Đổi 16 lô “đất vàng” để xây cầu Thủ Thiêm 4: Tiềm ẩn nguy cơ trục lợi?
Các chuyên gia lo ngại rằng hình thức đầu tư đổi đất lấy hạ tầng tiềm ẩn nguy cơ trục lợi chính sách và thiếu minh bạch.
Trước đề xuất của UBND TP HCM về việc đổi 16 khu "đất vàng" nằm tại một số quận trung tâm để xây cầu Thủ Thiêm 4 qua sông Sài Gòn, một số chuyên gia lo ngại rằng hình thức đầu tư đổi đất lấy hạ tầng này tiềm ẩn nguy cơ trục lợi chính sách và thiếu minh bạch.
UBND TP HCM đề xuất xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức hợp đồng BT bằng cách đổi 16 khu đất, trong đó có 11 lô đất thuộc Khu chức năng số 3 và số 4 nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích gần 100.000 m2 với giá trị quyền sử dụng đất khoảng 3.201 tỷ đồng. Số tiền trên dùng để thanh toán cho chi phí xây lắp và thiết bị của cầu Thủ Thiêm 4.
Các lô đất còn lại nằm rải rác ở vị trí vàng tại Quận 1 và Quận 3 với tổng diện tích gần 13.000 m2 sẽ dùng chủ yếu để thanh toán kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng phía Quận 7.
Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến có tổng chiều dài khoảng 2.160 m với tổng mức đầu tư khoảng 5.253 tỷ đồng, có quy mô 6 làn xe, bắt đầu từ đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 nối sang Khu đô thị Thủ Thiêm, Quận 2.
Nhiều chuyên gia lo ngại với hình thức đầu tư theo hợp đồng BT và chỉ định nhà thầu của thành phố tiềm ẩn nguy cơ trục lợi và thiếu minh bạch.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, phát triển các công trình hạ tầng giao thông là cần thiết. Việc chỉ định thầu xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, không chỉ trong việc nhận thầu xây cầu mà với các khu đất vàng được đổi, giá trị của chúng sẽ tăng dần theo thời gian.
Ông Châu cũng đề xuất, nên đấu thầu công khai, kể cả với nhà đầu tư quốc tế, như vậy sẽ minh bạch và tránh giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho biết, việc chỉ định thầu và đổi 16 khu "đất vàng" có thể vi phạm Luật Đất đai năm 2013, bởi các quy định hiện hành không có khái niệm “đổi đất lấy hạ tầng”.
Theo ông Sanh, "phải tách ra đấu thầu cây cầu này và phải đấu giá 16 lô đất. Như vậy thành phố sẽ có lợi rất nhiều”