Doanh số ô tô tại Nga sụt giảm 2/3, Trung Quốc bất ngờ hưởng lợi?
Doanh số bán ô tô ở Nga giảm mạnh gần 2/3 trong tháng 3 do các lệnh trừng phạt từ phương Tây và sự 'di cư' của các doanh nghiệp nước ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế.
- 06-04-2022Hai ông lớn Honda và GM bắt tay nhau sản xuất ô tô điện giá rẻ, không giấu tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Tesla
- 05-04-2022Nhiều mẫu ô tô loạn giá tại Việt Nam
- 05-04-2022TMAS Việt Nam tích hợp trợ lý Kiki lên màn hình ô tô thông minh SAFEVIEW
Doanh số bán ô tô của Nga giảm mạnh trong tháng trước khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã phá nát giá trị đồng rúp, và nhiều công ty ô tô toàn cầu tham gia tẩy chay nước này, khiến người mua phải đối mặt với tình trạng các showroom ngày càng khan hàng.
Chỉ 55.000 ô tô mới và xe thương mại hạng nhẹ đã được bán ở Nga vào tháng trước, giảm 63% so với tháng 3 năm 2021, theo dữ liệu được công bố bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (AEB), một nhóm đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Nga.
Doanh số xe ô tô tại Nga giảm 63% so với một năm trước đó.
Tất cả các thương hiệu - châu Âu, Mỹ và châu Á - đều bị thua lỗ, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các hãng bán lớn là Volkswagen, với doanh số giảm 74%. Tiếp theo là thương hiệu Škoda của tập đoàn Đức và Toyota. Trong tháng 2, dữ liệu hiệp hội cho biết doanh số bán hàng tổng thể giảm 4,8%.
Lexus, thương hiệu hạng sang của Toyota, cũng bị ảnh hưởng nặng nề: Doanh số sụt giảm 91%, cao nhất từ trước tới nay. Porsche, cũng thuộc tập đoàn Volkswagen, có doanh số bán hàng sụt giảm 73%.
Theo Bloomberg, Giám đốc điều hành Svetlana Vinogradova cho biết doanh số bán xe mới đã giảm 60% trong tháng 3 so với tháng trước đó tại Rolf, đại lý lớn nhất của Nga. Bà dự báo nhu cầu sẽ giảm một nửa trong năm nay xuống mức ngang bằng với Tây Ban Nha, quốc gia có dân số bằng 1/3 dân số Nga.
Theo một số ước tính, giá xe hơi ở Nga tăng 40% trong tháng 3, trong khi các nhà sản xuất ô tô từ Toyota đến Volkswagen ngừng sản xuất ở Nga như một phần của cuộc tẩy chay quốc tế chưa từng có.
Động thái quân sự tại Ukraine cũng tác động đến nguồn cung xe mới ở Nga, làm tăng chi phí sản xuất, một phần do sự khan hiếm các thành phần quan trọng đến từ các nhà cung cấp ở Ukraine. Doanh số bán xe hơi sụt giảm ở Nga đi kèm với việc người tiêu dùng chuyển chi tiêu của họ sang những thứ thiết yếu, khi họ chuẩn bị cho cuộc suy thoái do chiến tranh gây ra.
Nếu Châu Âu không khôi phục việc giao hàng, Trung Quốc sẽ là người hưởng lợi chính
Với việc người mua phải đối mặt với giá cao hơn và ít lựa chọn hơn, chính phủ Nga đang tìm cách kích thích sản xuất trong nước. Theo Anton Shaparin, Phó chủ tịch Liên minh ô tô quốc gia Nga, ô tô nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản có thể bị thay thế bằng các mẫu xe Trung Quốc và Ấn Độ.
"Nhiều người đang nói rằng các thương hiệu Trung Quốc thân thiện sẽ không rời bỏ thị trường của chúng tôi", Shaparin nói và lưu ý rằng giá xe Haval của Great Wall Motor lắp ráp tại Nga đã tăng 50% kể từ cuộc xâm lược. Điều đó trái ngược với việc các nhà sản xuất từ Ford Motors hay Honda không còn vận chuyển xe hoặc phụ tùng sang Nga nữa.
Còn Tập đoàn Renault đã đình chỉ hoạt động tại thị trường lớn thứ hai của mình và cảnh báo có thể ghi giảm giá trị hoạt động kinh doanh của mình tại Nga.
Việc các nhà sản xuất ô tô trong nước phụ thuộc quá nhiều vào các linh kiện nhập khẩu cũng dẫn đến cú sốc kinh hoàng. Nhà sản xuất trong nước lớn nhất, AvtoVAZ đã tăng giá ba lần trong năm nay. Cơ quan Thống kê Liên bang Nga cho biết tuần trước, giá ô tô nước ngoài đã tăng 29% so với đầu năm.
Lạm phát kéo theo giá bán xe ô tô cũng các mặt hàng thiết yếu khác tăng cao.
Với việc khó tìm thấy ô tô mới ở Nga và lạm phát tăng nhanh đe dọa làm mất giá tiền tiết kiệm của họ, một số người Nga đã chuyển sang các thị trường lân cận vẫn mở cửa cho họ. Theo Yevgeniy Biber, giám đốc bán hàng của đại lý, khách hàng Nga chiếm khoảng 10% doanh số bán hàng tại Autodom ở thành phố Kostanay của Kazakhstan, cách biên giới 180 km. Trước đây, họ chiếm khoảng 1% người mua.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng, Nga đã phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ô tô mới do gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chậm trễ phân phối mà ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt với toàn cầu. Doanh số bán ô tô mới của Nga năm ngoái đã giảm gần 50% so với mức đỉnh của năm 2012 do nền kinh tế đình trệ kể từ khi Crimea sáp nhập vào Ukraine năm 2014.
Theo Azat Timerkhanov, công ty tư vấn Autostat của Nga, doanh số bán xe trong tháng 3 là một trong những mức tồi tệ nhất trong 15 năm qua. "Nếu châu Âu không khôi phục việc giao hàng, Trung Quốc sẽ là người hưởng lợi chính, ít nhất là về thị phần", Timerkhanov nói. "Nhưng khối lượng sẽ tiếp tục giảm".
Carol Thomas, nhà phân tích Trung và Đông Âu tại công ty tư vấn LMC Automotive cho biết, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể tận dụng sự ra đi của các thương hiệu phương Tây.
Bà nói: "Các thương hiệu Trung Quốc chắc chắn sẽ coi tình hình hiện tại là cơ hội và sẽ tìm cách thành lập nhiều cơ sở sản xuất ở Nga trong tương lai."
Công ty Great Wall Motors và Geely của Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số bán hàng tại Nga trong quý đầu tiên nói chung, và chịu mức lỗ thấp hơn so với các đối thủ phương Tây trong tháng 3 tại thị trường Nga.
Tham khảo: Bloomberg