MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đời người chỉ có 1 lần, nhất định không được lãng phí điều này: Mất rồi mới thấu hai chữ "sức khỏe" đắt giá cỡ nào!

25-08-2020 - 13:38 PM | Sống

Những lúc bận rộn, bạn có từng chợt nghĩ, bận thế này để làm gì? Để kiếm tiền hay để phấn đấu? Nhưng không có sức khỏe thì tư cách để phấn đấu cũng chẳng còn nữa.

Có người nói rằng, bận rộn là để kiếm tiền nuôi gia đình.

Cũng có người nói rằng, bận rộn là để sống cuộc sống mà họ mong muốn.

Ai cũng có lý do riêng để bận rộn và ai cũng có lý do riêng để làm việc chăm chỉ không ngừng.

Nhưng dù bận rộn đến đâu, bạn cũng phải chăm sóc bản thân thật tốt và đừng để chính mình rơi vào trạng thái suy kiệt mệt mỏi vì cơ thể là vốn liếng quan trọng nhất. Không có cơ thể khỏe mạnh thì bạn cũng không có tư cách để bận rộn.

Hãy chỉ bận rộn trong phạm vi giới hạn mà cơ thể có thể chịu đựng!

Nếu cảm thấy mệt mỏi thì đừng cố níu kéo nữa, hãy dừng lại và nghỉ ngơi thật tốt, điều chỉnh lại trạng thái để có thể sẵn sàng quay trở lại với cuộc đua.

Trẻ con có cần quan tâm tới sức khỏe?

Ở độ tuổi ấu thơ, đáng lẽ trẻ em phải được chơi đùa, được đi đó đi đây, tiếp xúc với thiên nhiên và môi trường rộng lớn xung quanh để học cách nhận thức thế giới. Đây chính là nền tảng để mở rộng tầm nhìn và rèn luyện thể chất cho tương lai.

Nhưng hiện tại, những đứa trẻ phải ra sức học tập. Suốt thời thơ ấu, chúng đã gắn liền cuộc đời với học thêm, từ các lớp tiếng Anh ở cái ngày chúng còn chưa nói sõi tiếng Việt, cho tới những lớp năng khiếu như mỹ thuật, piano, ca hát… mà chưa chắc chúng đã có hứng thú.

Càng lớn hơn, tình trạng này lại càng nghiêm trọng. Cặp sách của những cậu nhóc tiểu học đôi khi còn nặng hơn cả số sách vở của học sinh ôn thi đại học vào nhiều năm trước.

Cứ như vậy, cơ hội vui chơi, kết bạn và tiếp xúc với ngoại cảnh đều bị thay thế bằng các lớp học, các kiến thức nhồi nhét. Món đồ chơi giải trí của chúng không còn là trái banh trái bóng, những chiếc cầu trượt ngoài trời hay rượt chạy đuổi bắt cùng đám bạn cùng trang lứa, mà chỉ là chiếc smartphone cùng hàng loạt game online, video hoạt hình, phim ảnh… hại mắt.

Thế là trẻ con của thời hiện đại không chỉ yếu ớt về thể chất, dễ mắc các chứng bệnh tâm lý như tự kỷ, mà còn “được” đi khám mắt thường xuyên hơn.

Đời người chỉ có 1 lần, nhất định không được lãng phí điều này: Mất rồi mới thấu hai chữ sức khỏe đắt giá cỡ nào! - Ảnh 1.

Người trẻ có cần quan tâm đến sức khỏe?

Người trẻ thường cho rằng mình có đủ sức khỏe, có một cơ thể vững vàng để sẵn sàng thức khuya vui chơi hoặc tăng ca, làm việc liên tục.

Trường hợp thứ nhất, họ tham gia các cuộc vui về đêm với hy vọng mở rộng quan hệ và thích nghi với chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh. Các bữa tiệc tùng, ăn nhậu trở thành thói quen, lúc nào cũng kết thúc ngày dài trong tình trạng say mèm, hôm sau lại thức giấc mà đau đầu nhức óc. Kiểu sinh hoạt này không chỉ “chà đạp” trí tuệ và thể chất, mà còn lãng phí thanh xuân.

Trường hợp thứ hai, những người “cắm mặt” vào công việc. Họ đi theo khẩu hiệu “Còn trẻ thì tội gì phải đứng yên” để không ngừng nỗ lực, hy vọng mỗi ngày đều là một bước tiến. Họ sợ lãng phí thanh xuân nên càng vội vàng, càng thúc ép bản thân vào guồng bận rộn mà bỏ mặc những dấu hiệu bất ổn đến từ các mối quan hệ xung quanh, cũng như tình trạng sức khỏe của chính mình. Kiểu sinh hoạt này giúp bạn hướng tới một cuộc sống chất lượng cao, nhưng đồng thời đánh mất chính tư cách để hưởng thụ cuộc sống đó về lâu về dài.

Nếu cảm thấy mệt mỏi, nhất định phải nghỉ ngơi. Nếu có khó chịu thì phải dành thời gian đi khám. Bệnh nhẹ không chữa trị sớm sẽ gây ra nhiều phiền phức nghiêm trọng hơn nữa. Một khi sức khỏe không thể bảo toàn, bạn chẳng còn tư cách mà tiếp tục phấn đấu cho tương lai của chính mình.

Nhiều người thường lơ là với các biểu hiện nhỏ, cứ nghĩ mình còn nhiều thời gian nhưng khi mọi thứ biến chứng nặng hơn, cơ thể sẽ không thể đợi được nữa. Đợi đến khi họ hối hận thì đã quá muộn.

Hãy luôn để tâm trí có thời gian thả lỏng, giảm bớt căng thẳng. Như vậy, bạn mới có đủ không gian để hồi phục, trở nên mạnh mẽ hơn và chống chọi được với sóng gió.

Đời người chỉ có 1 lần, nhất định không được lãng phí điều này: Mất rồi mới thấu hai chữ sức khỏe đắt giá cỡ nào! - Ảnh 2.

Đừng đảo ngược trật tự của cuộc sống

Con người hiện nay, từ nhỏ đến lớn, đều đang đảo lộn trật tự của cuộc sống. Để rồi đến khi về già, họ mới hiểu rằng sức khỏe đang suy thoái một cách nghiêm trọng, cả về thể chất lẫn tâm trí.

Chính vì thế, có những điều bạn cần phải hiểu càng sớm càng tốt:

Không phải có điều kiện mới dẫn đến thành công, mà vì muốn thành công nên mới sáng tạo ra điều kiện.

Không phải vì có thu hoạch nên mới cảm ơn, mà là vì biết ơn nên mới có thể nhận được thu hoạch.

Không phải vì thành công nên mới trưởng thành, mà là vì trưởng thành nên mới thành công.

Không phải vì có cơ hội nên mới tranh thủ, mà là vì tranh thủ nên mới có cơ hội.

Không phải vì có tiền mới có sức khỏe, mà vì có sức khỏe mới làm ra tiền.

Đừng đợi tới khi mất người yêu mới biết thế nào là hối tiếc.

Đừng đợi tới khi mất người thân mới biết thế nào là ấm áp.

Đừng đợi tới khi mất bạn bè mới biết thế nào là cô đơn.

Đừng đợi tới khi mất niềm tin mới biết thế nào là “chữ Tín”.

Đừng đợi tới khi mất sức khỏe mới muộn màng học cách chăm sóc bản thân.

Hãy nhớ rằng, đời người chỉ có một lần, hãy yêu bản thân để có thể yêu người khác hơn. Dù bận rộn đến đâu, luôn chăm sóc chính mình và đừng để gia đình phải lo lắng cho bạn.

Nếu không biết coi trọng điều gì thì bạn sẽ mất đi chính điều đó. Nếu bản thân chúng ta còn không biết trân trọng chính mình và người khác, thì ai sẽ trân trọng chúng ta?

Có lẽ, cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy nhất mà thân nhân của bạn mong muốn không cần phải có một ngôi nhà lớn, một cơ ngơi to, một gia sản giàu có, mà chỉ là gia đình có thể khỏe mạnh, bình an bên nhau. Như vậy, sống ở đâu cũng đều cảm thấy ấm áp và trọn vẹn.

Vì năm tháng không buông tha cho ai, tất cả mọi thứ sẽ không trở lại lần nữa. Đợi đến khi cơ thể kiệt quệ, tâm trí hao mòn, không còn cơ hội cứu vãn, tất cả chỉ còn lại tiếng thở dài ngao ngán.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên