Đổi mẫu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip mới, người dân có phải đi làm lại?
Nếu mẫu thẻ căn cước công dân (CCCD) mới được thông qua, 80 triệu thẻ đã cấp thời gian qua vẫn sẽ được sử dụng như bình thường hay phải cần đổi mới là thắc mắc đang được nhiều người quan tâm.
- 25-03-2023Bloomberg News: Microsoft đe dọa hạn chế dữ liệu từ các công cụ tìm kiếm AI của đối thủ
- 25-03-2023Lộ diện công cụ AI chuyển văn bản thành video trong vài giây, chỉ cần nhập lời nhắc sẽ nhận lại nội dung theo đúng yêu cầu
- 25-03-2023Thuê bao di động đang lưu theo chứng minh thư có bị khóa SIM sau ngày 31/3?
Sáng 24/3, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức hội nghị, tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình quốc hội khóa XV. Trong đó có dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi.
Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất thay đổi một số nội dung thể hiện trên mặt thẻ CCCD: Lược bỏ dấu vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), đổi số thẻ CCCD thành số định danh cá nhân (vẫn là dãy số gồm 12 chữ số), quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú, chữ ký của người cấp thẻ từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành Bộ Công an.
Dự kiến trong năm 2023, ngành công an sẽ cấp thêm khoảng 8 triệu thẻ căn cước công dân (Ảnh minh hoạ)
Tại hội thảo, thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) - cho biết đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đã cấp được 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân trên toàn quốc.
Giải thích vì sao có nhiều mẫu CMND, CCCD cùng có giá trị sử dụng, thiếu tá Hiển cho hay, việc này xuất phát từ thực tế và quá trình phát triển khoa học, kinh tế - xã hội. Như, vào năm 2016, khi triển khai cấp CCCD mã vạch (thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố), Bộ Công an đã tính toán đến phương án sử dụng chip điện tử, nhưng vì chi phí cao, thiết bị công nghệ thời điểm đó chưa phù hợp nên quyết định tạm thời sử dụng mã vạch. Ngoài ra, thời điểm đó thiết bị và công nghệ, trình độ người dân, công nghệ sử dụng thẻ chip hoàn toàn chưa phù hợp nên chưa thực hiện.
Đến nay, các yếu tố phát triển về công nghệ, xã hội, chi phí… đã đáp ứng, nên việc ứng dụng chip điện tử để sản xuất thẻ căn cước công dân là khả quan.
Về việc thay đổi thông tin trên mặt thẻ CCCD, thiếu tá Hiển lý giải đề xuất này nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tăng tính bảo mật thông tin cá nhân của công dân. Chẳng hạn, trước đây giấy tờ tùy thân có mục nguyên quán, tức là xác định theo quê quán của ông bà; về sau đổi thành quê quán, tức là xác định theo cha mẹ. Bộ Công an đã đánh giá, nghiên cứu quy định trên thế giới thì thấy rằng nhiều quốc gia yêu cầu phải có thông tin về nơi đăng ký khai sinh trên giấy tờ.
Khi thay đổi nội dung trên thẻ, người dân không phải đi làm lại thẻ CCCD mới khi đã có thẻ CCCD gắn chip (Ảnh minh hoạ)
Trong khi đó, CCCD gắn chip được thiết kế đạt chuẩn ICAO, hướng tới sử dụng thông hành tại nhiều quốc gia, nên việc sửa đổi như trên là phù hợp.
Thiếu tá Trần Duy Hiển cũng khẳng định, khi thay đổi nội dung trên thẻ, người dân không phải đi làm thẻ CCCD khi đã có thẻ CCCD gắn chip.
"Khi Luật CCCD sửa đổi được Quốc hội thông qua, việc thay đổi nội dung trên thẻ sẽ được áp dụng. Đối với gần 90 triệu thẻ CCCD đã được Bộ Công an cấp trong thời gian vừa qua vẫn sử dụng bình thường, không phải cấp đổi, cấp lại. Bởi về nguyên tắc thông tin đã được lưu trong chip, Bộ Công an chỉ điều chỉnh thông tin trên bề mặt thẻ để hiển thị trực quan một cách rõ ràng hơn" – đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư nêu ý kiến.
Tổng hợp
Thể thao và Văn hoá