“Dội bom” siêu dự án ở Đà Nẵng, nhập cuộc Miền Tây, Novaland đánh tiếng vào "miếng bánh" BĐS nghỉ dưỡng
Lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng là bước mở đầu cho chiến lược mở rộng phát triển bất động sản ra những tỉnh thành khác ngoài địa bàn TP HCM của doanh nghiệp này.
- 27-12-2016Tiêu hơn 11.000 tỷ để “gom” đất vàng, Novaland đã thu về được những gì?
- 26-12-2016Liên tục mua lại dự án, chỉ trong 3 năm Novaland đã có trong tay 40 dự án BĐS lớn
- 26-12-2016Vingroup, Novaland, Vạn Thịnh Phát "dội bom" siêu dự án trên thị trường địa ốc TP.HCM
Những năm gần đây Novaland được biết đến là nhà phát triển dự án bất động sản hàng đầu ở Tp.HCM, với phân khúc chính là căn hộ trung và cao cấp. Bằng chiến lược mua lại quỹ đất từ các dự án chết lâm sàng ở những vị trí trung tâm, Novaland đã phát triển hàng chục nghìn sản phẩm căn hộ mỗi năm, chiếm khoảng 30% thị phần.
Nhìn vào cơ cấu doanh thu từ bán các sản phẩm BĐS ra thị trường, cho thấy đang tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng hơn, không chỉ còn là căn hộ, đặc biệt tập đoàn này còn là nhà tạo lập xu hướng thị trường office-tel.
Trong khi năm 2014, 97% doanh thu của Novaland đến từ căn hộ thì trong giai đoạn 2015-2016, cơ cấu doanh thu của Novaland đã có sự thay đổi đáng kể, với nhiều loại hình BĐS hơn.
Điều đó cho thấy Novaland đang lấn sân sang nhiều phân khúc BĐS khác, mà mới đây nhất đó là phân khúc BĐS nghỉ dưỡng – đang thu hút nhiều “ông lớn” địa ốc đầu tư như Vingroup, Sungroup, FLC hoặc những “tay chơi mới” như Hoa Sen, ThaiGroup…
Trong đó, cú “dội bom” vào bất động sản nghỉ dưỡng của Novaland gây “sốc” cho thị trường đó là việc thâu tóm siêu dự án KĐT Quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) hay còn gọi là dự án “vành trăng khuyết”, trải dài mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành hướng ra vịnh Đà Nẵng (chân cầu Thuận Phước).
Đây là một trong những “siêu” dự án trọng điểm của Đà Nẵng vào những năm 2007-2008, do Daewon Cantavil làm chủ đầu tư với tổng số vốn 250 triệu USD, được quy hoạch trên diện tích 210ha. Sau đó được điều chỉnh quy hoạch và rút xuống còn 182ha. Năm 2008 chủ đầu tư đã khởi công dự án này.
Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ nằm trên giấy, mới đây Novaland đã có thông tin thâu tóm và hồi sinh dự án này. Novaland đang tiến hành thương lượng với Deawon về chiến lược hợp tác và nhận chuyển nhượng 100%.
Theo ông Phan Thành Huy, CEO của Novaland, tập đoàn cùng với Công ty Bắc Nam 79 cùng phát triển dự án, hiện dự án được tái khởi động với tên mới là The Sunrise Bay.
Với động thái này, Novaland đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở phân khúc nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng với khá nhiều tên tuổi lớn như Sungroup, Vingroup, VinaCapital,…Quy mô của The Sunrise Bay khá lớn với 2680 nhà phố, 860 biệt thự song lập, 160 biệt thự, 66 biệt thự cao cấp...ven biển. Hiện những sản phẩm đầu tiên là nhà phố và biệt thự cũng đã được tung ra thị trường với giá từ 3,7 tỷ đồng mỗi căn.
Theo bản cáo bạch niêm yết của phiếu của Novaland mới công bố, tập đoàn này còn đang phát triển một Resort lớn khác ở Miền Tây.
Đó là Dự án Serai Nova Phù Sa Resort, thuộc một phần của Cồn Ấu và được bao bọc bởi sông Hậu. Vị trí dự án nằm ở phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ.
Quy mô của dự án này vào khoảng hơn 19ha gồm có 30 căn Bungalow, 47 biệt thự đã được duyệt quy hoạch 1/500.
Theo ông Phan Thành Huy, việc lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng của Novaland mở ra sự đa dạng nhiều phân khúc và loại sản phẩm để tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng.
Trong đó, dự án ở Đà Nẵng là bước mở đầu cho chiến lược mở rộng phát triển bất động sản ra những tỉnh thành khác ngoài địa bàn TP HCM của doanh nghiệp này, tạo ra sự đa dạng về phân khúc và sản phẩm khác nhau chứ không thiên về cao tầng hay nhà cao cấp như TP HCM. Đón xu hướng người Sài Gòn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng tương tự như làn sóng nhà đầu tư phía Bắc đã và đang Nam tiến nhiều năm qua.
Trí Thức Trẻ