Đối diện với “siêu lừa” núp bóng cán bộ cấp tỉnh
Với mác cấp phó của một phòng ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, có vợ là Trưởng phòng GD &ĐT TP Đồng Hới, ông Lương Duy Tuyển (52 tuổi, trú phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới) đã cho hàng loạt nạn nhân vào tròng, dưới danh nghĩa nhận tiền chạy việc lên đến hàng tỷ đồng.
Một giờ với “siêu lừa”
Đơn thư tố cáo ông Tuyển được các nạn nhân tới tấp gửi tới PV báo Tiền Phong thường trú tại Quảng Bình.
Nhằm điều tra thực hư những nội dung trong các lá đơn tố cáo, PV Tiền Phong đã đóng giả là chủ một doanh nghiệp nhỏ ở huyện miền núi Tuyên Hóa, có em trai cần xin việc, gọi điện xin gặp ông Tuyển. Qua điện thoại, ông Tuyển cho biết đang xin nghỉ phép để làm nhà và ông hẹn gặp tại một quán cà phê gần nhà ông ở phường Bắc Nghĩa.
Đến giờ hẹn, ông Tuyển ngồi đợi sẵn ở quán cà phê trong một góc vắng. Đi cùng PV Tiền Phonglà một đồng nghiệp trẻ của báo bạn. Nghe ông Tuyển nói chuyện thì mới thấy hết “nội lực” siêu phàm của ông ta. Hầu như tất cả các chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương ông nắm vach vách và luôn gắn với từng vị trí công việc.
Nhìn qua một lượt cậu em đồng nghiệp đi cùng, ông Tuyển nói ngay: “Hai anh em chú là may mắn lắm đó, đang có 1 suất vào An ninh sân bay Đồng Hới. Nhìn chú em to khỏe thế này vào vị trí đó là rất phù hợp”. Để người đi xin việc tin lời mình, ông Tuyển bắt đầu thao thao bất tuyệt: “Mấy chú chắc không biết, đợt này Bộ Giao thông Vận tải đang cho mở rộng sân bay Đồng Hới nên tuyển thêm 15 an ninh sân bay. Vô đây toàn là con ông cháu cha, nhưng anh làm ở Tỉnh ủy, giúp họ nhiều việc nên họ ưu tiên cho một suất. Bây giờ giá bình quân là 600 triệu nhưng mấy chú anh lấy cho 350 triệu, nhưng phải đưa tiền ngay, 7 ngày sau là có giấy gọi đi làm”.
Giấy viết tay của ông Tuyển nhận tiền từ nạn nhân
Giả vờ mừng rỡ, cậu em đồng nghiệp tâm sự thêm, rằng vừa mới cưới vợ, cũng chưa có việc làm, bằng chuyên môn là trung cấp y. Mắt ông tuyển như lóe sáng: “Chú đúng là phúc ba đời mới gặp được anh. Chị bây (vợ ông Tuyển) là Trưởng phòng Giáo dục Đồng Hới. Về hỏi vợ chú, nếu thích vào làm y tế học đường thì anh về nói với chị giúp cho, còn không thì hiện đang có một suất vào trạm xá công an. Vào đó là vào biên chế ngay ngành công an, có quân hàm quân hiệu đàng hoàng”.
Hỏi bao nhiêu tiền, ông Tuyển nói 300 triệu. Để lấy lòng tin người đi xin việc, ông Tuyển ghi đầy đủ họ tên, quê quán, bằng cấp, số CMND… nói để chuyển cho cơ quan nhận người làm thủ tục trước cho nhanh.
Lấy cớ là không cầm tiền theo, chúng tôi rút lui. Ngay trong chiều hôm đó, ông Tuyển gọi cho chúng tôi hơn chục cuộc điện thoại yêu cầu đưa tiền gấp để làm thủ tục. Bị từ chối khéo là chưa có tiền, ông Tuyển trách móc: “Mấy chú làm như rứa là không được, làm mất uy tín của anh với người ta. Anh đã chuyển toàn bộ lí lịch trích ngang cho người ta rồi. Tên của chú C. đã có trong danh sách An ninh sân bay Đồng Hới rồi…”.
Sau này chúng tôi mới biết, ông Tuyển cần tiền để trả cho một số trường hợp mà ông ta lừa trước đó. Một số nạn nhân của ông Tuyển đã thuê “xã hội đen” đến nhà đòi nợ, suốt ngày ngồi ở cửa nhà không chịu rời đi. Một lãnh đạo Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình khi nghe chúng tôi kể câu chuyện gặp ông Tuyển đã rất ngạc nhiên, vì ông Tuyển đến cơ quan rất ít nói, thậm chí không thể tự mình làm nổi một văn bản hoàn chỉnh theo yêu cầu công việc.
Ông Tuyển ở quán cà phê trong lần gặp PV Tiền Phong
Không chỉ chiêu bài “xin việc”
Không chỉ dừng lại ở việc thuê “xã hội đen” đến nhà đòi nợ, không ít nạn nhân đã đến thẳng trụ sở Tỉnh ủy Quảng Bình, nơi ông Tuyển làm việc để đòi nợ. Trước tình hình này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình đã điều chuyển ông Tuyển về Trung tâm hỗ trợ việc làm Nông Dân, thuộc Hội Nông dân Quảng Bình. Sau gần 2 tháng chuyển đơn vị công tác, ngày 19/5, Cơ quan công an tỉnh Quảng Bình đã ra lệnh khởi tố bị can đối với ông Tuyển, để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, ông Tuyển đã lừa hơn 10 nạn nhân có đơn phản ánh với số tiền khoảng 2 tỷ đồng, chưa kể nhiều nạn nhân chưa trình báo cơ quan chức năng. Cũng theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, ngoài lừa tiền xin việc, ông Tuyển còn lừa rất nhiều doanh nghiệp dưới danh nghĩa xin công trình, tuy nhiên đến nay, vì nhiều lí do mà các doanh nghiệp bị lừa chưa tố cáo.
Theo đơn thư của các nạn nhân, hành vi lừa đảo của ông Tuyển đã diễn ra hơn 5 năm qua.
Bà Trần T. T ở Bắc Lý (TP Đồng Hới), một nạn nhân cho biết: “Ba tôi bị tai biến lần thứ 2, trước khi chưa bị bệnh, ông Tuyển đến nhà lừa lấy 220 triệu đồng, hứa xin việc cho tôi vào năm 2017 chỉ trong 2 tuần. Thế nhưng, từ đó đến nay, tôi không có việc, ba tôi đổ bệnh, cần tiền chữa bệnh và trả nợ vay lãi cao. Tôi đến đòi tiền, ông ấy đuổi, không gặp”.
Bà Mai Thị T. ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy cho biết: “Năm 2017, ông Tuyển lừa gia đình tôi là đưa 350 triệu xin việc cho con tại sân bay Đồng Hới. Ông ta hứa chỉ 3 tuần. Tôi tin thật nên đi vay “nóng” chồng tiền. Ông ta nhận xong rồi chỉ viết giấy mượn tiền. Khi con tôi không có việc, cả nhà đi đòi về để khỏi phải trả lãi cao thì ông Tuyển hứa mãi. Đến bây giờ, ông mới chỉ trả lại 60 triệu đồng sau nhiều lần chúng tôi bắt xe đò về nhà ông ấy”.
Ông Trần Văn N. ở xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, ông là nạn nhân của ông Tuyển, đưa tiền cho ông ta 350 triệu đồng qua một người môi giới. Đến nay, việc thì không có, ông cũng không được trả lại tiền…
Ông Tuyển vẫn thường lừa các nạn nhân viết giấy giao nhận tiền khi dùng tên lót là Ngọc Tuyển, có khi Văn Tuyển, có khi Duy Tuyển. Ông Tuyển nói với lãnh đạo cơ quan cũ rằng, số tiền cầm từ các nạn nhân đã được ông hùn với một người bạn đầu tư ở một tỉnh phía Nam nhưng bị đổ bể nên không có tiền trả nợ. Còn trên thực tế, ông Tuyển có một khu nhà vườn 2 tầng được ốp toàn gỗ quý tại phường Bắc Nghĩa cùng chiếc xe hơi 4 chỗ cáu cạnh.
Ngày 19/5, Cơ quan công an tỉnh Quảng Bình đã ra lệnh khởi tố bị can đối với ông Tuyển, để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tiền Phong