MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối với ngành này, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia gặp khó còn có thể quay đầu, Việt Nam thì khó!

“Một dữ liệu quan trọng là thị trường nội địa của Việt Nam chỉ có quy mô 4,5 tỷ USD cho dệt may, trong khi năng lực sản xuất của ngành lên đến 35 tỷ USD. Nghĩa là thị trường nội địa không có vị trí để có thể điều hoà được hoạt động sản xuất khi xuất khẩu suy giảm. Nó khác với Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia”.

Đây là một lưu ý của ông Lê Tiến Trường, TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra trong tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành công thương hôm 6/1.

Năm 2017 không lấy gì “sáng sủa”

Nhận xét về ngành dệt may năm 2016, vị TGĐ này cho biết đây là năm rất khó khăn với ngành.

“Tốc độ tăng trưởng năm 2016 của ngành là 5,2%, thấp nhất kể từ năm 2008 trở lại đây với kim ngạch xuất khẩu 28,3 tỷ USD, thấp hơn 1,7 tỷ USD so với kế hoạch đầu năm”, ông Trường nói.

Lý giải cho việc tốc độ tăng trưởng bị chững lại, ông cho biết đây là hoàn cảnh chung của các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới khi mà các thị trường nhập khẩu đều suy giảm về mức độ tiêu dùng hàng hoá.

Cụ thể, Mỹ giảm 4,5%, Nhật giảm trên 1%, Hàn Quốc giảm 4%, chỉ có Liên minh châu Âu tăng trưởng khoảng 5%. Điều này khiến cho 4/7 quốc gia dệt may lớn nhất thế giới giảm mạnh, trong đó, Trung Quốc giảm 4,5%, Ấn Độ giảm 5%, Indonesia giảm 5,4%, Pakistan giảm 4%, Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi, chỉ có Bangladest có tăng 4,8% và Việt Nam tăng 5,2%.

“Như vậy Việt Nam vẫn là nước có tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong 7 nước”, ông Trường kết luận.

Cũng theo ông, Việt Nam vẫn đang được đánh giá là nước có năng lực cạnh tranh tốt và thu hút được nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, cũng chính vì thế, Việt Nam đã bị 6 nước còn lại coi là đối thủ cạnh tranh trọng tâm.

“Những nước này đều lấy đặc điểm kinh doanh, chào hàng của Việt Nam để tiếp cận khách hàng rồi đưa ra giá thấp hơn”, ông Trường cho biết. Mặt khác, bối cảnh thế giới cũng chưa có nhiều tín hiệu tích cực nên ông Trường nhận định năm 2017 “dệt may Việt Nam cũng không mấy sáng sủa”.

Thị trường nội địa “chưa có đường về”

Ông Lê Tiến Trường cho biết thị trường nội địa năm 2016 cũng không thấy sức đua mạnh mẽ. Kinh doanh nội địa đang gặp nhiều cạnh tranh gay gắt. Cụ thể, khu vực nông thôn không thể cạnh tranh với hàng hoá tiểu ngạch, hàng không có nguồn gốc. Khu vực thành thị thì không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.

“Một dữ liệu quan trọng là thị trường nội địa của Việt Nam chỉ có quy mô 4,5 tỷ USD cho dệt may trong khi năng lực sản suất của toàn ngành đã lên tới 35 tỷ USD. Tức là thị trường nội địa không có vị trí để có thể điều hoà được hoạt động sản xuất khi xuất khẩu suy giảm”, ông Trường nhấn mạnh.

Trên thực tế, những nước xuất khẩu dệt may lớn khác đều có thị trường nội địa xấp xỉ hoặc lớn hơn thị trường xuất khẩu. Ví dụ, Trung Quốc thị trường xuất khẩu quy mô 260 tỷ USD nhưng thị trường nội địa là 270 tỷ USD, Ấn Độ có thị trường nội địa lớn gấp 3 thị trường xuất khẩu, Indonesia lớn gấp 2,... “Do đó họ có cơ sở để rút lui và phát triển khi thị trường chung gặp khó khăn”.

Trong khi đó Việt Nam lại ngược lại, chỉ cần 1 tháng sản xuất của toàn ngành đã có thể “phủ” được thị trường nội địa. “Vì vậy dù chúng tôi quan tâm phát triển thị trường nội địa nhưng mà cái tăng bù nội địa so với xuất khẩu vẫn tiếp tục khó khăn, nên vẫn đặt trọng tâm 90% hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dệt may cho việc xuất khẩu”, TGĐ Vinatex giải thích.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên