MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổi tiền mới ăn chênh lệch dịp Tết Nguyên đán có thể bị phạt đến 80 triệu đồng

22-01-2024 - 17:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo luật sư, hoạt động đổi tiền lẻ "ăn" phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền.

Cứ mỗi dịp Tết đến, dịch vụ đổi tiền mới để lì xì lại nở rộ. Trên một số nhóm mạng xã hội, nhiều người dùng tung ra dịch vụ đổi tiền mới. Theo khảo sát, phí đổi tiền lẻ sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Như các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động từ 13 - 15%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 - 8%, còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 - 5%.

Theo luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way, mỗi dịp Tết Nguyên đán trên khá nhiều tuyến phố luôn xuất hiện các quầy đổi tiền, tiền đủ mệnh giá từ 1.000, 2.000, 5000 VNĐ (phục vụ việc đi lễ chùa đầu năm), hay các mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000, 100.000 VNĐ (phục vụ việc lì xì đầu năm) được bày biện công khai, thường xuyên và liên tục năm này qua năm khác. Người đổi tiền thường được ăn chênh lệch theo hướng đổi 10 ăn 9 (đổi 100.000 VND nhận về 90.000 VND) hoặc 10 ăn 8 (đổi 100.000 VND nhận về 80.000 VND).

Nhận định về tình trạng này, luật sư Lê Văn Hồi cho rằng: "Đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chính sách quản lý tiền tệ của Ngân hàng nhà nước và những người thực hiện hành vi này có thể phải chịu phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, theo quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP, hành vi "thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật" - ở đây là hành vi đổi tiền ăn chênh lệch có thể bị phạt từ 20.000.000 - 40.000.000 VNĐ đối với cá nhân vi phạm".

Cũng theo luật sư Lê Văn Hồi, trường hợp là doanh nghiệp, tổ chức thực hiện việc đổi tiền ăn chênh lệch thì có thể chịu phạt gấp 2 lần mức phạt này, theo đó, mức phạt tối đa có thể lên đến 80.000.000 VNĐ. Như vậy, những hành vi tưởng như hết sức bình thường, diễn ra công khai khi soi chiếu theo góc nhìn của Cơ quan quản lý nhà nước có thể là hành vi phạm pháp luật và có thể bị phạt vi phạm hành chính để đảm bảo việc quản lý tiền tệ, kho quỹ của Ngân hàng nhà nước. Theo đó, người thực hiện hành vi cần thận trọng khi thực hiện hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch.

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị "bùng" tiền đặt cọc.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, yêu cầu cán bộ ngân hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những đối tượng đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận phản ánh và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để quản lý tốt, hạn chế sai phạm phát sinh, bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tùng Lâm

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên