Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực: Người Hàn Quốc sang Việt Nam làm chủ lĩnh vực công nghiệp, thì người Việt Nam cũng có thể làm chủ trong nông nghiệp ở Hàn Quốc
Hàng chục năm lăn lộn trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thương và nghiên cứu nhiều thị trường, “thương lái” Nguyễn Thị Thành Thực nhận ra rằng, việc làm công nghệ truy xuất nguồn gốc, dù ở nước đang phát triển như Lào, Việt Nam hay thậm chí nước phát triển như Hàn Quốc cũng đều có thể… kém như nhau. Giải quyết được vấn đề này sẽ gỡ được nút thắt rất lớn, giúp lao động và doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát triển nông nghiệp ở các thị trường quốc tế.
Ở Việt Nam, việc chuyển đổi số đã được thực hiện ở hầu hết các ngành và lĩnh vực từ nhiều năm nay. Có những ngành thành công rõ rệt, như ngành tài chính, nhưng cũng có những ngành còn nhiều "trục trặc" như nông nghiệp. Là một người trong cuộc, theo bà đâu là vướng mắc lớn của chuyển đổi số nông nghiệp?
Trước hết, phải khẳng định, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là để phục vụ công tác quản lý nhà nước chặt chẽ hơn, và đó là cơ sở tối quan trọng để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông nghiệp Việt Nam. Vì như tôi đã nói, nút thắt lớn nhất của ngành nông nghiệp là chúng ta vẫn chưa áp dụng các chính sách pháp luật một cách nghiêm khắc với thị trường cung ứng.
Chuyển đổi số nông nghiệp, đừng nói những thứ quá cao xa, trước hết phải truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi, đảm bảo các tiêu chuẩn thì mới xây dựng được thương hiệu, xuất khẩu tốt được.
Người nông dân có muốn chuyển đổi số không? Họ rất muốn, để minh bạch, công bằng, tránh việc giả mạo xuất xứ hàng hóa, giả mạo các tiêu chuẩn - một hiện trạng đang khiến họ vô cùng bức xúc.
Có thể lấy một ví dụ, sầu riêng, loại nông sản mà chúng ta rất hồ hởi vì năm vừa rồi xuất khẩu được hơn 2 tỷ USD. Nhưng phía sau nó, lại tồn tại một vấn đề cực kỳ bất cập, chính là việc ủy quyền sử dụng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói;
Những năm trước khi Trung Quốc bắt đầu áp tiêu chuẩn mã vùng trồng, người nông dân "hừng hực" khí thế làm mã vùng trồng, nhưng chỉ một thời gian, có những doanh nghiệp thâu tóm và "làm trò" mua bán mã vùng trồng. Xuất hiện những "ekip" đi làm mã vùng trồng, bán lấy 2-300 triệu, thậm chí có khi đến hàng tỷ đồng cho một mã vùng trồng. Tương tự với việc ủy quyền sử dụng mã cơ sở đóng gói. Theo tôi, những "kẽ hở" như vậy là cực kỳ vô lý và sai hoàn toàn trong ngành nông nghiệp, có thể sinh ra việc giả mạo tiêu chuẩn, giả mạo xuất xứ hàng hóa.
Để chuyển đổi số thành công nông nghiệp, vai trò của công tác quản lý nhà nước là cực kỳ quan trọng. Nói về kinh nghiệm chuyển đổi số thành công, không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn ngay vào việc chuyển đổi số rất thành công ở ngành tài chính. Hiện giờ, từ doanh nghiệp đến cả hộ kinh doanh cá nhân muốn xuất hóa đơn, đăng ký cái gì cũng đều dùng phần mềm, vì chúng ta đã khai tử hóa đơn giấy rồi.
Ngành tài chính đã chuyển đổi số được là cơ sở tốt nhất của đất nước để làm chuyển đổi số các lĩnh vực khác, và đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nếu ngành nông nghiệp có thể kết hợp với ngành thuế làm khâu truy xuất nguồn gốc, các mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói của ngành nông nghiệp làm cũng được liên thông với cơ quan thuế, thì sẽ dễ dàng giải quyết được bài toán kiểm soát thị trường và minh bạch.
Giả sử nếu mã số vùng trồng có năng suất là 100 tấn, mà khi xuất khẩu lại lên đến 150 tấn, thì ngành thuế - hải quan có thể kiểm soát được ngay sai phạm. Tất cả những lô hàng có dấu hiệu sai phạm đó khi truy vết ngược trở lại có thể xác định ngay là doanh nghiệp có mua đúng ở nơi có mã vùng trồng hay không.
Gỡ được nút thắt đó, tránh được việc giả mạo xuất xứ, giả mạo tiêu chuẩn, chúng ta mới có thể thúc đẩy được người nông dân tuân thủ tiêu chuẩn để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Chúng ta đang làm mã số vùng trồng rất chậm, chưa đạt 20% tổng sản lượng bán hàng, vì làm không đến nơi, không triệt để. Nếu chúng ta làm triệt để, một năm chúng ta thừa sức có thể làm xong việc quan trọng này. Khi có sự tham gia của công nghệ, việc số hóa dữ liệu truy xuất nguồn gốc có thể làm rất nhanh. Với AutoAgri, mỗi giây có thể số hóa xong một bộ hồ sơ, và hoàn toàn liên kết được cơ sở dữ liệu đối với cơ quan thuế, hải quan.
Khi giải quyết được việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng xuất khẩu, thì ngược lại, chúng ta mới có quyền yêu cầu hàng hóa các nước nhập vào Việt Nam cũng phải làm được như vậy, chúng ta mới kiểm soát được thị trường.
Tóm lại, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp có giá trị cực kỳ lớn, tôi tin người Việt, doanh nghiệp Việt có giải pháp, miễn là chúng ta quyết tâm làm và đừng phức tạp hóa những vấn đề đơn giản.
Thời gian vừa qua, được biết bà đã có các chuyến công tác ở một số nước như Lào, Hàn Quốc. Những chuyến đi này đã thu được các kết quả gì?
Thời gian vừa qua, khi tôi làm việc với Bộ Nông nghiệp Lào, trao đổi với lãnh đạo Lào về phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp, họ nói, nếu Lào có được phần mềm này thì tốt quá.
Một vấn đề của Lào, là dù hàng hóa của Lào xuất khẩu là nhiều, nhưng lại không có doanh thu chính ngạch, không có dòng ngoại hối vì hàng hóa xuất đi không có tiêu chuẩn, không có truy xuất nguồn gốc, phải đi đường tiểu ngạch về Việt Nam, số hóa dữ liệu rồi mới có thể xuất đi Trung Quốc.
Tôi quyết định tặng cho họ, phần vì biết họ ngân sách còn hạn hẹp, mà việc đó lại giúp bạn giải quyết được vấn đề xuất khẩu chính ngạch, tăng ngoại hối, một phần khác vì việc làm truy xuất nguồn gốc cũng sẽ hỗ trợ cho chính người thu mua nông sản Lào.
Còn với Hàn Quốc, AutoAgri là doanh nghiệp khoa học công nghệ của Hà Nội được thành phố Hà Nội tài trợ trong một chuyến đi Hàn Quốc để phát triển các startup.
Hàn Quốc, có lẽ chỉ đứng sau Mỹ về đầu tư cho startup – cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo của hàn Quốc nhiều và đầy đủ, không chỉ đủ cơ sở vật chất, mà đến con người và cả môi trường, họ cũng kêu gọi được nhiều quỹ đầu tư trong nước và quỹ đầu tư nước ngoài, cùng với chính sách ưu tiên visa khởi nghiệp cho người nước ngoài để thu hút nhân tài. Đó chính là cơ hội.
Với AutoAgri, khi tôi mang sản phẩm sang làm việc với các ông chủ Hàn Quốc, họ cũng rất thích và đã mời tôi sang đầu tư.
Sau khi nghiên cứu nhiều thị trường, tôi thấy việc làm truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp ở một nước như Lào, Việt Nam hay thậm chí là Hàn Quốc cũng… kém như nhau.
Dù trái cây Hàn Quốc làm thương hiệu rất tốt, nhưng vẫn xảy ra việc quả lê rõ ràng nhập từ các nguồn khác nhưng vẫn dán nhãn Hàn Quốc như thường. Đó là do họ chưa kiểm soát được thị trường, bản chất là do họ cũng chưa làm được truy xuất nguồn gốc để giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật hàng giả. Vì thế trong năm nay, tôi có kế hoạch đầu tư một công ty công nghệ để thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp ở Hàn Quốc.
Với dự định đầu tư tại Hàn Quốc, bà kỳ vọng sẽ giải quyết được những bài toán gì?
Nếu đầu tư công nghệ nông nghiệp tại Hàn Quốc, có thể giải quyết được hai vấn đề.
Thứ nhất, tôi sẽ có cơ hội để hiểu về nông nghiệp Hàn Quốc sâu hơn, khi kết hợp với các ông chủ và các nông trại để làm truy xuất nguồn gốc cho nông nghiệp Hàn Quốc. Giải quyết được các vấn đề ở phía Hàn Quốc thì việc giao thương với chính thị trường Việt Nam có thể giảm bớt được các khâu trung gian.
Việc thứ hai là giúp được lao động nghèo ở Việt Nam xuất khẩu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu đi lao động ở Hàn Quốc, mỗi tháng có thể thu được 40 triệu, chỉ cần làm khoảng 3 tháng, trừ hết chi phí đi thì có thể để dành ra được trăm triệu. Như thế, cứ giúp được một người đi lao động nông nghiệp thời vụ đã có thể xóa đói giảm nghèo được một hộ gia đình rồi.
Đặc biệt, nếu có công ty ở bên đó để quản lý nhân lực, giải thích cho họ đầy đủ mọi vấn đề về pháp luật, họ sẽ không trốn. Hiện nay, người Việt Nam đi làm thời vụ ở bên đó rồi trốn ở lại rất nhiều, điều đó cũng làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam. Thực ra vì họ không được giải thích cặn kẽ, mà sang Hàn qua nhiều trung gian nên họ mất chi phí nhiều, nên trốn ở lại để có tiền bù đắp. Đây cũng là một biện pháp để giải quyết vấn nạn người Việt cứ sang đó lao động là lại trốn.
Người Philippines là một điển hình trong việc xây dựng được thương hiệu xuất khẩu lao động - những người giúp việc - thì người Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nơi có rất nhiều người đi xuất khẩu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí có cả những người vươn lên trở thành chuyên gia, thành ông chủ.
Tôi có niềm tin, rằng người Việt mình sang Hàn Quốc có cơ hội rất nhiều để làm chủ trong mảng nông nghiệp.
Những lý do nào khiến bà có niềm tin đó, rằng người Việt có thể làm chủ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc?
Nói về phía cung, đặc điểm của nông nghiệp ở Hàn Quốc là quy mô nhỏ, đất đai manh mún vì đồi núi nhiều. Hàn Quốc lại bảo hộ cho nông nghiệp nhỏ, cho trồng trọt, không để các tập đoàn lớn đầu tư cho trồng trọt nhiều, vì ở Hàn Quốc, nguồn thu cũng không trông vào nông nghiệp. Dân số cũng tập trung ở khu vực đô thị, và bắt đầu có tình trạng các vùng quê, đất đai bị bỏ hoang.
Như vậy, các vùng nông thôn ở Hàn Quốc có dư địa đất đai nhiều, đặc biệt, họ lại không có biên giới đất liền với Trung Quốc nên có thể kiểm soát nguồn đầu vào chặt chẽ. Hàn Quốc cũng có rất nhiều ưu đãi cho nông nghiệp và xây dựng được thương hiệu quốc gia rất tốt.
Một điểm thuận lợi nữa là mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam rất tốt, người Hàn Quốc sang Việt Nam làm ông chủ rất nhiều, đầu tư nhiều; người Việt Nam sang Hàn Quốc lao động cũng nhiều, và còn cả rất nhiều cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc ở các vùng nông thôn.
Trong khi đó, ở một đất nước rất phát triển về công nghiệp, công nghệ cao như Hàn Quốc, phần lớn lực lượng thanh niên sẽ phấn đấu để vào tập đoàn lớn, và rất ít người làm nông nghiệp. Đây là cơ hội lớn cho lao động nông nghiệp Việt Nam.
Còn về phía cầu, người Hàn Quốc rất quan tâm đến sức khỏe, bữa ăn của họ rất cầu kỳ, ưu tiên sản phẩm tươi, an toàn. Nếu được sản xuất, trồng trọt tại Hàn Quốc thì sẽ có rất nhiều cơ hội để được thị trường nội địa đón nhận, với giá tốt. Tất nhiên, nhu cầu thị trường Hàn Quốc không quá lớn như Trung Quốc nhưng tỷ suất lợi nhuận lại tốt nếu mình biết cách làm.
Như vậy, tôi có đủ cơ sở để tin rằng người Việt mình ở bên đó sẽ có cơ hội rất nhiều để làm chủ trong mảng nông nghiệp, cũng như người Hàn Quốc sang Việt Nam làm chủ trong mảng công nghiệp và điện tử. Về lâu dài, các bạn còn có thể tiếp tục phát triển lĩnh vực ẩm thực, và du lịch trên nền tảng nông nghiệp.
Thực tế, tôi vừa rồi cũng đã gặp các bạn trẻ người Việt Nam ở Hàn Quốc, họ khá giỏi. Có bạn từ đi làm thuê cho chủ người Hàn trồng nấm linh chi, nấm thượng hoàng, mà sau dịch Covid-19, công ty gặp khó khăn, bạn ấy thuê lại đất, nhà trồng nấm tự làm chủ, một năm tính ra thu 8-12 tỷ. Hay một bạn khác làm trong doanh nghiệp chuyên trồng nấm công nghệ cao, trở thành công nhân kỹ thuật giỏi nhất của tập đoàn. Cũng có một lực lượng các bạn đi buôn hàng chuyến, các sản phẩm rau thơm, hoa quả từ Việt Nam sang bán cho các nhà hàng, và bán rất tốt. Nhưng các bạn ấy lại không hiểu và không làm các thủ tục chính ngạch thôi.
Với định hướng như vậy thì lao động, hay công nghệ Việt Nam trong nông nghiệp hoàn toàn có thể đi xa hơn nữa đến cả các nước đang phát triển như Lào, hay nước đã phát triển như Hàn Quốc?
Ngay bên Lào, đất đẹp để trồng sầu riêng, trồng được các cây ăn trái, nhiều vùng đất rất đẹp tính ra tiền Việt cũng chỉ khoảng 200 đồng triệu/ha, trong khi ở Việt Nam có khi phải đến 5 tỷ đồng. Nếu mình tìm hiểu được cơ chế của nước bạn, thì các ông chủ Việt Nam hoàn toàn có thể thuê người trẻ - những người có kỹ thuật nhưng không có tiềm lực kinh tế để đầu tư nông nghiệp ở nước ngoài.
Đầu tư vào khu vực chưa phát triển cũng là cơ hội. Ví dụ như ở vùng núi, hay càng những vùng nghèo nhất của Việt Nam lại càng có cơ hội trong lĩnh vực thực phẩm sạch để làm giàu, vì những nơi đó chưa ô nhiễm và con người còn đang giữ được nhiều hương vị bản địa. Chính những hương vị bản địa trong chế biến thực phẩm mới là quý giá.
Hay nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc cũng đều có nhiều cơ hội. Mặc dù các nước phát triển họ đã ứng dụng công nghệ cao, nhà màng, nhà kính, nhưng để sản phẩm nông nghiệp ngon, vẫn có những công đoạn phải làm thủ công, cần kinh nghiệm và sự khéo léo. Công ty trồng nấm công nghệ cao mà tôi thăm trong chuyến đi Hàn, cả một nhà máy trồng nấm chỉ cần 1 người điều khiển nhưng riêng đóng gói phải 40 người, vẫn cần nhiều công đoạn thủ công mà người Việt có lợi thế.
Kết hợp với việc trang bị cho người lao động những kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm truy xuất nguồn gốc thì khi lao động Việt ra nước ngoài, tư thế rất khác. Đó sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam xây dựng thương hiệu trong mảng nông nghiệp, xây dựng cả thương hiệu về con người, và thương hiệu công nghệ trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc.
Cảm ơn chia sẻ của bà!
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: TECH INSIDER
Xem tất cả >>- CEO Grab Việt Nam: Khi các đối thủ đến và ra đi, chúng tôi cũng nhìn lại chính mình
- Nâng cao chiến lược quản lý điểm đến thông qua chuyển đổi số
- AI đang biến đổi ngành khách sạn như thế nào: Thông tin chuyên sâu và chiến lược
- CEO Amazon Global Selling ‘giải mã’ lý do thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam với hạt nhân là các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ
- Điều đặc biệt phía sau sản phẩm công nghệ Việt xuất hiện tại khai mạc Olympic Paris 2024