MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổi đời nhờ cây mắc ca

09-04-2022 - 08:56 AM | Thị trường

Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở biên giới Lạng Sơn cây cho năng suất và chất lượng quả tốt. Người dân trên địa bàn đã và đang mở rộng diện tích cây mắc ca, góp phần nâng cao thu nhập.

Một trong những địa phương ở xứ Lạng tiên phong chuyển đổi các diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca là đồng bào các dân tộc xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng.

Ông Đinh Thanh Tuy, Chủ tịch UBND xã Bắc Hùng cho biết: Qua theo dõi cho thấy hiệu quả kinh tế của cây mắc ca trên địa bàn xã rất rõ nét. Chính vì vậy, chính quyền xã đã xác định phát triển cây mắc ca trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở địa phương. Để phát triển hiệu quả loại cây này, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tập trung tuyên truyền và hướng dẫn người dân lựa chọn giống cây đảm bảo chất lượng, cùng với đó hỗ trợ cây giống để người dân mở rộng diện tích.

Chúng tôi đến tham quan mô hình trồng cây mắc ca của gia đình bà Đàm Thị Thép, thôn Bó Mịn, xã Bắc Hùng, bà Thép chia sẻ: Năm 2014, gia đình cải tạo 4 ha đất đồi để trồng 1.200 cây mắc ca. Năm 2017, vườn mắc ca bắt đầu bói quả, vụ đầu tiên, bán hạt mắc ca tươi được 80 nghìn đồng/kg. “Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, thương lái đến tận vườn thu mua nên tôi tiếp tục trồng mới thêm 100 cây. Trung bình mỗi năm, tôi bán và thu về hơn 1,5 tấn hạt, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”, bà Thép nói.

Cũng như gia đình bà Thép, gia đình ông Lục Văn Bằng (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) một trong những hộ gia đình trồng cây mắc ca đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Cây mắc ca có hơn 30 giống. Trong các giống đó có thể phù hợp với địa phương này nhưng lại không phù hợp với địa phương kia vì nó cực kỳ kén khí hậu. Thế nhưng, bằng những kinh nghiệm và sự học hỏi, gia đình ông đã trồng thành công và đem lại hiệu hiệu quả kinh tế cao. Ông cho biết, thương lái liên hệ đến tận vườn thu mua, thu hoạch tới đâu bán hết tới đó nên không lo về đầu ra sản phẩm. Ngoài hạt bán lấy tiền, vỏ tươi của quả mắc ca có thể tận dụng để ủ làm phân bón cho cây, giúp giữ ẩm và hạn chế sự sinh trưởng của cỏ dại.

Từ năm 2019 đến năm 2021, diện tích trồng mắc ca tăng nhanh ở 10/11 huyện, thành phố. Một số công ty, doanh nghiệp đã quan tâm trồng, phát triển mắc ca. Hiện có 8 doanh nghiệp lập 10 dự án đầu tư mắc ca, trong đó, 5 dự án đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt với diện tích 249,70 ha.

Theo Nguyễn Duy Chiến

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên