Doanh nhân đình đám tuổi Sửu: Từ tỷ phú đô la đến bà trùm cafe, nữ doanh nhân quyền lực của Châu Á
Người tuổi Sửu vốn rất chậm trong hành động, nhưng họ rất kiên trì. Một khi quyết định điều gì đó, họ sẽ giữ vững lập trường đến cùng. Trên thương trường, nhiều doanh nhân tuổi Sửu đã gặt hái được thành công vang dội.
Có một truyền thuyết kể lại rằng, khi khai sinh lập địa, Ngọc hoàng đã tổ chức một cuộc thi cho các con vật nhằm phân định thời gian. Với thách thức con vật nào sẽ về đích trước sẽ giành được chiến thắng.
Với bản tính cần cù chăm chỉ, Trâu là con vật dẫn đầu nhưng vì Chuột nhờ Trâu đưa qua suối, sang đến bờ bên kia Chuột nhảy phắt xuống nên về đích đầu tiên, con Trâu về thứ nhì. Trong văn hoá Trung Quốc, con trâu là con vật được coi trọng, vì đóng góp của Trâu trong nông nghiệp nên tuổi Sửu mang những đặc điểm tích cực như chăm chỉ và trung thực.
Người tuổi Sửu vốn rất chậm trong hành động, nhưng họ rất kiên trì. Một khi quyết định điều gì đó, họ sẽ giữ vững lập trường đến cùng. Tuổi này bản tính thận trọng và cẩn thận, do đó họ mất rất nhiều thời gian để cân nhắc trước khi bắt tay vào việc. Người tuổi Sửu có thể vất vả trong thời gian đầu, nhưng thành quả họ đạt được về sau là rất đáng ghi nhận.
Trên thương trường, nhiều doanh nhân tuổi Sửu đã gặt hái được thành công vang dội.
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát
Năm sinh: 1961
Tổng tài sản: 38.448 tỷ đồng
Bloomberg dẫn lời tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và nhà sáng lập của Hòa Phát: "Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi chỉ có niềm đam mê và không biết sợ là gì".
Khi ông Trần Đình Long thành lập tập đoàn Hòa Phát vào năm 1992, ông không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực thép. Ngày nay, Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu Việt Nam với thị phần chiếm gần 1/3 tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng cả nước.
Cổ phiếu Hòa Phát đã tăng gấp đôi trong năm vừa qua khi lợi nhuận của Hòa Phát tăng vọt, trở thành doanh nghiệp thép niêm yết lớn nhất Việt Nam, giúp tài sản của ông Long và vợ tăng lên 1,9 tỷ USD, theo thống kê của Bloomberg.
Trong bảng xếp hạng các tỷ phú USD của tạp chí danh tiếng Forbes, ông Trần Đình Long đứng vị trí 1.756 trên thế giới và đứng thứ 3 tại Việt Nam, với khối tài sản ước tính đạt 2,1 tỷ USD (tính đến ngày 18/1/2021).
Mặc dù ngành thép gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 khi hầu hết nguyên liệu đầu vào đều tăng mạnh, giá quặng sắt tăng vọt vào cuối năm song Hòa Phát đã có một năm "ngược dòng" thành công rực rỡ khi đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 13.506 tỷ đồng, tăng 80%.
Đầu năm 2021, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất chính thức hoạt động đồng bộ cả 2 giai đoạn. Điều này cho phép Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, đặc biệt là sản lượng thép cuộn cán nóng HRC. Dự kiến, Hòa Phát sẽ đặt mục tiêu 2,7 triệu tấn HRC, trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng, chiếm 40% thị phần thép trong năm 2021.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), Chủ tịch CTCP XNK Sa Giang (SGC)
Năm sinh: 1961
Tổng tài sản: 3.332 tỷ đồng
Bà Trương Thị Lệ Khanh là một trong hai đại diện của Việt Nam lọt top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2020 (Asia's Power Businesswomen) của tạp chí Forbes.
Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 là con út trong một gia đình có 4 anh chị em ở đất miền Tây An Giang. Bà Khanh theo học tại Đại học Tài chính Kế toán TP.HCM và tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân Kinh tế. Năm 23 tuổi, bà được bổ nhiệm vào sở Tài chính tỉnh An Giang; chỉ 2 năm sau, bà đã trở thành kế toán trưởng Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Ở độ tuổi 25, bà Khanh đã là Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được thành lập cuối năm 1997, chuyên xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet, và các hàng giá trị gia tăng từ con cá tra. "Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn tức là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới", bà Khanh đã giải thích về tên công ty.
Dưới sự dẫn dắt của bà Khanh, trong 12 năm, từ 2007 đến 2018, doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng 750%, lợi nhuận gấp 15 lần. Hai năm 2019, 2020, do bị tác động bởi các chính sách bảo hộ thương mại và các thị trường trọng điểm tại Mỹ, Châu Âu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn giảm mạnh. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của VHC chỉ đạt 705 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước.
Ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam
Năm sinh: 1961
Tổng tài sản: Ước tính hàng chục nghìn tỷ
Ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng "lò vôi") là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam. Doanh nghiệp này sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến nổi tiếng khắp Việt Nam với diện tích lên đến 450 ha tại Bình Dương.
Ông Dũng từng đảm nhiệm vai trò chủ tịch hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) từ năm 1994 đến 1996, nguyên đại biểu Quốc hội khoá X.
Sở dĩ có biệt danh Dũng "lò vôi", vì trước đây do cuộc sống quá nghèo khó, ông Dũng phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp…sau đó, ông Dũng bán lò vôi để làm giám đốc công ty sơn mài Thanh Lễ, sau này là công ty thương mại XNK Thanh Lễ. Trước khi tiếp nhận công ty sơn mài Thanh Lễ, ông Dũng đưa ra điều kiện, nếu làm ăn thua lỗ ông sẽ bỏ tiền túi ra bồi thường, còn ngược lại, công ty phải trích cho ông 10% tiền lời thu được. Kết quả, năm đầu tiên giữ cương vị giám đốc, lợi nhuận công ty vượt xa mong đợi.
Bước ngoặt cuộc đời của Dũng "lò vôi" là khi ông quyết định rót vốn vào khu công nghiệp Bình Đường, và sau đó là 2 khu công nghiệp Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3. Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến được ông Dũng "lò vôi" bắt tay vào xây dựng từ tháng 9/2007, với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á với diện tích 700ha. Số tiền xây dựng khu du lịch Đại Nam lên tới 5.000 tỷ đồng.
Tháng 5/2020, ông Dũng bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng kinh doanh và chuyển vai trò điều hành cho vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng, để tập trung vào công việc thiện nguyện bằng cách bán những tài sản ông đã tạo dựng trong hơn 40 năm qua để giúp đời giúp người.
Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thiên Minh Group
Năm sinh: 1973
Tổng tài sản: Không xác định
Ông Kiên tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa trường Đại học Y hà Nội, nhận bằng cử nhân chuyên ngành tiếng Anh tại trường Đại học Sư Phạm Ngoại Ngữ Hà Nội và bằng thạc sỹ trường đại học Hawaii tại Manoa.
Ông Trần Trọng Kiên bắt đầu công việc làm hướng dẫn viên du lịch với mục đích ban đầu để trang trải chi phí cho các nghiên cứu y tế của mình tại Đại học Y Hà Nội.
Cơ duyên này đã đặt nền tảng để ông quyết định khởi nghiệp trong ngành du lịch với việc sáng lập Buffalo Tours vào năm 1994. Từ một hướng dẫn viên, ông đã phát triển Buffalo Tours phát triển thành một trong những tập đoàn du lịch hàng đầu khu vực và được công nhận tốt nhất ở Việt Nam. Công ty phát triển lên quy mô toàn cầu với 17 văn phòng điều hành tại khu vực Châu Á ở 11 nước (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông) và 4 văn phòng kinh doanh tại Úc, Anh, Mỹ, Nga.
Trải qua 26 năm hoạt động và phát triển, từ một doanh nghiệp nhỏ điều hành các tour du lịch mạo hiểm tại việt Nam với thương hiệu Buffalo Tours, ngày nay TMG là một trong những tập đoàn du lịch hàng đầu Đông Nam Á với ba lĩnh vực chính và 10 thương hiệu.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Tổng giám đốc TNI Copporation
Năm sinh: 1973
Tổng tài sản: Khoảng 4.000 tỷ đồng
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo được biết đến nhiều nhất từ vụ li dị ồn ào với vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ. Việc tranh chấp quyền quản lý Trung Nguyên đã tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Năm 1996, bà Thảo cùng chồng cũ là ông Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp với hạt cafe tại quê nhà Buôn Ma Thuột. Với chiến lược nhượng quyền, Trung Nguyên đã mở rộng hàng nghìn quán cafe trên khắp Việt Nam, và phát triển cà phê hoà tan G7. Sau khi ly thân với chồng, bà Thảo làm Tổng giám đốc Trung Nguyên International và ra mắt King Coffee.
HĐXX công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo, công nhận tự nguyện thỏa thuận các bên. Toà tuyên giao bà Thảo nuôi các con chung; chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng cho các con mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ 2013 cho đến khi học xong đại học. Về tài sản, giao cho ông Vũ quản lý tất cả cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên.
Về bất động sản, tòa giao bà Thảo được sỡ hữu, quản lý, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ; ông Vũ được quản lý đất và tài sản gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ. Giao bà Thảo sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ đang sở hữu tại các ngân hàng trị giá hơn 1.764 tỷ đồng. Ông Vũ phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo số tiền 1.510 tỷ.
Với số tiền ước tính này, bà Thảo hoàn toàn có thể đứng vào nhóm những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam.
Đến nay việc giải quyết kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đối với quyền sở hữu nhãn hiệu "Trung Nguyên" và "G7 Coffee" chưa đi đến hồi kết.
Ông Tô Hải – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt
Năm sinh: 1973
Tổng tài sản: 2.385 tỷ đồng
Ông Tô Hải là một người khá kiệm lời trong ngành chứng khoán. Tốt nghiệp đại học Bách Khoa TP.HCM ngành Quản trị công nghiệp, sau đó tốt nghiệp thạc sỹ Tài chính ngân hàng tại đại học Sydney, ông Hải ban đầu làm việc tại công ty viễn thông liên tỉnh thuộc VNPT. Ông Bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán từ những ngày "khai thiên lập địa" của ngành chứng khoán Việt Nam vào năm 2001 với vai trò chuyên viên tại công ty chứng khoán Bảo Việt. Năm 2007, ông Tô Hải giữ vị trí Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt cho đến ngày hôm nay, đưa VCSC từ một công ty non trẻ trở thành CTCK giữ trị ví top 3 trong nhiều năm. Trong khi các CTCK khác chạy đua trong mảng môi giới và tự doanh, thì VCSC đi đầu trong mảng tư vấn (IB) và khách hàng tổ chức.
Năm 2020, VCSC đạt 951 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 73% so với kế hoạch. Kết quả kinh doanh tích cực của VCSC đến từ một số mảng kinh doanh chủ chốt như Đầu tư (doanh thu tăng 20% và lợi nhuận tăng 30%) và Môi giới (doanh thu tăng 35% và lợi nhuận tăng 32%). Bên cạnh đó, giá cổ phiếu cũng tăng hơn gấp đôi trong năm vừa qua, đưa vốn hóa thị trường của công ty lên gần 10.000 tỷ đồng.