“Độc, lạ” những cổ phiếu thị giá chưa bằng cốc “trà đá” nhưng lại chia cổ tức khủng, cao nhất tới 12.000 đồng/cp
Nằm ngoài biến động của thị trường, không ít cổ phiếu có thị giá cực thấp, "tắt thanh khoản" nhưng lại chi trả cổ tức đều đặn tỷ lệ cao.
Nhắc đến những cổ phiếu thị giá chỉ một vài nghìn đồng, nhiều nhà đầu tư thường có suy nghĩ rằng cổ phiếu này nằm trong diện hạn chế giao dịch hoặc có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Tuy nhiên, phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư, nếu doanh nghiệp vẫn có nội lực tốt, hoạt động trong ngành nghề tiềm năng, việc đồng hành cùng những cổ phiếu “trà đá” này vẫn sẽ mang lại những kết quả đền đáp xứng đáng.
Mặt khác, không ít những cổ phiếu “rẻ bèo” nhưng không dễ để sở hữu, nhà đầu tư miệt mài đặt mua còn khó hơn “mò kim đáy bể”. Nguyên nhân bởi dù thị giá rất thấp, nhưng các doanh nghiệp vẫn kinh doanh ổn định, đồng thời duy trì mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn qua các năm, với số tiền gấp hàng chục lần thậm chí cả trăm lần thị giá cổ phiếu.
Kinh doanh ổn định, cổ tức "khủng"
Nổi bật nhất trong nhóm cổ phiếu này phải kể tới mã PTG của CTCP May Xuất khẩu Phan Thiết, tiền thân là Xí nghiệp May Phan Thiết trực thuộc Công ty May mặc Xuất khẩu Bình Thuận, thành lập từ tháng 1/1994.
Doanh nghiệp này lên sàn UPCoM từ năm 2011. Hầu hết phiên giao dịch nào cũng có lượng đặt mua ở giá trần, song số ngày có giao dịch của PTG chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chốt phiên 24/2, thị giá PTG nằm ở mức giá 300 đồng/cp, chỉ bằng 1/10 cốc “trà đá”.
Điểm khiến nhà đầu tư không nỡ buông tay chính là chính sách chi trả cổ tức “đáng mơ ước”. Gần đây nhất, công ty quyết định chi tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1 trong năm 2022 với tỷ lệ 20%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận được cổ tức 2.000 đồng.
Trước đó, ngày 31/05 cổ đông công ty đã nhận được cổ tức lần 2 năm 2021 bằng tiền trị giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ cổ tức 100%. Như vậy trong năm 2022, công ty này chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 120%, tức mỗi cổ phiếu nhận 12.000 đồng. PTG cũng từng chia cổ tức ở mức này trong năm 2018 và 2020.
Cổ tức cao đều đặn có đóng góp không nhỏ từ kết quả kinh doanh, May Xuất khẩu Phan Thiết trong những năm gần đây đều đạt lợi nhuận dương, tuy mức tăng trưởng lợi nhuận không đều giữa các năm. Trong nhiều năm, khoản tiền dùng để chi cổ tức còn lớn hơn lãi ròng của năm đó. Điển hình như năm 2021, lãi ròng PTG đạt 38 tỷ đồng, song công ty sẵn sàng chi gần 60 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021 (chia thành 2 đợt).
Sang năm 2022, PTG ghi nhận doanh thu đạt 501 tỷ đồng tăng 25% so với cùng kỳ và là mức cao kỷ lục từ khi hoạt động. Khấu trừ chi phí, lãi ròng cũng tăng ấn tượng 29% so với năm 2021, ghi nhận 49 tỷ đồng.
Bên cạnh PTG với mức cổ tức ngất ngưởng, sàn UPCoM có thêm 2 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh độc, lạ. Với thị giá thua xa cốc “trà đá”, song không năm nào quên chi cổ tức cho cổ đông.
Được xem là doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn phục vụ trong lĩnh vực tâm linh, phục vụ “cõi âm”, CTCP Phục vụ Mai táng Hải Phòng (mã: CPH) hoạt động chính trong 3 mảng kinh doanh là bán hàng với các loại bình, quách, mộ đá; bộ phận sản xuất với các sản phẩm mộ đơn, mộ đôi và cơ sở hạ tầng; bộ phận cung cấp dịch vụ bao gồm dịch vụ tang lễ, cải táng, hỏa táng…
Nhiều năm nay, Mai táng Hải Phòng vẫn duy trì chế độ trả cổ tức cao đều đặn 16,4% (1 cổ phiếu nhận 1.640 đồng) cho cổ đông. Cổ phiếu CPH không hề ghi nhận giao dịch kể từ khi lên sàn UPCoM tháng 2/2017 tới hiện tại, thị giá “bất động” tại mức 300 đồng/cp.
Song song với chính sách cổ tức đều đặn, CPH cũng duy trì được độ ổn định trong kinh doanh. Doanh nghiệp thu về cả trăm tỷ đồng mỗi năm, đáng lưu ý doanh thu năm 2022 gây ấn tượng với 152 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Trừ chi phí vốn bỏ ra, công ty lãi ròng tăng mạnh lên 11 tỷ đồng cả năm, trong khi mức lãi ròng qua các năm từ khi lên sàn gần như đi ngang ở mức 9 tỷ đồng.
Một cổ phiếu khác cũng trong tình trạng tương tự là MEF của Công ty cổ phần MEINFA . Nhà đầu tư nhớ đến Meinfa khi nhắc đến những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh độc, lạ. Meinfa được xem là doanh nghiệp bán kềm duy nhất trên hiện có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán.
Kể từ khi lên sàn từ cuối 2011 đến nay, cổ phiếu đều trong trạng thái “tắt thanh khoản”. Với giá dưới cả cốc trà đá (1.600 đồng/cp), cổ đông cũng chẳng "thiết tha" với việc mang cổ phiếu ra giao dịch, chỉ nắm giữ để hưởng cổ tức hàng năm cũng đã đủ. Từ năm 2012 đến nay, Meinfa duy trì mức cổ tức bằng tiền mặt hằng năm ở mức 30-40%, thậm chí năm 2017 cổ đông nhận về 5.000 đồng/cp.
Meinfa là doanh nghiệp chuyên sản xuất cơ khí, máy móc, thiết bị y tế thông dụng, các sản phẩm kim loại, dụng cụ cầm tay. Đặc biệt, nhà đầu tư biết đến Meinfa với các loại kềm. Kết quả kinh doanh của Meinfa cũng rất khả quan. Doanh thu 4 năm trở lại đây đều trên 300 tỷ, trong đó doanh thu năm 2021 đạt 369 tỷ đồng, tăng gần 20% so với 2020. Lãi ròng công ty thu về cũng ở mức cao 37 tỷ đồng. Doanh nghiệp chưa công bố BCTC năm 2022.
Do không có giao dịch, nên mức giá thấp như hiện tại của các cổ phiếu trên là do sự điều chỉnh kỹ thuật sau các kỳ trả cổ tức.
Cơ cấu cổ đông cô đặc, mua cổ phiếu khó hơn “lên trời”
Bên cạnh việc có cổ phiếu thị giá cực thấp, chia cổ tức đều đặn, tình hình kinh doanh ổn định, điểm chung đáng chú ý nhất của các doanh nghiệp kể trên là đều xuất phát điểm từ các xí nghiệp, doanh nghiệp nhà nước được thực hiện cổ phần hóa.
Ngoại trừ Mai táng Hải Phòng vẫn đang được UBND TP. Hải Phòng nắm giữ tới 64,5% vốn, 2 doanh nghiệp còn lại đang nằm trong tay các cổ đông lớn là cá nhân. Tuy vậy, Mai táng Hải Phòng cũng có tên trong nhóm DNNN sẽ thoái vốn, dự kiến ngay trong giai đoạn 2022-2023.
Cơ cấu cổ đông của của 2 doanh nghiệp còn lại cũng khá cô đặc. Theo báo cáo thường niên 2021 của Meinfa, tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân chiếm tới 98,81%. Còn đối với Máy Xuất khẩu Phan Thiết, các thành viên trong HĐQT công ty đã chiếm tỷ lệ gần 25% cổ phần (số liệu tính tới cuối năm 2021). Cũng theo BCTN 2021 của doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của các cổ đông nội bộ và người thân chiếm tới 64,93%.
Việc các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên sàn thường nhận được kỳ vọng về tính thanh khoản cho cổ phiếu, tạo cơ hội huy động vốn và mở rộng kinh doanh. Từ đây, doanh nghiệp sẽ hoạt động minh bạch hơn, hiệu quả hơn do không còn chịu sự quản lý của nhà nước mà còn dưới sự giám sát của công chúng.
Trên thực tế, với trường hợp của những doanh nghiệp kể trên, việc lên sàn để giao dịch nhiều khả năng chỉ mang tính hình thức bởi họ không quan tâm quá nhiều tới biến động thị giá cũng như có huy động được nguồn vốn mới hay không.
Nhịp sống thị trường