Đội tuyển bóng rổ nữ TP.HCM thêm trợ lực để bứt phá
Chỉ 3 năm gần đây nền bóng rổ Việt Nam, đặc biệt là bóng rổ nữ đã có những thay đổi bất ngờ theo hướng tích cực hơn. Để bộ môn này tồn tại vững bền và thực sự bứt phá đòi hỏi cần có thêm sự chung tay, khi mà rất nhiều tài năng trẻ nước nhà đang thiếu những bệ phóng để họ có thể "vượt vũ môn.
Đưa bóng rổ trở thành môn thể thao phổ biến thứ 2 tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, môn bóng rổ tại Việt Nam đã và đang được xã hội hoá mạnh mẽ với sự chung tay của nhiều cá nhân, tổ chức cùng Liên đoàn bóng rổ Việt Nam để dần đưa môn thể thao Olympic này trở thành môn phổ biến thứ hai tại Việt Nam. Từ chỗ CLB bóng rổ Saigon Heat là đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam hồi năm 2011, giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) đã vươn mình mãnh mẽ trở thành một trong những giải đấu hấp dẫn nhất của khu vực Đông Nam Á.
Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ xây dựng đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam. Thành tích thi đấu quốc tế của các đội tuyển bóng rổ Việt Nam ở đấu trường quốc tế đang được cải thiện rõ rệt
Đội tuyển bóng rổ nữ TP.HCM đang sở hữu những "chiến binh" mạnh nhất của làng bóng rổ Việt Nam.
Khoảng cách giữa bóng rổ Việt Nam, đặc biệt là đội tuyển bóng rổ nữ so với các đội tuyển mạnh trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore… đang ngày một được rút ngắn.
Cụ thể, đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam đã thể hiện sự tiến bộ với 1 chiến thắng và xếp hạng 6/7 đội tham dự SEA Games 2017 so với thành tích toàn thua 5/5 trận ở SEA Games 2015. Đặc biệt, năm 2018 đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam có lần đầu tiên trong lịch sử tham dự một kỳ ASIAD nội dung 3x3. Tại giải đấu được tổ chức ở Indonesia, đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam đã xuất sắc giành được chiến thắng đầu tiên trong lịch sử ở đấu trường châu Á trước Qatar.
Nhiều khả năng, tại SEA Games 30 tổ chức ở Philippines cuối năm nay, bóng rổ Việt Nam sẽ có các đội tuyển tranh tài ở cả 8 bộ huy chương của môn thể thao này gồm: bóng rổ nam, bóng rổ nữ, bóng rổ 3x3 nam, bóng rổ 3x3 nữ, bóng rổ U21 nam, bóng rổ U21 nữ, bóng rổ 3x3 U21 nam, bóng rổ 3x3 U21 nữ. Để hướng đến mục tiêu cải thiện thành tích, thậm chí là có thể tranh chấp huy chương ở SEA Games 2019 (nhất là nội dung 3x3), bóng rổ Việt Nam cần được tiếp tục đầu tư mạnh mẽ ngay từ bây giờ.
"Liều doping" cả về vật chất lẫn tinh thần với bóng rổ nữ TP.HCM
Vừa qua, đội tuyển bóng rổ nữ TP HCM đã nhận được gói tài trợ "khủng" lên đến 10 tỷ đồng trong khoảng thời gian 5 năm liên tiếp từ Tập đoàn Novaland. Đây được xem như "liều doping" cả về vật chất lẫn tinh thần với bóng rổ nữ TP HCM nói riêng và bóng rổ nữ Việt Nam nói chung.
Bởi bóng rổ nữ TP.HCM luôn được xem như lá cờ đầu của bóng rổ nữ Việt Nam với rất nhiều những thành tích nổi bật: 8 năm liên tiếp vô địch quốc gia, luôn nằm trong top đầu của giải vô địch 3x3 toàn quốc (vừa giành chức vô địch quốc gia hồi tháng 5/2019), là đơn vị chủ quản của, vận động viên Nguyễn Thị Tiểu Duy - vận động viên xuất sắc nhất tại giải U16 Vô địch Châu Á 3x3 năm 2016. Đặc biệt, đội tuyển bóng rổ nữ TP HCM cũng là đội đóng góp quân số cho đội tuyển quốc gia nhiều nhất trong các đợt tập trung tham dự giải đấu quốc tế (từ 70-80% thành phần đội tuyển Việt Nam là quân số của TP HCM).
Dù vậy, theo thông tin từ ông Huỳnh Trọng Khải - Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ TP HCM, khó khăn lớn nhất với bóng rổ nữ TP HCM lúc này là vấn đề kinh phí. Mức kinh phí được Nhà nước cấp để duy trì hoạt động hiện chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Ngoài ra, đời sống của các vận động viên gặp nhiều khó khăn với mức lương khá thấp so với mặt bằng chung của các vận động viên thể thao thành tích cao trong cả nước.
"Hiện tại, mỗi vận động viên của đội tuyển bóng rổ nữ TP HCM chỉ có mức lương vào khoảng 7 triệu đồng/tháng. Với mức lương như vậy, các em không thể trang trải cho cuộc sống của mình. Có nhiều em buộc phải đi làm thêm, dạy thêm để có thêm thu nhập. Nhưng cứ như vậy, các em sẽ không thể toàn tâm toàn ý vào vấn đề chuyên môn và cống hiến cho đội tuyển bóng rổ nữ TP HCM lẫn đội tuyển quốc gia Việt Nam", ông Huỳnh Trọng Khải chia sẻ.
Bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển của bóng rổ đến cộng đồng, Novaland còn cam kết sẽ tiếp nhận các thành viên của đội tuyển bóng rổ nữ TP HCM vào làm việc tại Tập đoàn theo mong muốn khi hết thời gian thi đấu đỉnh cao. Khoản tiền tài trợ từ Novaland sẽ giúp các thành viên trong đội yên tâm tập luyện, nâng cao điều kiện chữa trị chấn thương, khẩu phần dinh dưỡng cho mỗi tuyển thủ, bổ sung kinh phí tham gia giải trong nước vào quốc tế, tiếp tục phát triển tài năng, cống hiến cho đội tuyển quốc gia tham dự đấu trường SEA Games trong tương lai.
"Với khoản tiền tài trợ 10 tỷ đồng, cả đội đều cảm thấy được khích lệ rất nhiều. Các thành viên sẽ tích cực, cố gắng hơn, duy trì thành tích giải trong nước và thu dần khoảng cách với đội tuyển khác ở giải quốc tế. Khoản tiền này cũng giúp các em có thêm điều kiện tập huấn, dự nhiều giải đấu khác, từ đây giúp mỗi thành viên đều có thêm sự tiến bộ, phát triển kỹ năng", HLV Lê Minh Chí của đội tuyển bóng rổ nữ TP.HCM cho hay.
Còn theo ông Mai Bá Hùng - Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM thì đây là một trong những hoạt động ý nghĩa của doanh nghiệp trong việc chung tay cùng các cấp chính quyền và toàn dân thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa thể dục thể thao của Đảng đề ra. Sự đồng hành của Novaland sẽ là nguồn khuyến khích, động viên lớn cho đội tuyển cùng Ban huấn luyện trong hành trình nỗ lực chinh phục các giải đấu lớn trong nước và quốc tế.
Với mục tiêu phát triển bền vững cùng cộng đồng, những năm gần đây Novaland đã dành hơn 300 tỷ đồng triển khai hàng nghìn chương trình, với hàng triệu người thụ hưởng trên cả nước. Tiêu biểu như "Nước sạch học đường" đang triển khai tại gần 80 trường học ở Bến Tre, Long An, góp phần bảo vệ sức khỏe cho hơn 32.000 giáo viên và học sinh. Năm nay, tập đoàn tiếp tục cam kết đóng góp cho xã hội, ưu tiên triển khai các chương trình có tác động lâu dài cho sự phát triển đất nước.