Độc lạ loài tre cao nhất thế giới, mệnh danh Tre Rồng: Chỉ vài nước trồng được, trong đó có Việt Nam?
Dendrocalamus giganteus là tên của loài tre lớn nhất thế giới.
Website Kỷ lục Guinness Thế giới Guinnessworldrecords.com công nhận, tre khổng lồ Dendrocalamus giganteus là loài tre cao nhất thế giới. Loài tre này sống ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và có thể cao tới 50 mét, cao hơn tòa nhà 10 tầng.
Tre Dendrocalamus giganteus còn được gọi là Tre Rồng để thể hiện sự khác biệt của nó trong thế giới loài tre.
Theo thông tin trên Gardenia và Qulishi, tre rồng khổng lồ là loài tre quý hiếm, đặc hữu, có nguồn gốc từ Myanmar, Bhutan, Trung Quốc, Lào, Thái Lan. Tre có thể đạt chiều cao đến 50 mét, đường kính tối đa 36 cm, trọng lượng tối đa 360 kg.
Theo Guadua Bamboo - Website chuyên về các loại tre khỏe nhất thế giới - tre rồng về sau cũng được trồng ở các nước như Bangladesh, Campuchia, Nepal, Việt Nam...
Ấn tượng lớn nhất về loài tre cao lớn nhất thế giới Dendrocalamus giganteus là thân tre khổng lồ, cực kỳ khỏe mạnh và có thành dày. Thân tre được bao phủ bởi một lớp vỏ sáp màu trắng khi còn non.
Là loài phát triển nhanh, các chồi mới có thể phát triển tới 30 cm mỗi ngày. Hoa tre khổng lồ nở 40 năm một lần.
Rễ tre thành cụm này tạo nên một kết cấu tự nhiên tuyệt đẹp và ngoạn mục. Tre rồng ưa nắng hoàn toàn hoặc một phần bóng râm. Sinh trưởng tốt ở các vùng đất màu mỡ, giàu mùn, ẩm nhưng thoát nước tốt. Tre rồng có khả năng chịu được nhiệt độ lạnh -4 độ C.
Tre Dendrocalamus giganteus là một trong 12 loài tre có năng suất cao, thường được khuyến khích trồng rừng tre quy mô lớn vì chúng có thể dùng làm vật liệu xây dựng hữu hiệu. Ngoài ra, nhờ có hàm lượng chất xơ rất cao, loài tre này có thể sản xuất giấy cao cấp và rayon chất lượng cao.
Chưa kể, cây tre còn được sử dụng làm giàn giáo, cột buồm, nhà ở nông thôn, ống dẫn nước, bình hoa, xô, bình đựng nước, thảm, ván và sàn gỗ, đồ nội thất, chậu đựng nước. Vỏ cây được sử dụng để làm mũ/nón.
Tham khảo: Guinnessworldrecords.com, Qulishi, Gardenia.net
Đời sống & pháp luật