MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối phó với tin giả: Doanh nghiệp cần chủ động “đi trước một bước”

16-11-2022 - 17:31 PM | Kinh tế số

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do nhấn mạnh: Doanh nghiệp phải kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với các tin đồn, tin giả, trong đó phải luôn luôn đi trước 1 bước là dự báo, dự đoán vấn đề về sẽ liên quan…

Nhiều kênh tiếp nhận thông báo tin giả

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả”, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết, kể từ khi thành lập (tháng 4/2021) đến nay, Trung tâm xử lý tin giả của Cục đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin.

“Có những tin không phải tin giả mà là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp… thì chúng tôi đã chuyển đến những nơi khác để xử lý” - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho hay.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng, đây chỉ là một kênh xử lý của Cục, ngoài ra, Cục cũng có những đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, tổng đài điện thoại… để tiếp nhận email người dân gửi đến.

“Đúng là hiện nay với con số khoảng 5.000 như thế trong hơn 1 năm thì không phải là nhiều và chúng tôi cũng đang đẩy mạnh thông tin để người dân biết được Trung tâm này, nhưng đồng thời ở các địa phương, Bộ TT&TT cũng đề nghị tổ chức tiếp nhận những phản ánh của người dân, vì ngay trên địa bàn của mình dễ xác minh và xử lý. Địa phương sẽ tiếp nhận qua Sở TT&TT và Văn phòng UBND, nơi phát ngôn cũng như là nơi chuyển cho các sở, ngành có liên quan để xử lý các thông tin đó” - ông Lê Quang Tự Do đề nghị.

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết, hiện nay, Cục đã có tài khoản, fanpage trên facebook cũng như mạng lưới với các tỉnh thành, các bộ, ngành để tiếp nhận và xử lý tin giả.

Theo ông Lê Quang Tự Do, người dân có thể gửi thông tin phản ánh về Cục hoặc các đầu mối ở Sở hay văn phòng UBND.

“Cục cũng thường xuyên nhận phản ánh tin giả từ doanh nghiệp, tổ chức, hoặc trực tiếp từ các cá nhân, các cơ quan báo chí, chứ không phải chỉ nhận qua Trung tâm xử lý tin giả này. Ngoài ra, họ cũng gửi trực tiếp công văn về Cục, gửi đơn khiếu nại, thậm chí là tố cáo, chúng tôi cũng đều xử lý hết mặc dù số lượng rất lớn.” – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Theo ông Lê Quang Tự Do, các doanh nghiệp khi gặp những tin giả, tin đồn cũng thường liên hệ trực tiếp luôn với cơ quan chức năng để được hướng dẫn chứ không chờ qua một quy trình gửi về Trung tâm tin giả, bởi đó là quy trình thông thường, còn khi có những vấn đề khẩn cấp sẽ xử lý theo hướng ưu tiên.

“Hiện nay fanpage Thông tin Chính phủ trên facebook là nơi chúng tôi hay làm điển hình để đi giới thiệu với các địa phương về việc vừa thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội hiệu quả như thế nào, vừa là nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân. Ý tưởng kết hợp giữa Cục với Cổng TTĐT Chính phủ để sử dụng được những phản ánh của người dân qua fanpage đó rất hay. Chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới.” - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ.

Cần chủ động dự báo và ứng phó với tin đồn

Tuy nhiên, ông Lê Quang Tự Do cũng nhấn mạnh: Doanh nghiệp phải kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với các tin đồn, tin giả, trong đó việc đầu tiên là doanh nghiệp phải có bộ phận truyền thông về hoạt động của công ty và đính chính tin đồn ngày càng chuyên nghiệp hơn.

“Thực tế cho thấy doanh nghiệp không chủ động, chỉ khi nào có khủng hoảng truyền thông thì mới bắt đầu đi xử lý nên lúc nào cũng chậm. Do đó, phải có kế hoạch bài bản về truyền thông và luôn luôn phải đi trước 1 bước là dự báo, dự đoán vấn đề về sẽ liên quan” - Cục trưởng nêu quan điểm.

“Ví dụ, khi xuất hiện tin đồn liên quan đến một loạt các công ty chứng khoán, bất động sản, trái phiếu thì chỉ tin nào liên quan đến công ty nào thì công ty đó mới làm. Còn các công ty khác, ngay cả khi cơ quan quản lý nhà nước đã dự báo, yêu cầu phải chuẩn bị thông tin kịp thời để trấn an dư luận thì cũng không có công ty nào làm và rồi đến lần lượt từng công ty đều dính hết” - ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.

Dù vậy, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng nhấn mạnh: Khi gặp khủng hoảng truyền thông phải có những cách ứng xử quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, nếu chủ động thì giảm thiểu được những tin đồn rất nhiều.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, hiện nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã truyền thông điệp đó đến Diễn đàn quốc Hội, đồng thời đang tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị là tất cả các Bộ, ngành, địa phương phải cùng tham gia quản lý thông tin trên không gian mạng với phương châm mình đang quản lý lĩnh vực nào ở ngoài đời thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.

“Hiện nay, chỉ có Bộ TT&TT và Bộ Công an là giải quyết trên môi trường mạng và thực sự chúng tôi không đủ sức, vì nó liên quan đến tất cả các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, trái phiếu…. Chúng tôi không đủ khả năng để hiểu là thông tin đó đúng hay sai. Hay như đợt vừa rồi rộ lên thông tin thần y ba đời khám chữa bệnh, nhưng nếu Bộ Y tế không lên tiếng thì chắc chắn Bộ TT&TT không đủ sức để nói là "ông đó khám chữa bệnh như thế là đang vi phạm pháp luật". Do đó, việc cùng nhau quản lý trên không gian mạng hiện nay là nhu cầu cấp thiết vì không gian mạng hiện nay nó là thế giới thứ 2 của loài người” - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh.

Theo Xuân Hưng

Vnmedia

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên