Doanh thu toàn ngành TT&TT năm 2018 đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng
ictnews Thông tin từ Bộ TT&TT vừa cho hay, năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn ngành TT&TT cao hơn tăng trưởng GDP cả nước, đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng, ước tăng 112,6% so với năm 2017.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu ngành TT&TT cao hơn tăng trưởng GDP
Chiều nay, ngày 15/1/2019, tại Hà Nội, hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT đã chính thức được khai mạc.
Tham dự phiên khai mạc hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giao Trung ương; ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương; ông Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương; ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT;
ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo, đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Về phía Bộ TT&TT, tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng; các Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Phạm Hồng Hải, Phan Tâm, Hoàng Vĩnh Bảo và các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ TT&TT qua các thời kỳ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT (Ảnh: Đức Hiệp)
Trong phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, năm 2018 như là một năm mà vận nước đến. Tăng trưởng GDP cao nhất sau nhiều năm, lần đầu tiên cao hơn Trung Quốc. Tinh thần dân tộc lên mạnh mẽ, khắp nơi là khát vọng Việt Nam hùng cường, một loạt bài hát về tinh thần Việt Nam vang lên khắp mọi nơi. Đây là cơ hội Việt Nam. Tất cả các nước thành con hổ đều là do cơ hội đến thì tận dụng được. Vậy lúc này là lúc mà chúng ta nên tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính nền tảng, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho cả giai đoạn tới.
Bộ TT&TT là một Bộ về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, hay còn gọi là ICT. Sứ mạng của Bộ TT&TT là đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. ICT là nền tảng của kinh tế số, xã hội số, cách mạng công nghiệp 4.0.
“Khởi nghiệp công nghệ, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, làm chủ thiết kế, tích hợp và công nghệ lõi. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể là ngay chính trong công việc hàng ngày của mỗi chúng ta, và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết chính bài toán của mình. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ sẽ giúp Việt Nam hoá Rồng, hoá Hổ. Doanh nghiệp công nghệ thì chủ yếu là trong lĩnh vực ICT. Bộ TT&TT phải đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đánh giá những thành tựu, kết quả ngành đã đạt được trong năm vừa qua, Bộ TT&TT cho biết, cùng với các ngành mũi nhọn trên cả nước, năm 2018, ngành TT&TT đã tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, góp phần làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn ngành TT&TT năm 2018 cao hơn tăng trưởng GDP cả nước, đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng, ước tăng 112,6% so với năm 2017.
Ngành TT&TT tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới
Năm 2018 cũng ghi dấu những bước chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của ngành TT&TT, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trên các mặt trận chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, cùng đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới. Các lĩnh vực Bưu chính; Viễn thông; CNTT; An toàn, an ninh mạng; Công nghiệp ICT; Thông tin, tuyên truyền phát triển đồng bộ và hiệu quả.
Trong đó, với lĩnh vực Bưu chính, nhấn mạnh bưu chính là nền tảng cho thương mại điện tử, Bộ TT&TT cho biết, năm 2018 lần đầu tiên bộ Mã bưu chính quốc gia được thiết lập làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ khai thác, chia chọn tự động. Theo xếp hạng toàn cầu 2018, Bưu chính Việt Nam xếp hạng 50/173 trên thế giới; thị trường bưu chính phát triển sôi động với 400 doanh nghiệp ưu chính, Tổng doanh thu đạt khoảng 30.000 tỷ/năm (1,4 tỷ USD), tăng trưởng 25%
Về viễn thông, Bộ TT&TT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông trên nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa xã hội, nhà nước và doanh nghiệp. Viễn thông hiện vẫn đang là một lĩnh vực chủ đạo của ngành TT&TT, có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành và kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, cáp quang đã được triển khai đến tận thôn/bản của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, sóng di động đã phủ tới 99,7% dân số (trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 98% dân số), hình thành xa lộ kết nối với toàn thế giới, góp phần đưa "dịch vụ số" vào mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và là nền tảng vững chắc cho "nền kinh tế số" trong tương lai.
Nhấn mạnh CNTT đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia và nền kinh tế số, báo cáo của Bộ TT&TT nêu rõ, thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4.0, xây dựng Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số. Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó, việc tiến hành tốt chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động trong cuộc CMCN 4.0, hướng tới quốc gia thông minh. Đặc biệt, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc gia quốc gia. Đây là nhiệm vụ trọng đại, bởi nếu thực hiện thành công, Việt Nam sẽ tăng được năng suất lao động lên từ 30 đến 40%, góp 20 - 30% trong tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình.
Bên cạnh đó, năm qua, Bộ TT&TT đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 làm căn cứ để triển khai chính phủ điện tử. Bộ cũng đề xuất Nghị định về quản lý, kết nối chia sẻ dữ liệu số, nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và chính phủ điện tử.
hủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thăm gian hàng trưng bày sản phẩm mềm quản lý nhà hàng CUKCUK.VN được ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tích hợp trên robot lễ tân của Công ty MISA.
Với An toàn, An ninh mạng – lĩnh vực đang được kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc, Bộ TT&TT cho biết, trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng và tinh vi, năm 2018, Bộ đã vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia để cảnh báo sớm và xử lý các cuộc tấn công mạng nhằm vào Việt Nam; kịp thời điều phối ứng cứu nhiều sự cố tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị cho các cơ quan, tổ chức về các nguy cơ gây mất ATTT như: các điểm yếu, lỗ hổng nghiêm trọng; các cuộc tấn công mạng có chủ đích; lây nhiễm phần mềm độc hại trên diện rộng; lừa đảo trực tuyến; lộ, lọt thông tin cá nhân; nguy cơ mất ATTT trên các thiết bị IoT...
Để kết nối và phát huy sức mạnh tổng thể, năm qua Bộ TT&TT đã đẩy mạnh hình thành và kiện toàn Mạng lưới đơn vị chuyên trách về ATTT quốc gia, quy tụ 170 đơn vị thành viên là các tổ chức chuyên trách về ATTT mạng. Hiện Việt Nam đã cấp phép cho 56 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về ATTT, hướng tới đưa Việt Nam trở thành Trung tâm của khu vực ASEAN về an toàn, an ninh mạng.
Trong lĩnh vực chứng thực chữ ký số, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; xây dựng hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định quy định về xác thực và định danh điện tử.
Cùng với đó, năm 2018, các lĩnh vực Công nghiệp ICT và Thông tin Tuyên truyền cũng đạt được những thành tích ấn tượng.
Trong khuôn khổ của hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT diễn ra trong 2 ngày 15-16/1, khẳng định năng lực của các doanh nghiệp trong ngành TT&TT đã sẵn sàng đáp ứng cho cuộc CMCN 4.0, Bộ chủ trì tổ chức triển lãm về công nghệ, công nghiệp với sự tham gia trình diễn, demo các sản phẩm về công nghệ cao như AI, IoT, an toàn an ninh mạng… của các doanh nghiệp trong ngành như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC, BKAV, MISA, FSI, VP9…
Ictnews