Doanh thu vẫn gấp đôi bất chấp Covid, Vina Samex muốn IPO vào năm 2026: Đồng hành với người dân tộc thiểu số mà 95% là phụ nữ, đưa cây quế Việt ra trường thế giới
Nhóm đối tượng khách hàng là B2B thì thị trường chính là Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm 90% doanh thu; còn với nhóm B2C, Vina Samex hiện đang phân phối trên fanpage, các kênh thương mại điện tử, các cửa hàng thực phẩm hữu cơ và một số siêu thị, chiếm 10% doanh thu.
Là dự án nâng tầm cây quế Việt Nam, giúp nông dân có thêm thu nhập từ nông sản này, Vina Samex – CTCP Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam – của doanh nhân Nguyễn Thị Huyền đã đạt giải nhất Blue Venture Award mùa 4 năm nay.
Chia sẻ về hành trình của mình, bà Huyền cho biết sản phẩm kinh doanh của công ty là quế và hoa hồi. Cơ duyên đến với sản phẩm này của chị bắt nguồn từ lần đầu tiên đi làm, bà phải đưa khách lên trên rừng hồi, bao trùm không gian xung quanh và cây hồi và cây quế.
Nông dân ở đó chia sẻ, hơn 50ha rừng hồi đang được canh tác bởi dân tộc thiểu số, 90% là người Tày và người Nùng, 95% trong số đó là phụ nữ. Nhưng họ không biết công dụng của sản phẩm là làm gì và sản phẩm ấy bán được ở đâu. Họ chỉ biết người ta mang sang Trung Quốc để bán và bị thương lái Trung Quốc ép giá. Những khi không bán được hàng, họ sẽ bị không có tiền để trang trải các sinh hoạt phí cũng như không có điều kiện cho con đi học.
Đau đáu trước vấn đề này của người nông dân, nhìn thấy người nông dân cứ mãi nghèo vì không có tư duy và cách làm khác, bà nhìn thấy sứ mệnh của mình ở đây, có muốn làm một điều gì đó cho nông dân Việt Nam, giúp người dân tộc tiêu thụ được sản phẩm họ làm ra. Chính vì vậy, Vina Samex đã ra đời.
Nhận thấy không thể phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hoặc Ấn Độ và phải tạo ra sự cạnh tranh bằng những giá trị khác biệt, Vina Samex đã có nhiều kế hoạch để khẳng định thương hiệu của quế và hồi Việt Nam trên bản đồ gia vị thế giới.
Năm 2016, Vina Samex đã xin được chứng nhận quốc tế của 4 thị trường cao cấp nhất là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu như trước kia doanh nghiệp chỉ xuất khẩu sản phẩm thô thì nay doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu ra nhiều loại hình sản phẩm khác như bột, tinh dầu… mang thương hiệu Vina Samex. Các sản phẩm đều đang được bán trên nhiều kênh thương mại điện tử lớn. Vina Samex cũng là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty sản xuất thực phẩm – đồ uống – dược mỹ phẩm trong và ngoài nước.
Cách thức mà Vina Samex đã triển khai là tham gia nhiều hội chợ quốc tế, gặp mặt trực tiếp khách hàng để giới thiệu sản phẩm của mình, đầu tư nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu…
Trong suốt 10 năm đi cùng Vina Samex, điều mà bà Huyền tự hào là đã thực hiện được hai ước mơ lớn của mình:
+ Ước mơ thứ nhất là giúp cho bà con dân tộc thiểu số thay đổi cuộc sống, cụ thể là hỗ trợ cho 15.000 hộ nông dân ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn thay đổi được nhận thức và thay đổi được cuộc sống;
+ Ước mơ thứ hai là có những dự án tác động về bình đẳng giới, cụ thể là tác động 1.225 người phụ nữ hiểu về bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ, tự lập và tự tin hơn trong cuộc sống…
Nhà máy của Vina Samex cũng đã tạo ra 300 cơ hội việc làm cho người dân địa phương. "Năm 2015 thu nhập của một hộ gia đình chỉ là 7 triệu thôi, đến năm 2021, thu nhập của một hộ gia đình là 150 triệu", bà Huyền tự hào nói.
Bên cạnh đó, Vina Samex cũng thường xuyên có những buổi chia sẻ cho nông dân những tiêu chuẩn nông sản của thế giới. Vina Samex cũng chủ trương trao đổi với nông dân không nên dùng chất hóa học trên vùng nguyên liệu, nhằm đảm bảo vấn đề môi trường và chống biến đổi khí hậu, đồng thời sử dụng các sản phẩm hữu cơ trong nhà máy và phân loại rác để nâng cao trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với xã hội.
Mặc dù 2 năm qua bị ảnh hưởng do đại dịch Covid nhưng doanh thu của Vina Samex vẫn tăng trưởng. Doanh thu năm 2020 là 151 tỷ và năm 2021 là 275 tỷ đồng. Lộ trình tiếp theo của Vina Samex là sẽ IPO vào năm 2026. Trước mắt, Vina Samex sẽ mở rộng các nhà máy ở Lào Cai và Lạng Sơn để sản xuất các sản phẩm chuyên sâu từ quế và hồi. Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền hi vọng điều này sẽ hỗ trợ cơ hội việc làm cho lao động địa phương và góp phần giúp các tỉnh thành khác chuyển đổi cây trồng để tăng thêm thu nhập.
Nhóm đối tượng khách hàng là B2B thì thị trường chính là Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm 90% doanh thu; còn với nhóm B2C, Vina Samex hiện đang phân phối trên fanpage, các kênh thương mại điện tử, các cửa hàng thực phẩm hữu cơ và một số siêu thị, chiếm 10% doanh thu.