Đội công nhân "khoe" đào trúng "vật thể lạ" dài 13m dưới sông: Cảnh sát phong tỏa hiện trường, huy động 2 máy cẩu trục vớt suốt 5 tiếng mới thành công
Cây gỗ mà đội công nhân Trung Quốc tìm thấy rất đặc biệt. Dù ngâm mình trong nước trong thời gian dài nhưng nó vẫn tỏa ra mùi thơm dễ chịu.
Theo Kknews.cc, vào chiều ngày 12 tháng 1 năm 2016, một tiếng động lớn xuất hiện ở địa phận thị trấn Sa Khê, huyện Thông Giang, thành phố Ba Trung, tỉnh Tứ Xuyên. Nhiều người dân ở đây cho biết, tiếng động này phát ra từ một con sông trong thị trấn. Đây cũng chính là địa điểm trục vớt một cây gỗ lớn mới được đội công nhân tại địa phương phát hiện trong lúc thi công dự án xây dựng.
Đi theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên địa phương đã tìm đến hiện trường xảy ra vụ việc. Trước mắt họ, một cây gỗ khổng lồ đã được đưa lên khỏi đáy sông. Cách đó vài mét là 2 chiếc xe cẩu được cán bộ địa phương huy động đến để phục vụ cho việc trục vớt. Hiện trường được cảnh sát phong tỏa. Bên ngoài khu vực này, người dân tập trung rất đông để tận mắt chứng kiến quá trình trục vớt cây gỗ.
Theo thông tin phóng viên ghi nhận được, cây gỗ này có màu đen, dài hơn 13m, đường kính khoảng 1,2m, cứng như đá và còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng rất đặc biệt. Cán bộ thị trấn Sa khê cũng cho biết, khoảng 3 giờ chiều ngày hôm đó, khi các công nhân xây dựng đang làm sạch sông thì bất ngờ phát hiện cây gỗ đen khổng lồ này.
Sau khi quan sát cây gỗ, một số người có mặt tại đó cho rằng nó có thể là cây gỗ âm trầm quý giá. Vào thời điểm đó, tại Tứ Xuyên cũng ghi nhận một số trường hợp đào được loại gỗ quý có các đặc điểm tương tự. Do đó, họ càng chắc chắn hơn về dự đoán của mình nên đã báo cho cảnh sát địa phương và mời chuyên gia đến phong tỏa hiện trường và kiểm tra. Sau 5 giờ trục vớt, cây gỗ cũng được đưa lên bờ. Kết quả phân tích của chuyên gia cho thấy cây gỗ này quả thực là gỗ âm trầm hơn 1.000 năm tuổi, vô cùng quý giá.
Các phóng viên địa phương cũng cho biết đây là lần đầu tiên một cây gỗ âm trầm xuất hiện tại thị trấn Sa Khê, huyện Thông Giang. Việc phát hiện ra cây gỗ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu những thay đổi về địa chất, địa hình và sự phát triển văn hóa của thị trấn này.
Trước đó vào năm 2015, một cây gỗ âm trầm nghìn năm tuổi dài 22m, đường kính khoảng 2,5m, nặng hơn 60 tấn, cũng được phát hiện ở nhánh sông Minh Nguyệt ở thị trấn Ma Liễu, huyện Đạt Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên. Các chuyên gia cho biết đây là cây gỗ âm trầm quý hiếm, bị chôn vùi dưới lòng sông sâu hơn 10m trong hơn 3.000 năm. Một công ty tại địa phương mua lại cái cây này đã phải huy động 2 máy xúc làm việc liên tục trên bãi sông này trong suốt 2 ngày mới có thể trục vớt được cây gỗ này vào bờ.
Chia sẻ về sự xuất hiện của cây gỗ khổng lồ, cán bộ địa phương cho biết cách thời điểm đó vài năm, thị trấn Ma Liễu hứng chịu một trận mưa lớn. Giả thuyết được đưa ra là lũ quét trong nhiều ngày đã đưa cây gỗ này từ nơi khác đến khúc sông Minh Nguyệt. Cán bộ này cũng đề cập đến khả năng cây gỗ vốn dĩ đã nằm sâu trong lòng sông này hàng nghìn năm nay, cho đến khi những trận lũ quét khiến chúng bị lộ ra khỏi mặt nước và được người dân phát hiện.
Theo Kknew.cc, gỗ âm trầm còn được gọi với cái trên rất quý tộc là “Đông Phương Thần Mộc”, được hình thành từ những cây cổ thụ cách đây hàng nghìn năm thậm chí hàng vạn năm, bị chìm, vùi lấp xuống sông do các nguyên nhân tự nhiên. Theo thời gian, chúng tạo thành một kết cấu độc đáo, thớ gỗ mịn gần như không có xơ gỗ, chống ẩm cực kỳ tốt, không bao giờ lo bị mục nát.
Các chuyên gia cho biết gỗ âm trầm có giá trị kinh tế rất cao. Tuổi gỗ càng cao thì giá trị càng lớn, thậm chí là không thể đong đếm vì nó có số lượng vô cùng khan hiếm bởi thời gian hình thành gỗ rất lâu và nằm ở những địa hình rất khó khăn để khai thác. Hơn nữa, việc tìm được cây gỗ này còn phụ thuộc vào vận may. Hầu hết, những trường hợp tìm được gỗ âm trầm ở Trung Quốc đều tập trung ở Tứ Xuyên. Vùng đất này vốn có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận nhiệt đới nên từ xa xưa đã là thiên đường cho thực vật nhiệt đới. Nhiều người cho rằng gỗ âm trầm là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là nguồn tài nguyên quý hiếm không tái tạo, có giá trị văn hóa phi vật thể cực kỳ cao.
(Theo KKnews.cc)