MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Độc lạ loài cá có thể đi bộ, đóng băng 2 năm vẫn sống: Được chế thành nhiều món ăn 'cực phẩm' ở Việt Nam

17-08-2024 - 07:16 AM | Sống

Ít ai ngờ loài cá quen thuộc ở Việt Nam lại sở hữu khả năng di chuyển độc đáo trên cạn.

Nội dung chính

  • Cảnh tượng đáng kinh ngạc của loài cá có thể "đi bộ" trên cạn
  • Lý giải khả năng di chuyển trên cạn thần kỳ của loài cá đặc biệt

Loài cá quen thuộc ở nhiều nước châu Á

Loài cá này còn ẩn chứa nhiều điều thú vị về khả năng thích nghi và chiến lược sinh tồn độc đáo.

Theo Newsflare nhiều lần đưa tin vào năm 2023, ở một số nơi như Triều Châu, Hải Khẩu, Phúc Kiến (Trung Quốc), Chachoengsao (Thái Lan), sau cơn mưa, một loài cá xếp hàng nối đuôi nhau "đi bộ" trên cạn tạo nên cảnh tượng đáng kinh ngạc.

Hàng trăm con cá "đi bộ" trên cạn ở Triều Châu, Trung Quốc.

Sau khi theo dõi những đoạn clip này, nhiều người đã nhận ra đây là loài cá rất quen thuộc tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Đó là loài cá nào?

Loài cá biết "đi" mà bài viết đề cập đến thực chất là loài cá rô đồng (Anabas testudineus). Trong tiếng Anh, cá rô đồng được gọi là "climbing perch" do khả năng "trèo lên cạn" đặc trưng của loài này.

Cá rô đồng có màu xanh từ xám đến nhạt, phần bụng có màu sáng hơn phần lưng,. Các gờ của vảy và vây có màu sáng. Nắp mang cá có hình răng cưa. Chúng có một cơ quan hô hấp đặc biệt dưới mang là mang phụ giúp chúng hấp thụ được oxy trong không khí. Chúng có răng chắc, sắc, xếp thành dãy trên hai hàm, trên hai hàm còn có răng nhỏ nhọn, hàm răng ở giữa to hơn hai bên và răng có trên xương lá mía.

Độc lạ loài cá có thể đi bộ, đóng băng 2 năm vẫn sống: Được chế thành nhiều món ăn 'cực phẩm' ở Việt Nam- Ảnh 1.

Loài cá biết "đi" này thực chất là loài cá rô đồng. (Ảnh: Nature)

Cá rô đồng thường sinh sống được ở ruộng lúa, ao, mương, rãnh, hào, đầm, sông rạch... Trên thế giới, cá rô phân bố chủ yếu ở miền nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Philippines, châu Phi và các quần đảo giữa Ấn Độ và châu Úc là những khu vực có nhiệt độ trung bình thích hợp cho sự sinh trưởng (từ 22 - 30 °C).

Cá đực có thân hình thon dài hơn so với cá cái. Cá đực phát dục có tinh dịch màu trắng, khi ta dùng tay vuốt nhẹ dưới ổ bụng từ vây ngực đến vây hậu môn, tinh dịch thoát ra có màu trắng sữa. Đây là lúc cá đã sẵn sàng cho việc sinh sản. Với cá cái, khi mang trứng, bụng sẽ phình to và mềm. Nếu dùng tay vuốt nhẹ, trứng sẽ vọt ra ngoài báo hiệu cá đang sẵn sàng cho việc sinh sản.

Cá sẽ mang trứng vào khoảng tháng 11 Âm Lịch (với cá nuôi trong ao, khi trời trở lạnh) và tháng 4 - tháng 5 Âm lịch (với cá tự nhiên). Chúng tự bắt cặp sinh sản. Sau những cơn mưa, hoặc mực nước thủy vực thay đổi (do thủy triều) là điều kiện ngoại cảnh thích hợp kích thích cá sinh sản. Chúng thường đẻ ở ven bờ ao, ruộng, kênh, mương, nơi nước nông, yên tĩnh và có nhiều cỏ hoặc cây thủy sinh.

Độc lạ loài cá có thể đi bộ, đóng băng 2 năm vẫn sống: Được chế thành nhiều món ăn 'cực phẩm' ở Việt Nam- Ảnh 2.

Cá rô đồng thường sinh sống được ở ruộng lúa, ao, mương, rãnh, hào, đầm, sông rạch... (Ảnh: Nature)

Cá cái sẽ đẻ trứng vào trong nước, đồng thời với lúc trứng được đẻ ra cũng là lúc tinh trùng từ cá đực được phóng ra. Trứng ngay lập tức được thụ tinh và nổi lên trên mặt nước nhờ vào những lớp ván dầu màu vàng được phóng ra cùng lúc với trứng.

Cá rô đồng không có tập tính bảo vệ trứng sau khi sinh sản nên chúng đẻ rất nhiều trứng, thường lớn hơn 3.000 trứng/cá cái. Trứng sau khi thụ tinh 15 giờ sẽ bắt đầu nở thành cá bột. Thời gian nở phụ thuộc vào nhiệt độ. Cá rô đồng từ lúc nở đến lúc phát dục khoảng 7,5 - 8 tháng tuổi. Trọng lượng cá bình quân khoảng 50 - 70gam/con.

Cá rô là loài động vật ăn tạp. Chúng có thể ăn cả các loài động vật thân mềm, cá con và thực vật, kể cả cỏ. Chúng có thể ăn các chất hữu cơ và vô cơ được coi là "bẩn" trong nước. Nó có thể ăn lẫn nhau trong trường hợp đói. Cá rô đồng thường bắt gặp nhiều ở các đồng ruộng khu vực phía Bắc.

Loài cá được biết đến với nhiều khả năng đặc biệt

Cá rô đồng được biết đến với khả năng di chuyển trên cạn, thậm chí băng qua đường sau mưa để tìm kiếm môi trường sống mới. Đặc biệt, chúng có thể sống sót mà không cần đến nước trong thời gian ngắn nhờ cơ quan hô hấp phụ có khả năng hít thở không khí.

Cơ quan phức tạp này bao gồm nhiều mạch máu cuộn lại thành nếp gấp để tối đa hóa diện tích bề mặt, giúp cá giữ lại lượng oxy chúng đã lấy được khi còn ở dưới mặt nước. Ngoài ra, cá rô đồng còn có vây bụng cứng cùng nhiều gai sắc giúp chúng di chuyển khi ở trên cạn.

Kỷ lục đầu tiên về khả năng này của cá rô đồng đã được ghi trong cuốn "Những loài cá của Ấn Độ" do nhà động vật học người Anh, Tiến sĩ Francis Day xuất bản năm 1876. Theo tiến sĩ, ông đã tận mắt chứng kiến một con cá rô đồng đi qua cát, đường xi măng, vườn cây rồi trèo vào ao. Toàn bộ hành trình kéo dài 30 phút với khoảng cách là 100 mét.

Độc lạ loài cá có thể đi bộ, đóng băng 2 năm vẫn sống: Được chế thành nhiều món ăn 'cực phẩm' ở Việt Nam- Ảnh 3.

Cá rô đồng được biết đến với khả năng di chuyển trên cạn. (Ảnh: The World)

Một số hiện tượng kỳ thú khác của loài cá này bao gồm việc chúng có thể "đóng băng" tớ 2 năm trong điều kiện nhiệt độ cực thấp nhờ loại protein chống đóng băng (AFP - Antifreeze protein) mà không bị hại tế bào, và sau đó có thể "hồi sinh" khi điều kiện môi trường trở nên thuận lợi.

Cá rô đồng còn được ghi nhận với hình ảnh xếp hàng ngay ngắn khi băng qua các con đường ở nông thôn sau cơn mưa để di cư đến vùng nước mới. Ngoài ra, chúng cũng có thể di cư giữa các hồ nước và có khả năng chuyển từ môi trường nước ngọt sang môi trường nước mặn.

Ngoài ra, cá rô đồng có khả năng leo núi, trèo cao, vì vậy, chúng được người xưa đặt cho danh xưng là "quá sơn ngư". Sách Gia Định thành thông chí ghi ở tập hạ, phần nói về tranh ngư (cá ở ao hồ): "Quá sơn ngư – cá rô, có nhiều nước nhớt, khi nước cạn khô lấy xương má lóc đi trên lục địa, nên gọi quá sơn ngư".

Độc lạ loài cá có thể đi bộ, đóng băng 2 năm vẫn sống: Được chế thành nhiều món ăn 'cực phẩm' ở Việt Nam- Ảnh 4.

Ở một số nước như Australia, loại cá này được xem là mối đe dọa. (Ảnh: Nature)

Tại một số quốc gia châu Á, cá rô đồng được coi là món ăn đặc sản đặc biệt thơm ngon, thịt của chúng gần như không có mùi tanh của cá sông, rất mềm. Nhắc đến cá rô đồng thì các tín đồ sành ăn hẳn sẽ nghĩ ngay đến 2 món ăn "cực phẩm" từ cá rô đồng.

Một trong số đó là canh cá rô đồng là một món ăn ngon, phổ biến của vùng đồng bằng sông Hồng. Cũng tương tự như canh cá rô đồng, bún cá rô đồng Hải Dương được bình chọn một trong 50 món đặc sản Việt Nam được sách kỉ lục quốc gia ghi nhận. Nguyên liệu chính làm nên hương vị đặc trưng của món này là cá rô đồng tươi. 

Một điều làm nên hương vị đặc trưng của món bún cá rô đồng là nước dùng không nấu từ xương heo mà chính bằng phần xương cá rô. Nước dùng trong, ngọt vị cá và thêm mùi cay nồng đặc trưng của gừng nên không hề bị tanh. Món ăn này không cầu kỳ, sang trọng và tinh tế song lại khiến người ta vấn vương bởi sự mộc mạc, giản dị.

Độc lạ loài cá có thể đi bộ, đóng băng 2 năm vẫn sống: Được chế thành nhiều món ăn 'cực phẩm' ở Việt Nam- Ảnh 5.

Bún cá rô đồng được bình chọn một trong 50 món đặc sản Việt Nam được sách kỉ lục quốc gia ghi nhận. (Ảnh: Review ẩm thực)

Thịt của chúng được cho là có chứa các nguyên tố vi lượng như vitamin A và E, cũng như niacin, rất hữu ích cho sức khỏe của mắt và tim mạch. Điều này làm cho nó trở thành một loài cá thực phẩm quan trọng!

Ở một số nước như Australia, loài cá này được xem là mối đe dọa khi có khả năng mang mầm bệnh và ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học địa phương. Tuy nhiên, tại Việt Nam và một số nước châu Á khác, cá rô đồng là loài cá quen thuộc, có giá trị về mặt kinh tế và được người dân ưa chuộng vì thịt của chúng ngon và giàu giá trị dinh dưỡng.

Chúng mang đến cái nhìn thú vị về khả năng thích nghi và sinh tồn của đời sống hoang dã, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ loài này từ góc độ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững nông thôn.

Tổng hợp

Theo Nguyệt Phạm

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên