MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dời trung tâm hành chính Đà Nẵng: Chỉ là trong tương lai

13-08-2016 - 10:15 AM | Xã hội

Trung tâm hành chính (TTHC) TP Đà Nẵng vừa xây dựng chưa đầy 3 năm với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, nhưng lại đang có chủ trương di dời. Có đúng như vậy?

Theo một cán bộ lãnh đạo TP Đà Nẵng, chủ trương xây dựng TTHC có từ nhiệm kỳ 2006-2011 do cố bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khởi xướng. Đến tháng 8-2007, Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng TTHC với thiết kế như hiện nay.

Theo đó, tòa nhà cao 36 tầng (gồm 2 tầng hầm) trên diện tích hơn 23.300m2. Toàn bộ khối nhà cao 166,8m với tổng vốn đầu tư dự kiến 60 triệu USD (khoảng 950 tỉ đồng). Tháng 9-2014, tòa nhà mới hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí xây dựng lên 1.982 tỉ đồng. Mới đây, trong báo cáo kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước thì công trình này có vốn đầu tư hơn 2.131 tỉ đồng.

Tòa nhà vẫn đảm bảo 
an toàn

Trao đổi với chúng tôi ngày 
12-8, ông Thái Bá Cảnh, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết năm 2015 do có một số phản ảnh về chuyện thiếu khí tươi của tòa nhà thì TP đã chỉ đạo sở làm đánh giá. Kết quả được báo cáo và từ đó đến nay đều ổn. “Trong sở tôi chưa có anh em nào phản ảnh mệt hay khó chịu gì. Tôi là người lớn tuổi mà không thấy mình ảnh hưởng sức khỏe” - ông Cảnh cho hay.

Liên quan đến chuyện di dời tòa nhà, ông Cảnh cho rằng đây là vấn đề mới đặt ra để nghiên cứu, có thể hiểu là nghiên cứu công năng tòa nhà có thể hiệu quả hơn khi sử dụng vào một mục đích khác, như thành lập trung tâm phần mềm ở đây. Riêng việc có di dời hay không phải nghiên cứu rất công phu, có đề án mới trả lời được. “Làm sao hiệu quả phải đặt lên hàng đầu vì là vốn ngân sách. Hiện nay tòa nhà đang phát huy hiệu quả, tiện cho người dân, cho công tác cải cách thì mọi người thấy rất rõ” - ông Cảnh nói.

Liên quan đến vấn đề an toàn cháy nổ, thoát hiểm của tòa nhà TTHC, phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP Đà Nẵng Lê Ngọc Hai cho biết công trình đã được cấp có thẩm quyền thẩm duyệt, đồng ý đưa vào sử dụng từ tháng 7-2014. Đây là công trình trọng điểm, mỗi quý sở đều cử đoàn kiểm tra một lần hệ thống PCCC và các trang thiết bị, máy móc, nội quy, các quy định thực hiện công tác PCCC. UBND TP cũng có quyết định phê duyệt các phương án xử lý cháy nổ lớn.

Có thiếu khí tươi

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc có hay không chuyện tòa nhà bị thiếu khí tươi và quá nóng, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP Đà Nẵng Trần Đình Quỳnh xác nhận: việc thiếu khí tươi là có nhưng chỉ xảy ra tại những phòng họp có sức chứa 40 - 100 người. “Khi tổ chức các cuộc họp đông người, thời gian họp kéo dài thì lượng CO2 trong các phòng họp này vượt ngưỡng cho phép. Ngay khi phát hiện tình trạng này, lãnh đạo TP đề nghị Sở Khoa học - công nghệ vào cuộc đo lưu lượng khí tươi tại tòa nhà” - ông Quỳnh cho biết.

Theo ông Quỳnh, đợt lấy khí tươi lần 1 diễn ra tháng 11-2014 do Phân viện Bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường miền Trung thực hiện. Kết quả có 13/14 mẫu khí không đạt theo chuẩn thiết kế, ngay sau đó Ban quản lý dự án xây dựng TP Đà Nẵng đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục, cân chỉnh các họng lấy gió.

Đến đầu tháng 5-2015, TP Đà Nẵng yêu cầu đo lại khí tươi lần 2, lần này đơn vị thực hiện là Công ty CP Kiểm định kỹ thuật, an toàn và tư vấn xây dựng thực hiện bằng máy đo Kimo-serial tại các tầng 14 và 29. Kết quả cho thấy các khu vực đáp ứng được yêu cầu cấp lưu lượng khí tươi so với thiết kế.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài khu vực (phòng họp) thi thoảng thiếu oxy do mật độ người tập trung đông. Để giải quyết dứt điểm vấn đề trên, ngày 23-5-2016 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có công văn thống nhất cho phép triển khai những giải pháp nhằm tăng thêm lượng khí tươi vào các phòng họp bằng cách lắp thêm quạt thông gió, quạt hút, điều chỉnh bổ sung hệ cửa kính nhằm lấy gió từ bên ngoài vào.

Riêng chuyện tòa nhà quá nóng, ông Quỳnh cho rằng nguyên nhân gây nóng là do khối nóng của hệ thống máy điều hòa tòa nhà được đặt tập trung tại một tầng, khi nhiệt độ bên ngoài tăng dẫn đến một số phòng bên trong tòa nhà bị nóng theo.

Vấn đề này đã có cách xử lý bằng việc lắp đặt thêm hệ thống quạt thông gió tại tầng 32 giải nhiệt cho dàn nóng và đối lưu không khí trong kênh gió nóng, bổ sung tấm alu và vách thạch cao trong kênh gió... “Hiện dự toán đã được phê duyệt, chỉ còn chờ thi công” - ông Quỳnh cho biết.

Hạn chế mặt kỹ thuật, công năng

Theo ông Tô Hùng - trưởng Ban đô thị HĐND TP, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng, việc di dời hay không di dời TTHC là một việc rất quan trọng cần phải được đề cập một cách khoa học.

“Theo tôi, giải pháp thiết kế công trình mang tính biểu cảm cao về mặt thẩm mỹ, nhưng về mặt kỹ thuật việc sử dụng vỏ bao che diện tích lớn bằng kính chưa thật sự phù hợp với vùng khí hậu nhiệt đới, nhất là nơi có số giờ nắng bình quân trong năm hơn 2.000 giờ như Đà Nẵng.

Đối với các tầng trên cao, do thu nhỏ dần nên góc chiếu mặt trời lớn tạo khả năng hấp thu bức xạ mặt trời cao. Hình dạng mặt bằng tòa tháp được thiết kế với dạng hình tròn, khá bất lợi về mặt tiện nghi cho trụ sở làm việc, khó khăn cho việc phân chia và bố trí không gian làm việc” - ông Hùng cho biết.

Đồng tình quan điểm đó, KTS Hoàng Quang Huy, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng công trình này không phù hợp với điều kiện làm việc của Việt Nam. Lắp kính từ dưới lên trên, phủ hết tất cả tòa nhà gây nên độ nóng và hiệu ứng nhà kính. Trước đây từng có ý kiến phản biện của Hội đồng kiến trúc quy hoạch TP cho rằng công trình có kiến trúc không phù hợp.

“Công trình co cụm quá nên không tốt, hệ thống thang máy và không khí không được chuẩn nên tôi nghe nhiều anh em than phiền hay nhức đầu, ngồi lâu một chỗ không được, không ổn” - ông Huy nói.

Ông Huy còn kiến nghị: “Phải làm chỗ khác thôi. Bây giờ con người là trên hết, cần được quan tâm, tạo nơi có điều kiện làm việc tốt, nếu làm việc trong điều kiện không tốt thì không đảm bảo sức khỏe”.

Theo ông Tô Hùng, TP đang triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở rộng đô thị về phía tây, nên “về lâu dài, việc nghĩ đến một TTHC mới TP Đà Nẵng trong tương lai là điều cần phải tính tới khi đô thị phình to cả về quy mô cũng như dân số gấp 2-3 lần hiện nay”.

Ông Huy cũng nói nên di dời TTHC đi chỗ khác để cho xứng tầm với một cơ quan công quyền, thể hiện được quyền lực nhà nước, thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành và với người dân.

Không có chuyện bán cho nhà đầu tư nào

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Quỳnh khẳng định: “Đến thời điểm này, không hề có chuyện một doanh nghiệp nào đặt vấn đề mua lại trung tâm hành chính hay đề xuất đổi đất lấy hạ tầng. Đó là điều chắc chắn”. Theo ông Quỳnh, lãnh đạo TP cũng tính toán đến việc trong tương lai có thể sẽ di chuyển (thay đổi) trung tâm hành chính đến một nơi khác, nhưng đó là chuyện của tương lai chứ không phải ngày một ngày hai.

Theo VIỆT HÙNG - HỮU KHÁ - ĐĂNG NAM

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên