2003 thì Mường Thanh Hà Nội ra đời.
Tính đến nay, hệ thống khách sạn Mường Thanh đã trở thành chuỗi khách sạn tư nhất lớn nhất Đông Nam Á với hệ thống trên 60 khách sạn và dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 - 4 - 5 sao quốc tế, có mặt ở hầu hết các tỉnh Việt Nam và tại thủ đô của Lào. Hiện, tổng lượng phòng thuộc hệ thống khách sạn Mường Thanh cung cấp cho thị trường chiếm 10% tổng lượng phòng lưu trú cả nước (11.000 phòng nghỉ tiêu chuẩn). Mỗi năm đều có ít nhất một khách sạn mới ra đời.
Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh.
Trong lĩnh vực xây dựng, ông Lê Thanh Thản còn nổi tiếng khi xây dựng hàng loạt chung cư giá rẻ tại Hà Nội, như tổ hợp 12 tòa nhà HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, VP Linh Đàm, Thanh Hà Cienco 5, chung cư Đại Thanh, chung cư Xa La.
Với mức giá gốc chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/m2, các dự án nhà của đại gia Lê Thanh Thản đang là lựa chọn của nhiều người có thu nhập trung bình tại Hà Nội. Triết lý bán giá vừa phải "đừng ăn lãi nhiều quá", khiến các dự án của ông chủ Mường Thanh có tính thanh khoản rất cao. Ví như gần 4.000 căn hộ với giá 9,5 triệu đồng/m2 của khu đô thị Thanh Hà đã được bán hết chỉ trong vòng 3 tháng.
Về nguyên tắc kinh doanh, ông Thản thừa nhận ông không làm ăn chung với ai, kể cả với anh em ruột thịt. Còn về nguyên tắc không vay vốn ngân hàng, ông Thản tiết lộ chi phí lãi suất ngân hàng chiếm gần 20% giá thành sản phẩm. Như vậy, muốn đưa ra thị trường các sản phẩm chung cư giá rẻ, ông phải cố gắng huy động mọi nguồn vốn, trừ vốn vay ngân hàng để tiết giảm được chi phí.
Hàng nghìn căn hộ chung cư giá chỉ 10 triệu đồng/m2 tại Hà Nội.
Ông Thản cho rằng, để có nhà giá rẻ thì khâu tổ chức thực hiện và cán bộ điều hành là yếu tố quyết định; bộ máy phải gọn không cồng kềnh; vừa tiết kiệm được cả vật liệu vật tư vừa tiết kiệm được chi phí nhân công. Ngoài ra, cần rút ngắn quá trình thi công bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại. Trước đây làm một tòa nhà 18 tầng phải mất 3 năm nhưng bây giờ chỉ mất 9 tháng.
Một yếu tố nữa để có thể xây được nhà giá rẻ là cố gắng huy động mọi nguồn vốn, trừ vốn vay ngân hàng để tiết giảm được chi phí, vì chi phí lãi suất ngân hàng chiếm gần 20% giá thành sản phẩm. Điều sau cùng ông cho rằng trong quá trình kinh doanh cần tính toán giá bán vừa phải, đừng ăn lãi nhiều quá. Làm kinh tế phải biết chia sẻ, bởi khi bán một sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng không tồi thì tính thanh khoản rất cao. Thực tế cho thấy, gần 4.000 căn hộ với giá 9,5 triệu đồng/m2 của khu đô thị Thanh Hà được bán hết chỉ trong vòng 3 tháng.
Dù đã là đại gia với tài sản hàng nghìn tỷ, ông Thản vẫn giữ sở thích hút thuốc lào, ngay cả trên mỗi chiếc xe của mình. Ông Thản từng chia sẻ với báo chí rằng: “Tôi đã có lần cai rồi, nhưng thấy không tốt lắm nên không cai nữa. Có những thứ cai chưa chắc đã tốt với tôi, ví như thuốc lào. Nếu tôi mà cai là viêm họng”.