Độc quyền đường sắt: Làm ra 1, ngân sách nhà nước phải cấp bù 4
Năng lực vận tải đường sắt hiện nay chỉ đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa.
Hệ thống hạ tầng đường sắt Việt Nam đã tồn tại hơn 100 năm, với tổng chiều dài khoảng hơn 3.000 km, quỹ đất hạ tầng đường sắt trên 6.000 ha. Đây là khối tài sản nhà nước đặc biệt lớn, nhiều lợi thế nhưng suốt 100 năm qua không những không được đầu tư mở rộng (không thêm 1 km đường sắt mới nào), thậm chí còn bị tháo gỡ một số tuyến. Vì vậy, năng lực vận tải hiện nay chỉ đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa.
Dù đã có Luật Đường sắt 2005, nhưng chủ yếu mang tính chất quản lý chuyên ngành, nên nhiều bất cập. Toàn bộ kết cấu hạ tầng đường sắt được giao cho Tổng Cty Đường sắt Việt Nam quản lý và khai thác, nên thiếu động lực để đổi mới.
Tổng Cty Đường sắt lại giao việc quản lý tài sản cho nhiều đầu mối, thiếu tập trung, mang nặng tính hành chính, bao cấp. Theo Bộ Tài chính, hiệu quả khai thác của đường sắt Việt Nam các năm qua quá thấp, chỉ đạt khoảng 350 tỷ đồng/năm, ngân sách nhà nước vẫn phải bao cấp, cấp bù khoảng 1.200 tỷ đồng/năm cho bảo trì.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, quy định mới nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả khối tài sản khổng lồ của ngành đường sắt, tiến tới vận hành đường sắt theo cơ chế thị trường. Đồng thời, từng bước tính đúng, tính đủ chi phí nhằm bảo toàn và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Bộ Tài chính đề xuất giao kết cấu hạ tầng đường sắt về Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) quản lý, chỉ một số tài sản tính vào vốn được để lại cho Tổng Cty Đường sắt. Từ nay tới hết năm 2020, ký hợp đồng cho thuê tài sản trực tiếp với Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, giai đoạn tiếp theo thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Khi đó, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam là một trong các đối tượng được thuê nếu đủ năng lực và trúng thầu…
Theo Bộ Tài chính, tới năm 2020 cần khoảng 10 tỷ USD để bảo trì hệ thống đường sắt hiện có. Để đạt mục tiêu theo Chiến lược phát triển đường sắt tới năm 2030 đặt ra cần nguồn vốn khoảng 100 tỷ USD.
Tiền phong