Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng kể những kết quả tuyệt vời sau 20 năm tu, thiền
Từng làm việc tại tập đoàn FPT 12 năm và đang lãnh đạo công ty Sách Thái Hà với 200 nhân sự, nhưng TS Nguyễn Mạnh Hùng vẫn quyết đi theo con đường tu tập. Với ông, đó là cả một hành trình dài để đến được với hạnh phúc trong từng phút giây cuộc đời.
- 08-04-2017TS Nguyễn Mạnh Hùng: Các doanh nhân cũng lười đọc sách như đa số người Việt, có vị sếp còn tâm sự "mấy năm nay anh có đọc sách đâu mà vẫn làm ăn phát đạt!"
- 05-04-2017TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Ôm điện thoại vào phòng ngủ; xem ti vi; cởi trần khi ngủ? Sao bạn nỡ "giết" mình bằng cách đấy!
- 04-04-2017TS Nguyễn Mạnh Hùng: Dù có đánh đập, chửi mắng, cướp giật của tôi... "Nếu làm tôi ghét được bạn, tôi sẽ biếu bạn ngay cái ô tô"
Tôi từng tụng kinh như một cái máy
Ngày xưa tôi mê mờ lắm. Bà tôi bảo, cứ tụng đi. Tôi tụng như cái máy. Mà toàn chữ Nôm chữ Tàu chẳng hiểu gì cả. Tôi không muốn tụng. Bà vẫn bảo cứ tụng.
Sau này tôi may mắn biết đến những lời dạy gốc của Đức Phật, những kinh Phật thật, bộ Kykaya, chứ không phải kinh do người sau này viết ra. Từ ngày khám phá ra 5 đặc điểm để phân biệt đâu là đạo Phật thật, đâu là đạo Phật dởm tôi hoàn toàn tin vào Đức Phật và những lời dạy của Ngài.
Từ ngày ấy, tôi quyết chí tu tập. Xin chia sẻ để quý vị nhớ nằm lòng 5 đặc điểm rất quan trọng này nhé: Thiết thực hiện tại; Đến để mà thấy (chứ không phải đến để mà tin); Có tính hướng thiện, hướng thượng; Vượt không gian và thời gian; Dành cho người trí tự mình giác ngộ. Đấy. Nhớ ngay giúp tôi, ông doanh nhân lại tu tập nhé.
Tôi chưa hề quy y Tam Bảo, chưa hề phát tâm giữ 5 giới như một Phật tử đến tận năm 2009 khi tôi quyết định xuất gia gieo duyên làm nhà sư trong vòng 7 ngày. 7 ngày đó giữ luôn 10 giới của người xuất gia luôn. Tuy trước năm 2009 chưa quy y và thọ giới nhưng tôi vẫn đã thiền, đã tu và thực hành nghiêm túc những lời Phật dạy rồi.
Tôi thực hành, tôi tu là vì tôi, vì tôi thấy hay và cần thiết cho cuộc đời của tôi chứ không bị ai dụ hay ép, và thấy chưa cần thiết và làm lễ nhận giới và nhận điệp quy y. Tôi cho rằng nội dung quan trọng hơn hình thức. Thế đấy.
Là người làm khoa học nên tôi chỉ tin vào những gì khoa học, chứng minh được. Bao năm nay rồi. Vậy nên, ngay 2 đặc điểm đầu tiên là "thiết thực hiện tại" và "đến để mà thấy" đã quá đủ để tôi quyết tâm tu tập theo con đường mà Đức Phật đã tìm ra. Đó cũng chính là câu trả lời, tại sao tôi, 1 doanh nhân, từng làm việc tại tập đoàn FPT 12 năm và đang lãnh đạo công ty sách Thái Hà với gần 100 nhân viên làm full time và với hơn 100 bạn làm cộng tác viên, part time mà vẫn quyết chí tu học và hành thiền.
Tu tức là làm 3 bước: văn - tư - tu. Văn là nghe pháp, đọc kinh của Đức Phật, tức những lời giảng của Đức Phật. Tư là tư duy, nghiền ngẫm đúng sai. Và cuối cùng tu là khâu cuối, khi thấy đúng, hợp lý thì thực hành. Tuy nhiên, bạn cũng nhớ cho rằng không phải ai cũng đủ duyên lành để nghe pháp, đọc kinh đâu nhé. Nếu không đủ căn lành, không có phước, thiếu trí thì rất khó được nghe pháp và đọc tụng kinh.
Một câu chuyện rất thú vị tôi muốn kể. Một hôm anh Bình (Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT) gửi email, rồi nhắn tin, rồi gọi điện cho tôi, vừa khuyên và đề nghị tôi đọc gấp cuốn sách "Nhân sinh duy tân" của tác giả Yoshitaka Kitao. Tôi hỏi tại sao. Anh bảo, cứ đọc hết đi và bàn tiếp. Tôi thức đêm đọc ngay.
Hóa ra sách về Nhật Bản một đất nước hấp dẫn đến mê hoặc, sức hấp dẫn đến từ những điều mâu thuẫn và của một doanh nhân Nhật. Nhật Bản vừa có nền công nghiệp và công nghệ phát triển lại vừa có tính cách sống và làm việc nghiêm túc đến khắc nghiệt.
Tác giả sách Yoshitaka Kitao của "Nhân sinh duy tân" đứng đầu một tập đoàn tài chính lớn tại Nhật Bản nhưng có lẽ quan trọng nhát rằng ông tu tập rất tốt, rất có kết quả, và ông đã viết về nhân sinh, về các phương pháp phát triển và hoàn thiện bản thân.
Quả thật những câu lời của sách không khiến tim tôi đập mạnh mà âm thầm len lỏi vào máu của tôi. Tôi đã học được rất nhiều từ 1 doanh nhân tỷ phú, giàu cả tiền lẫn tâm, 1 doanh nhân tu tâp tuyệt vời này của đất nước mặt trời mọc. Chà, thảo nào anh Bình mua ngay 1 ngàn cuốn để tặng các bạn đồng nghiệp!
4 hạng người nghe học Phật
Tôi muốn chia sẻ về những lời Đức Phật dạy trong kinh NyKaya. Đức Phật dạy có 4 hạng người nghe học Phật, nghe pháp để tu tập.
Thứ nhất là hạng người ít nghe pháp, ít đọc kinh. Họ không có cơ duyên hiểu pháp. Không hiểu thì sao mà hành. Nếu hành sai sẽ gây ra nhiều tai hại, càng ngày càng xa đích đến.
Thứ hai là hạng người nghe nhiều nhưng hiểu ít. Đây là nhóm rất đông của thời nay. Số lượng người thực sự nắm được cốt tủy và tinh hoa của những lời Phật dạy rất ít.
Thứ ba là nhóm hiểu, hiểu đúng đấy nhưng không thực hành hoặc thực hành hời hợt được chăng hay chớ. Nếu vậy thì chuyển hóa thân tâm rất ít. Kết quả thấp. Họ vẫn thấy khổ đau không bớt hoặc giảm không đáng kể, thậm chí do tâm tham, tâm mong cầu quá lớn, quá vượt sức, đau khổ còn nhiều hơn.
Thứ tư là hạng người nghe pháp nhiều, đọc kinh nhiều, hiểu và thực hành rất tốt. Đây là những bậc trí, những người có thiện căn, những người có đường đi và thực sự đang đi trên đường chính.
Những người này có hạnh phúc và bình an, từng bước giác ngộ và giải thoát. Hơn nữa, vì họ nếm được vị ngọt của tu tập, họ bình an và hạnh phúc nên họ nỗ lực chia sẻ hiểu biết, trải nghiệm trên thực chứng của mình cho những người xung quanh, cho những ai đủ duyên.
Là doanh nhân và lại là nhà nghiên cứu nên tôi đọc nghiêm túc, nghe nghiêm túc, có đầu tư cho việc đọc kinh, nghe pháp của Phật rồi thực hành nghiêm túc, quyết từng bước chuyển hóa khổ đau, quyết tạo dựng hạnh phúc và bình an cho chính mình và những người xung quanh. Ngay bây giờ, ngay ở đây và ngay trong kiếp này.
Phước báu: O-xy của đời người
Tôi không bao giờ quên được 2 câu đối đã đọc được cách đây quãng 20 năm, rằng tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đẫy sách. Ngấm quá.
Nếu không nghe giảng, không đọc sách thì thành người mù đi trên đường. Đâu có biết đường nào mà bước, đâu có biết lối nào mà đi.
Ngược lại nếu cứ đọc kinh sách, cứ nghe giảng mà không thực hành thì có khác nào cái giỏ sách, đẫy sách hay túi sách. Mình có khác nào cái thìa múc canh, không hề cảm nhận được vị canh. Chỉ có khi học và đọc tốt, thực hành nghiêm túc ta mới nếm được vị ngọt, vị ngon như người ăn canh chứ không phải cái thìa.
Đấy vậy nên tôi càng quyết tâm tu tập.
Hơn thế nữa, nếu đọc kỹ kinh Phật và nghe Pháp, chúng ta sẽ thấy Đức Phật dạy 5 điều có ở một thiện tri thức. Thứ nhất là giúp mình tăng trưởng niềm tin, hết mê tín dị đoan.
Thứ 2 là tự giúp chính mình tăng trưởng đạo đức. Các ý ác, tâm bất thiện giảm dần đến biến mất hết.
Thứ ba là giúp mình tăng trưởng kiến thức, có chánh kiến. Các tà kiến giảm dần. Hiểu biết về nhân quả, vô thường, vô ngã, không, niết bàn tăng trưởng.
Thứ tư là giúp mình tăng trưởng tâm buông xả. Tính vị kỷ, chỉ biết cho mình giảm dần đi. Tính vị tha lớn dần lúc nào chẳng hay. Tư duy về cái tôi của tôi giảm hẳn.
Thứ năm là giúp mình tăng trưởng trí tuệ. Cái này quan trọng nhất, bởi người tu thường là tu cả 2: phước và tuệ, nhưng chỉ có trí tuệ mới giúp ta giải thoát còn nếu chỉ tu phước thì ta vẫn tiếp tục ngụp lặn trong vòng sinh tử luân hồi.
Nói thật nhé, trước khi gặp Pháp của Phật, trước khi được gặp các bậc thiện tri thức, tôi u mê, mù mờ, si mê lắm. Toàn tà kiến thôi. Từ khi gặp chánh pháp, gặp được các bậc minh sư, tôi mới dần dần có chánh niệm, tỉnh giác, chánh kiến dần dần lớn ra. Thật là tuyệt vời và khó tin. Quá là vi diệu.
Khi nghiên cứu kinh Phật và thực hành những lời Phật dạy, tôi càng ngấm và thấm rằng đã là người, ai cũng cần phước báu. Phước báu đối với người thế gian giống như sự sống cần o-xy. Nếu có phước, ta sẽ có cuộc sống may mắn, hạnh phúc, dễ dàng.
Tuy nhiên phước báu là do từ kiếp trước để lại, giống như ta có 1 tài khoản trong ngân hàng. Nếu không biết tiếp tục tạo phước mà cứ thế mà tiêu xài thì chẳng mấy tý mà hết. Giống như bạn có nhiều tiền mà không kiếm thêm cứ ngày đêm tiêu thì núi vàng cũng bay sạch.
Tôi học Phật và thực hành lời Phật dạy quãng gần 20 năm nay nên luôn chú tâm tạo phước nhiều hơn là "tiêu" phước, chú tâm tu tuệ hơn là tu phước. Càng tu càng thấy vi diệu, màu nhiệm, thật khó nghĩ bàn. Càng tu tập tôi càng cảm nhận và có kết quả rõ ràng.
84.000 pháp môn và 20 tông phái: Chọn tu gì cho tốt?
Cũng muốn nói thêm rằng những ai mới bắt đầu học Phật cũng khó chọn đường đi đấy, bởi có đến 84.000 pháp môn và Đạo Phật có đến quãng 20 tông phái.
May thay, ở Việt Nam hiện nay phổ biến nhất là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Chọn tu theo pháp môn nào cũng phải tùy căn cơ từng người.
Tôi thì từng trải qua các giai đoạn, và thời gian trước đây đã từng tu theo cả 3 tông phái này nên cũng có chút ít khinh nghiệm. Hơn chục năm nay tôi tu thiền.
Bạn cũng có thể biết, ngay cả những ai tu thiền thì cũng có dăm bảy loạt thiền, kể cả thiền ngoại đạo. Có những bạn tu cả thiền xuất hồn, thiền nhân điện, thiền ông Tám,… Ngay cả thiền Phật giáo cũng có thiền Mật tông, thiền đốn ngộ… Vậy nên cũng nên đọc sách, tìm hiểu để tu đúng, tu trúng, khỏi mất thời gian, để khỏi tu mù, thiền mù.
Bạn sẽ hỏi tôi, chọn pháp môn nào tốt nhất. Xin thưa, theo bạn chiếc kính nào tốt nhất, viễn 5 độ hay viễn 3 độ, cận 2 độ hay cận 4 độ. Câu trả lời: Tùy vào mắt mỗi người. Mỗi người có cái kính hợp nhất. Tôi viễn 2 độ nên kính 2 độ với tôi là tốt nhất. Tu tập cũng vậy, tùy căn cơ của từng người.
Tuy nhiên, nếu hỏi, thì tôi khuyên các cụ già nên tu tịnh độ tức cứ niệm 6 chữ "Nam Mô A Di Đà Phật" hoặc 4 chữ "A Di Đà Phật".
Các bạn trẻ và trung tuổi và những ai còn khỏe, đủ minh mẫn thì tôi rất khuyên tu thiền. Tôi mới thiền có hơn chục năm nay thôi nhưng thấy rất tuyệt vời, rất vi diệu, kết quả tốt đến khó tin.
Khi tu tập, tôi luôn tránh và không bị lôi kéo vào tranh cãi, lý luận. Bởi có nhiều môn phái và pháp tu. Nhiều người ưa tranh luận cứ luôn cho rằng pháp môn của mình là tốt nhất.
Thực ra Phật giáo Nam truyền thì tương đối thuần khiết nhất, ít pha tạp nhất. Các kinh điển, phương pháp hành trì… đều giữ tương đối giống như hồi Đức Phật còn tại thế. Và dĩ nhiên, rất có thể có những bạn chứng minh và luôn đặt pháp tu của mình cao nhất và coi thường các pháp tu khác.
Ngược lại, ai đó theo Phật giáo Bắc tông sẽ dẫn ra các kinh như Pháp Cú, A Hàm… làm dẫn chứng để ca ngợi Bắc tông. Rồi Mật tông cũng có thể cho mình mới là nhất…
Là người có trí, bạn thừa hiểu rằng kinh Phật là những bài giảng miệng của Đức Phật. Thời cách đây 26 thế kỷ, Ngài A Nan và quý thầy đọc tụng thuộc lòng. Cứ vậy mà truyền miệng nhau. Mãi sau này mới chép được lên lá bối, lên đá… Liệu bản chép đó có đúng 100% những bài giảng của Đức Phật không.
Rồi sau hai mươi sáu thế kỷ đến nay, trải qua bao thăng trầm, nhất là Đạo Phật bị Hồi Giáo phá hủy và tiêu diệt ở ngay đất Phật Ấn Độ dĩ nhiên phải có sai lệch chứ. Vậy nên người có trí, khi tu tập, cần tỉnh giác để biết đúng biết sai.
Đạo Phật là con đường do Đức Phật tìm ra. Pháp Phật là con đường để chúng ta đi. Có đường rồi chúng ta có đi hay không lại là chuyện khác, có ai bắt ép ta đâu. Tất cả còn tùy duyên nữa. Còn theo khế cơ, khế lý và khế thời nữa.
Tuy nhiên nếu bạn chọn Đạo Phật là con đường, nếu bạn phát tâm, phát nguyện tu học như tôi của nhiều năm trước đây, thì trước sau bạn cũng gặp được các bậc minh sư, gặp được chánh pháp. Và khí đó bạn sẽ thốt lên "Mình đã có đường đi rồi, mình không còn sợ nữa".
Hoặc hạnh phúc ngay bây giờ, hoặc chẳng bao giờ có hạnh phúc
Tu tập là quá trình dài hơi. Như đi học vậy. Chúng ta học xong mẫu giáo sẽ lên cấp 1, rồi vào cấp 2, rồi lên cấp 3, rồi vào trung cấp, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ,… Cứ đi là đến.
Khi doanh nhân tu tập, ta sẽ hiểu và ngấm rằng hạnh phúc không phải đang chờ đợi mình ở một nơi nào đó trong tương lai mà hạnh phúc là ở ngay đây và ngay bây giờ. Hoặc là hạnh phúc ngay bây giờ hoặc chẳng bao giờ có hạnh phúc. Rằng hạnh phúc là cả hành trình.
Khi doanh nhân tu tập, ta sẽ có trải nghiệm mà chẳng cần lý thuyết hay định nghĩa nào, rằng hạnh phúc là niềm vui, từ những việc đơn giản, nhỏ nhặt như uống trà hay cà phê buổi sáng, như là đọc 1 cuốn sách hay, như là ngồi đàm đạo với 1 người bạn tâm giao, như tranh thủ buổi trưa nghe 1 bản nhạc nhẹ êm dịu, như ngắm 1 chậu cây cảnh trong phòng làm việc hoặc khóm cây xanh tươi qua ô cửa sổ.
Khi doanh nhân tu tập sẽ thấy hạnh phúc rất giản đơn, để rồi căng thẳng, lo âu tan dần, xa mãi. Khi doanh nhân tu tập, ta tự động mở lòng rộng hơn, mở tâm lớn hơn, rộng mãi, lớn mãi. Mỗi sản phẩm và dịch vụ của doanh nhân tu tập cũng là chỉ để phụng sự cho cộng đồng và xã hội.
Khi doanh nhân tu tập, ta hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về mỗi việc làm, lời nói và suy nghĩ của mình. Rằng tất cả là do mình. Rằng không nên và không thể đổ lỗi cho số phận hoặc bất cứ ai khác.
Đã là doanh nhân như chúng ta thì có biết bao công việc không được như mong muốn, nhiều khi thất bại thảm hại, có khi mất trắng tay, rồi tương lai trước mắt bỗng tan như mây khói.
Nhưng doanh nhân tu tập biết cách cân bằng, biết mình nhận ra sự thật. Rằng ngay cả khi bị sự cố dù lớn đến đâu cũng còn may mắn hơn hàng triệu người khác và cơ hội bắt đầu lại từ đầu cũng vẫn rất lớn. Thế rồi bình tâm trở lại, bình tĩnh đi làm, tư duy tích cực, tĩnh tâm nghĩ ra những cách làm mới tốt hơn, chắc chắn hơn.
Đã là doanh nhân, nhất là doanh nhân mới lập nghiệp, tâm lý sợ hãi vẫn còn nhiều. Sợ đủ thứ, lo đủ vấn đề: lãnh đạo, quản trị, vốn, kỹ năng, quan hệ, công nghệ, rủi ro… Dù có giỏi đến đâu cũng không thể kiểm soát hết được mọi việc.
Doanh nhân tu tập, hiểu biết Đạo Phật như thật tự nhiên bớt sợ hãi, bớt bất an. Tất cả đều vô thường, vô ngã mà. Và doanh nhân tu tập luôn biết ơn các hoàn cảnh khó khăn, các nguy nan, thất bại bởi đã giúp mình vững chãi hơn, trưởng thành hơn.
Doanh nhân tu tập biết yêu thương đúng cách. Rằng tình yêu thương vợ chồng, anh em, gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè thật quý giá nhưng tình yêu thương với khách hàng, đối tác, rồi đồng loại, rồi vạn vật xung quanh cũng không kém phần quan trọng.
Doanh nhân tu tập biết yêu thương đúng nghĩa và họ rất hạnh phúc, hạnh phúc dài dài, hạnh phúc tự nhiên.
Chuyện chiếc lá và dòng nước xoáy
Viết đến đây tự nhiên tôi nhớ đến một câu chuyện. Đại loại rằng, có một vị doanh nhân kia gặp thất bại trong sự nghiệp tìm đến một vị thiền sư và nói rằng hình như cuộc đời và xã hội đang tìm cách nhấn chìm anh ta.
Vị thiền sư không nói gì. Ngài lấy 2 chiếc thùng, một thùng đầy nước và một thùng không. Ngài thả chiếc lá vào chiếc thùng không rồi xách chiếc thùng đầy nước kia từ từ đổ vào chiếc thùng có chiếc lá. Chiếc lá bị nước đổ vào cuốn xoáy trong nước. Chiếc lá cứ lặn xuống rồi trồi lên. Liên tục.
Cuối cùng khi nước đã đổ vào đầy chiếc thùng rỗng thì chiếc lá vẫn ung dung nổi lên mặt nước.
Vị thiền sư chỉ vào chiếc lá trong thùng nước và giải thích rằng, nếu anh doanh nhân này biết thả tâm của mình nhẹ nhàng như chiếc lá này thì dù mọi thứ có diễn biết nghiệt ngã đến mấy đi chăng nữa cũng không thể nhấn chìm anh ta.
Bạn thấy đấy, là doanh nhân tu tập có lợi thế đấy, đúng như nội dung cuốn sách rất hay và rất cần cho mọi doanh nhân "Search Inside Yourself – tạo ra lợi nhuận, vượt qua đại dương thay đổi thế giới".
Bài giảng đầu tiên của Đức Phật sau khi đắc đạo là dành cho 5 anh em Kiều Trần Như. Bài giảng đó về tứ diệu đế tức 4 sự thật kỳ diệu: Khổ, nguyên nhân của khổ, hết khổ, con đường để hết khổ.
Là doanh nhân tu tập, chúng ta nhất định nhớ lời dạy của cổ nhân rằng hoàn cảnh khó khăn là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng của người khôn khéo và là vực thẳm của người yếu đuối.
Cuộc sống vốn đầy thử thách, chông gai, thành công phải được trả giá. Nếu chúng ta nhận ra khổ và biết rõ con đường thoát khổ, hay ít nhất là bớt khổ thì sẽ có thành công, sẽ có bình an.
Khi doanh nhân tu tập, họ luôn nghĩ đến quyền lợi của người khác, của nhiều người khác, và của cả xã hội, của cả vũ trụ. Họ biết rằng họ là 1 phần cấu thành của cả thế giới này. Và họ luôn tìm cách giúp người, giúp đời, để ai ai cũng được hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ của họ, đúng như câu ngạn ngữ Pháp: "Đừng để một ai chẳng nhận được gì sau khi rời bạn. Mặc dù, bạn biết rằng có thể bạn sẽ không bao giờ gặp lại họ. Đôi khi, chỉ một ánh mắt thiện cảm dành cho người khác cũng là một món quà lớn lao trong đời".
Thế đấy, doanh nhân tu tập là thế đấy.
Việc tu tập cho doanh nhân, nếu biết cách sẽ không mất nhiều thời gian, bởi vì học học theo lời Phật dạy biết cách đứng trên vai những người khổng lồ, biết vận dụng những điều hay, điều quý của những người tài, người thành đạt đi trước đúng như trong sách "Những người khổng lồ trong giới kinh doanh". Hay thật là hay.
Cuối cùng, doanh nhân tu tập sống khá phóng khoáng, dễ tính, xởi lởi, thân thiết với cấp dưới, vui vẻ với muôn người. Họ ăn mặc cùng giản dị, bình thường. Họ sinh hoạt cũng giản đơn không cầu kỳ. Họ không quá xét nét bởi hiểu rất rõ rằng, nước quá trong thì không có cá. Thế đấy.
Qua hai chục năm tu học, là một doanh nhân, tôi thấy lợi ích thật quá nhiều. Lợi đủ đường. Tôi khôn lớn và trưởng thành rất nhanh. Tôi thêm vững chãi và thảnh thơi mỗi ngày. Tôi có hạnh phúc mỗi giờ, thậm chí mỗi phút giây. Đời của tôi thấy đẹp vô cùng.
Hơn thế nữa, công việc kinh doanh thật là hơn cả chờ đợi. Bạn chỉ cần xem lại kết quả kinh doanh hiện nay, của năm 2016 và 2017 này, của 2 doanh nghiệp nơi tôi đã và đang làm quản lý: 12 năm làm việc tại FPT (và ngày nay vẫn là cổ đông) và 10 năm đang làm việc tại Thái Hà Books, thì rõ ngay mà, làm sao giấu ai được.
Bạn hỏi tôi khuyên bạn, một doanh nhân đang tìm tòi, khám phá, điều gì ư? Chẳng có gì khuyên lớn lao to tát cả đâu. Trừ một câu 3 từ HÃY TU TẬP ĐI. Sớm ngày nào hay ngày đó. Trước giờ nào mừng giờ đó. Thật mà.