MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối phó với tình trạng thiếu điện do khai thác bitcoin, một quốc gia xem xét xây nhà máy điện hạt nhân

05-01-2022 - 08:29 AM | Tài chính quốc tế

Trở thành ngôi nhà mới của các thợ đào tiền ảo, Kazakhstan phải đối phó với vấn đề năng lượng nhưng quốc gia có sản lượng khai thác quặng uranium hàng đầu thế giới này không phải suy nghĩ quá nhiều.

Đối phó với tình trạng thiếu điện do khai thác bitcoin, một quốc gia xem xét xây nhà máy điện hạt nhân - Ảnh 1.

Các nhà chức trách ở Kazakhstan hiện đang nghĩ đến việc thực hiện một kế hoạch kéo dài hàng thập kỷ để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước trước tình trạng thâm hụt điện ngày càng tăng. Do sở hữu mức thuế hấp dẫn và thái độ thân thiện với tiền điện tử, nước cộng hòa nằm giữa hai châu lục Âu- Á này đã thu hút một lượng lớn các thợ khai thác tiền mã hóa Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra một loạt các chính sách chống lại ngành công nghiệp tiền điện tử vào tháng 5 năm ngoái.

Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan, ông Magzum Mirzagaliev, đã tiết lộ hai địa điểm hiện đang được xem xét là địa điểm tiềm năng cho một nhà máy điện hạt nhân. Đó là làng Ulken ở vùng Alma-Ata và thành phố Kurchatov ở vùng Đông Kazakhstan.

“Chúng tôi đã sẵn sàng với sự cân bằng sản xuất và tiêu dùng cho đến năm 2035. Chúng tôi thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân để cung cấp điện cho người dân và nền kinh tế của chúng tôi”, hãng thông tấn Nga Tass trích dẫn lời ông Mirzagaliev.

Đối phó với tình trạng thiếu điện do khai thác bitcoin, một quốc gia xem xét xây nhà máy điện hạt nhân - Ảnh 2.

Quá trình xây một nhà máy điện hạt nhân sẽ cần khoảng 10 năm.

Kazakhstan là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về khai thác quặng uranium. Tuy nhiên quá trình để xây dựng được một nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ cần tới cả thập kỷ. Ông Mirzagaliev thừa nhận sẽ cần thêm 10 năm nữa để xây dựng nó. Chính phủ nước này hiện đang đàm phán với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử của Nga, Rosatom, công ty đã xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc, Ấn Độ và Belarus. Nếu hoàn thành, nhà máy điện hạt nhân cũng sẽ giúp Kazakhstan đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, theo lưu ý của vị quan chức chính phủ này.

Kazakhstan đã bắt đầu thiếu điện vào mùa hè vừa qua, khi lượng máy đào tiền mã hóa từ Trung Quốc tràn vào khiến nguồn cung điện bị thâm hụt tới 7% trong ba quý đầu năm. Các mỏ khai thác như những con quái vật luôn đói khát năng lượng đã nhanh chóng bị đổ lỗi cho sự thiếu hụt và các nhà chức trách ước tính rằng một mỏ khai thác tiền điện tử cũng cần nhiều năng lượng bằng 24.000 hộ gia đình. Việc thâm hụt đã buộc Kazakhstan, một nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn thế giới, phải mua điện giá cao từ Nga để lấp đầy khoảng trống.

Nhưng, thay vì phản đối và xua đuổi, chính quyền Kazakhstan đã duy trì một thái độ nhìn chung khá tích cực đối với ngành công nghiệp tiền điện tử. Nó chào đón các thợ mỏ và đang thực hiện các bước để điều chỉnh lĩnh vực này. Các ước tính được công bố gần đây cho thấy rằng khai thác tiền điện tử có thể rót khoảng 1,5 tỷ USD vào nền kinh tế của nước này trong 5 năm tới, với hơn 300 triệu USD được kỳ vọng là doanh thu từ thuế. Một chính sách mới sẽ từ tháng Giêng năm nay sẽ đánh khoản phí 0,0023 USD cho mỗi kilowatt giờ điện được sử dụng bởi các doanh nghiệp khai thác tiền mã hóa.

Tham khảo Bitcoinnews

Theo Bảo Nam

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên