“Đòi” Chính phủ danh sách vi phạm trong quản lý ngân sách
Để xảy ra thất thoát, lãng phí trong điều kiện ngân sách ngày càng hạn hẹp, đại biểu không chỉ “đòi” làm rõ trách nhiệm của Chính phủ mà của cả Quốc hội...
- 03-06-2017Đã tiết kiệm, ngân sách chi cho đi nước ngoài còn 2.557 tỷ
- 29-05-2017Mức thâm hụt ngân sách thấp bất ngờ trong 5 tháng đầu năm
- 29-05-2017Nếu cho phép đấu giá biển số xe đẹp, ngân sách có thêm 5.000 tỷ đồng
Sáng 12/6 Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Dù là xem xét "chuyện đã rồi" như nhận xét của một số vị đại biểu nhưng đây là vấn đề được quan tâm tại kỳ họp này, khi Kiểm toán Nhà nước ngay từ đầu kỳ họp đã gửi đến các vị đại biểu báo cáo với nhiều sai phạm bất cập trong chi tiêu ngân sách.
Sau đó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiểm tra thông tin về những vi phạm báo chí đã nêu trong hai lĩnh vực này.
Trong báo cáo tổng hợ ý kiến thảo luận tổ, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lấy thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, đại biểu đề nghị phải đặt ra trách nhiệm, tiêu chí để thực hiện các kiến nghị về xử lý tài chính đối với niên độ năm 2015 đã nêu trong báo cáo kiểm toán (38.775 tỷ đồng).
Nhìn số thu, đại biểu vẫn nêu những hạn chế cũ, đó là các khoản thu chưa mang tính bền vững và chưa xuất phát từ nội lực phát triển của nền kinh tế. Số vượt thu trong năm 2015 chủ yếu là do tăng thu từ tiền sử dụng đất (29.994 tỷ đồng) và thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước. Các khoản thu từ đất đai, tài nguyên còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách. Đây là các khoản thu không tái tạo cho năm sau.
Một số ý kiến cho rằng, hiện nay chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng trốn thuế, nợ đọng về thuế, tình trạng khai man, trốn thuế ở khu vực ngoài quốc doanh và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng nợ đọng thuế do ngành thuế quản lý vẫn còn lớn, chiếm 10,57% so với tổng thu nội địa (không kể đầu thô). Trong đó tình trạng nợ thuế vẫn lặp lại kịch bản như các năm trước đây.
Nhận xét về chi ngân sách, nhiều vị đại biểu cho rằng, còn tồn tại nhiều vấn đề như chi không đúng định mức, thất thoát, lãng phí, chi sai chế độ, phân bổ chậm không đúng đối tượng đã xảy ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.
Đại biểu cũng sốt ruột khi chi thường xuyên quá lớn, không còn dư địa cho chi đầu tư phát triển, nhưng vẫn để xảy ra tình một số khoản chi không đạt dự toán.
Một số vị đại biểu "phê" công tác phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước rất chậm và giao thành nhiều lần, không đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Chính phủ giao phần vốn ODA năm 2015 quá chậm, cụ thể là đến ngày 21/4/2017 mới giao bổ sung dự toán 30.000 tỷ vốn ODA năm 2015.
Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân của việc giao chậm và cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thời gian tới để kịp thời giao cho các đối tượng thụ hưởng - báo cáo nêu rõ.
Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để khắc phục triệt để, đại biểu cũng yêu cầu đồng thời làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các địa phương, bộ ngành và Quốc hội trong việc để xảy ra thất thoát, lãng phí trong điều kiện ngân sách ngày càng hạn hẹp.
Chính phủ cần ban hành nghị quyết để xử lý trình trạng này - báo cáo nêu ý kiến đại biểu.
Tổng thư ký cho biết, có đại biểu cho rằng, việc thu - chi không đúng quy định là có liên quan đến người đứng đầu. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và Chính phủ cần rà soát và có trả lời thích đáng cho vấn đề này.
Đáng chú ý, đại biểu chỉ rõ, trong năm 2016 khi phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 21/2016/QH14 để yêu cầu kiểm điểm, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý điều hành ngân sách nhà nước và yêu cầu phải báo cáo kết quả với Quốc hội về việc này.
Nhưng hiện nay việc báo cáo này chưa cụ thể, đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn, chi tiết hơn, đưa ra danh sách, số liệu cụ thể gắn với công tác cán bộ và xử lý kỷ luật đối với các cán bộ để xảy ra sai phạm, đảm bảo thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội.
Có đại biểu đề nghị Bộ Tài chính lập bản tin nợ công năm 2015 theo quy định của Luật Quản lý nợ công về việc báo cáo thông tin và công khai thông tin về nợ công - Tổng thư ký cho biết.
Vneconomy
- Gần 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội
- Sự cố in ấn và những chiếc ghế trống thành điểm nhấn họp báo Quốc hội
- Quốc hội lập đoàn giám sát quản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
- Chủ tịch Quốc hội: "Đã cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan dự án sân bay Long Thành"
- Quốc hội giao 'chỉ tiêu' cho 4 bộ trưởng