MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Domesco đã tiến hành nới room, khi nào tới lượt Dược Hậu Giang?

Dù Domesco đã “bắn phát súng” tiên phong nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa nhưng hiện vẫn chưa có doanh nghiệp dược phẩm nào khác có động thái nới room.

Vào đầu tháng 9 vừa qua, Domesco (DMC), một trong những doanh nghiệp dược phẩm lớn nhất Việt Nam đã chính thức nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa 100%. Đây là thông tin khá tích cực với những cổ phiếu dược phẩm đang ở trạng thái kín room khối ngoại như Dược Hậu Giang (DHG), Imexpharm (IMP), Traphaco (TRA).

Tuy vậy, cho đến thời điểm này, DMC vẫn là trường hợp duy nhất thực hiện nới room. Còn với DHG, “ông lớn” ngành dược phẩm trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp bước DMC nới room vẫn chưa có động thái cụ thể nào.


DMC tăng phi mã nhờ triển vọng nới room

DMC tăng phi mã nhờ triển vọng nới room

Hiện tại, vướng mắc với các doanh nghiệp dược phẩm trong việc nới room chính là những ràng buộc về quy định phân phối dược phẩm. Cụ thể, nếu công ty dược phẩm có bất kỳ hoạt động kinh doanh nhập khẩu hoặc mua và phân phối các sản phẩm thuốc không do mình sản xuất ra thì không được phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vì theo quy định của cam kết WTO không cho phép nhà đầu tư nước ngoài phân phối thuốc tại Việt Nam.

Để tiến hành nới room lên 100%, DMC đã phải loại bỏ hoạt động “kinh doanh các sản phẩm của bên thứ ba” khỏi điều lệ công ty. Theo CTCK Bản Việt (VCSC), việc DMC sẵn sàng loại bỏ lĩnh vực phân phối thuốc có lẽ bởi doanh thu mang lại không đáng kể (chiếm 11% doanh thu 6 tháng 2016) và mạng lưới phân phối còn hạn chế so với DHG hay TRA.

Trong khi đó, DHG hiện đang sở hữu mạng lưới phân phối rộng lớn và là nhà phân phối của nhiều công ty dược lớn trên thế giới như Merck and Co. và Mega Lifesciences. Trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực thương mại đóng góp đến 18% doanh thu của DHG. Bên cạnh đó, cùng với tiềm năng phân phối sản phẩm cho Taisho tại Việt Nam trong tương lai sẽ khiến DHG phải loại bỏ nhiêu hơn nếu muốn làm theo DMC. Do đó, đây là những vẫn đề khiến ban lãnh đạo DHG phải cân nhắc và chưa tiến hành nới room lên 100%.

Hợp tác với Taisho sẽ cải thiện tăng trưởng của DHG trong dài hạn

Dựa trên cơ sở danh mục sản phẩm hiện tại của DHG, CTCK VCSC không mấy lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của công ty trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường OTC ngày càng gay gắt. Các chiến lược đối phó của DHG, trong đó có đẩy mạnh các sản phẩm bổ sung vitamin và hoạt động xuất khẩu là không mấy thuyết phục vì các thị trường này có tính cạnh tranh cao, trong khi DHG không có lợi thế cạnh tranh nổi bật về mặt sản phẩm.

Tuy vậy, việc Taisho mới đây trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 24,5% cổ phần DHG được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng của DHG.

Theo tìm hiểu, Taisho Pharmaceutical là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu Nhật Bản, chuyên về các loại thuốc không kê đơn và sở hữu nhiều thương hiệu lớn. Tại Đông Nam Á, nước uống tăng lực Lipovitan là sản phẩm phổ biến nhất của công ty.

Các sản phẩm do Taisho sản xuất hoặc phối hợp sản xuất với DHG có tiềm năng lớn vì biên lợi nhuận cao. VCSC cho biết DHG đang lên kế hoạch thành lập liên doanh với Taisho để sản xuất. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa công bố thông tin chi tiết về sản phẩm dự kiến của liên doanh.

Dù vậy, nhiều khả năng DHG sẽ ưu tiên các sản phẩm bổ trợ cho danh mục sản phẩm hiện nay của công ty. Ví dụ, trong danh mục các sản phẩm chính của Taisho, thuốc kháng sinh tiêm Zosyn là một ứng cử viên tốt bởi lẽ DHG từ lâu đã có kế hoạch sản xuất thuốc kháng sinh tiêm, nhưng vẫn chưa thực hiện được do hạn chế về chuyên môn.

Phân phối sản phẩm cho Taisho tại Việt Nam là một yếu tố khác hỗ trợ tăng trưởng, tuy nhiên lợi nhuận nhiều khả năng sẽ không đáng kể. DHG cho biết trong giai đoạn đầu hợp tác, công ty có thể phân phối sản phẩm của Taisho thông qua kênh phân phối của mình. Biên lợi nhuận lĩnh vực thương mại của DHG thường chỉ từ 5-7% nên lợi nhuận phân phối cho Taisho dự kiến không quá cao.

Cũng theo VCSC, DHG còn có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm sang Malaysia và Indonesia thông qua các công ty con của Taisho. Tuy nhiên, việc các công ty trong nước, trong đó có DHG thường gặp khó khi cạnh tranh với các sản phẩm Ấn Độ và Trung Quốc ngay tại Việt Nam khiến VCSC khó có thể tin rằng công ty sẽ thành công trong hoạt động xuất khẩu.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên