MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổi mô hình, biên lợi nhuận gộp tăng vọt, Vinasun báo lãi gần 130 tỷ sau 9T2022, cao hơn cả trước dịch

19-10-2022 - 17:57 PM | Doanh nghiệp

Đổi mô hình, biên lợi nhuận gộp tăng vọt, Vinasun báo lãi gần 130 tỷ sau 9T2022, cao hơn cả trước dịch

Mặc dù doanh thu 9T2022 chỉ bằng một nửa so với 9T2019 (tức thời điểm trước dịch Covid), nhưng Công ty lãi ròng 128,5 tỷ đồng, cao hơn gần 40% so với số lãi của 9T2019.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 vừa được công bố cho biết, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán VNS) đạt doanh thu 353 tỷ đồng – tăng 14 lần so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận gộp đạt 90 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 77 tỷ đồng. Mặc dù chi phí bán hàng tăng hơn 4 lần và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 140% nhưng công ty vẫn lãi ròng gần 60 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinasun đạt 764,5 tỷ đồng doanh thu – tăng 93% so với năm trước (nhờ nền thấp vì giãn cách xã hội), nhưng mới chỉ bằng một nửa so với 9T2019, tức thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, Công ty lãi ròng 128,5 tỷ đồng so với con số lỗ của cùng kỳ và cao hơn gần 40% so với số lãi của 9T2019.

Đổi mô hình, biên lợi nhuận gộp tăng vọt, Vinasun báo lãi gần 130 tỷ sau 9T2022, cao hơn cả trước dịch - Ảnh 1.

Điều nhận thấy rõ nét nhất là biên lợi nhuận gộp của Vinasun cải thiện đáng kể.

Đổi mô hình, biên lợi nhuận gộp tăng vọt, Vinasun báo lãi gần 130 tỷ sau 9T2022, cao hơn cả trước dịch - Ảnh 2.

Năm 2017, khi bắt đầu cuộc chiến với taxi công nghệ mà điểm nhấn là vụ kiện Grab ra tòa, hãng taxi truyền thống Vinasun đã công bố chuyển dần sang mô hình hợp tác kinh doanh thương quyền.

Theo thông tin trên trang vinasuntaxi, với 11 triệu đồng/năm đóng phí thương quyền và 12 triệu đồng ký quỹ ban đầu, tài xế hợp tác với Vinasun nhận mức chiết khấu 15,5% doanh thu hàng ngày, được khai thác hệ thống tổng đài, điểm tiếp thị, sân bay và được hỗ trợ thủ tục đổi màu xe của họ.

Ở mô hình kinh doanh taxi truyền thống, doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải được chia theo tỷ lệ nhất định giữa tài xế và công ty hoặc theo hình thức khoán doanh thu cho tài xế. Đội xe do Vinasun đầu tư.

Do đó, doanh nghiệp taxi sở hữu đội xe như Vinasun có thể điều chỉnh tỷ lệ chia với tài xế dựa trên các tính toán về chi phí khác để đảm bảo công ty có lãi. Trong mô hình này, chi phí khấu hao và chi phí nhân viên là 2 yếu tố chiếm tỷ lệ cao nhất.

Từ 2017 đến nay, khi tăng dần các hợp đồng kinh doanh thương quyền và giảm số lượng xe đầu tư, tỷ lệ chi phí khấu hao và chi phí nhân viên trong Tổng chi phí kinh doanh theo yếu tố của Vinasun đã giảm rõ rệt, biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh. 9 tháng đầu năm 2022, biên lợi nhuận gộp của Vinasun tăng vọt lên mức 27,2% - cao gần gấp đôi giai đoạn trước năm 2017.

Báo cáo tài chính cho biết, đến cuối quý 3/2022, số lượng nhân viên nhóm công ty đã tăng lên 2.045 người. Đây là quý thứ 2 nhân sự Vinasun tăng trở lại sau 3 năm liên tiếp giảm tài xế, tuy nhiên chỉ tăng 11 người so với cuối quý trước.

Trước đó, ở thời kỳ đỉnh cao (2015 – 2016), số lượng nhân sự Vinasun lên đến hơn 17.000 người và đội xe trên 6.000 chiếc. Cuối năm 2021, quy mô nhân sự của Vinasun còn 1.877 người, giảm 2.521 người so với đầu năm. Số xe còn 2.071 chiếc. Đến ngày 31/3/2022, số nhân sự tiếp tục giảm còn 1.764 người.

Đổi mô hình, biên lợi nhuận gộp tăng vọt, Vinasun báo lãi gần 130 tỷ sau 9T2022, cao hơn cả trước dịch - Ảnh 3.

Theo Báo cáo tài chính, năm 2018, 2019 và 9 tháng đầu năm 2022, chi phí khấu hao chiếm lần lượt khoảng 21-24% tổng chi phí và bằng 18-24% doanh thu. Còn chi phí nhân viên chiếm 40-43% tổng chi phí và bằng 41% doanh thu.

Riêng 2 năm 2020-2021 chịu cảnh giãn cách xã hội, tỷ trọng chi phí khấu hao tăng lên mạnh, bằng 57% doanh thu, chi phí nhân viên cũng vọt lên bằng 49% và 52% doanh thu.

Đó là khi các xe taxi của Vinasun phải nằm bãi không hoạt động, không đem lại doanh thu nhưng vẫn chịu chi phí khấu hao và doanh nghiệp vẫn phải trả một phần thu nhập cho nhân viên. Đó cũng là lý do khiến cho giá vốn cao vượt doanh thu trong 2 năm này và Vinasun bị lỗ.

Ngô My

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên