Đói vốn, thiếu vốn, doanh nghiệp bất động sản chấp nhận lỗ, hạ giá sản phẩm
Các doanh nghiệp bất động sản, các chủ đầu tư đang trong tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thu tiền sớm của khách hàng.
- 22-11-2022Doanh nghiệp bất động sản càng khó khăn, nguồn cung căn hộ càng thiếu hụt trầm trọng
- 21-11-2022FiinRatings: Thị trường xuất hiện hình thức thanh toán trái phiếu doanh nghiệp bằng bất động sản
- 21-11-2022Doanh nghiệp bất động sản đã học được các bài học đắt giá
Doanh nghiệp bất động sản mong muốn tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng để giải quyết những khó khăn trước mắt, về lâu dài cần có những chính sách gỡ những vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản tồn tại lâu nay.
Thị trường “khát” vốn
Nguồn cung của thị trường bất động sản đã sụt giảm rõ rệt, trong 9 tháng của năm 2022 chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào thị trường giao dịch, chỉ tương đương khoảng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất so với từ năm 2015 cho đến nay.
Tuy nhiên, giá bất động sản bị đánh giá là đang ở mức cao, không phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng đang có những dấu hiệu bất hợp lý, tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp. Trong khi nhà thương mại giá rẻ, các căn hộ trung cấp vừa túi tiền rất ít trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: “Thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu rất mạnh của các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai thậm chí là sa thải bớt lực lượng lao động, giảm giá thành, chấp nhận lỗ, thị trường và sức khoẻ doanh nghiệp đang yếu dần”.
Thị trường bất động sản cũng gặp khó khăn lớn về nguồn vốn từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu. Các doanh nghiệp bất động sản, các chủ đầu tư đang trong tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thu tiền sớm của khách hàng.
Do tắc các kênh huy động vốn nên một số doanh nghiệp bất động sản phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao hoặc phải bán bớt tài sản, dự án; bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (40% giá hợp đồng).
Gỡ khó cho thị trường bất động sản thế nào?
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trước thực tế là có đến khoảng 70% dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại bị “vướng mắc pháp lý” nên Quyết định số 1435/QĐ-TTg được ban hành rất kịp thời. Điều này tác động tích cực ngay tức thì và có tính lan tỏa, giúp cho thị trường bất động sản phần nào lấy lại “niềm tin” và ổn định một bước “tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư”, tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp phải nỗ lực “tự cứu mình” và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, để gỡ khó cho thị trường bất động sản ưu tiên số một là giải quyết các vướng mắc pháp lý của các dự án.
“Pháp lý là vướng mắc lớn nhất, nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Nhưng gỡ điểm vướng này cần phải có thời gian, mà giải pháp lớn nhất là phải hoàn thành sửa đổi Luật đất đai 2013 và một số luật liên quan” - ông Lê Hoàng Châu nói.
Đi đôi với tháo gỡ “vướng mắc” về thủ tục hành chính thì rất cần sớm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định, ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, các doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ khủng hoảng rất cao nếu không có những sự điều chỉnh, điều tiết bằng chính sách vĩ mô, năm 2023, doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với các khó khăn, tạo ra rất nhiều những hệ lụy với nền kinh tế.
“Cần giải quyết các vướng mắc về pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án. Thứ 2 là tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm thực được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để doanh nghiệp có thể triển khai dự án tạo nguồn cung ra thị trường” - ông Nguyễn Văn Đính nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, việc điều chỉnh các chính sách vĩ mô đều cần một độ trễ nhất định, đây là quá trình điều chỉnh luật, nghị định… trước mắt để giải quyết khó khăn phải khơi thông được nguồn vốn cho thị trường.
“Chưa bao giờ thị trường lại “khát” vốn đến thế, tín dụng ngân hàng khó tiếp cận được, kênh huy động vốn từ thị trường bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp đang đình trệ, nhà đầu tư mất niềm tin sau những vụ việc vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp làm có hiệu quả, những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường cần được khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ tiếp cận vốn thực hiện dự án, điều này sẽ giúp thị trường bước đầu đỡ khó khăn” - vị lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản nói./.
VOV