Domino’s Pizza sử dụng nguyên liệu quá đát do lỗi kỹ thuật?
Vừa qua người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến việc cửa hàng Domino’s Pizza Nguyễn Tri Phương bị cơ quan chức năng phát hiện “Sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm”.
Theo biên bản kiểm tra cửa hàng Domino’s Pizza ở số 313 Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM ngày 16/3/2016 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế TP.HCM, Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong 25 gói, tương đương 5 kg thịt cua tươi, ở trên nhãn có ghi ngày sản xuất 13/3/2013.
Người tiêu dùng mua hàng tại một cửa hàng Domino’s Pizza.
Thực tế, sản phẩm thịt cua tươi được dùng làm nguyên liệu cắt nhỏ rắc đều trên mặt bánh pizza với thời hạn sử dụng tối đa là ba tháng sau khi sản xuất. Như vậy, nếu theo ngày sản xuất thì đây là sản phẩm đã quá hạn sử dụng.
Vấn đề đặt ra là, thời hạn sử dụng tối đa không quá ba tháng nhưng vì sao trên nhãn mác số sản phẩm nêu trên lại chênh lệch lên đến gần ba năm?
Giải thích về điều này, nhà sản xuất Gia Khang Phát đã có văn bản tường trình và khẳng định rằng: “Một trong những sản phẩm chúng tôi cung cấp cho chuỗi cửa hàng của công ty là sản phẩm thịt cua tươi, mới được bán vào hệ thống các cửa hàng Domino’s Pizza từ tháng 2/2016. Trong đợt giao sản phẩm thịt cua nói trên đến của hàng Domino’s Pizza Nguyễn Tri Phương vào ngày 14/3/2016, số hàng này do sơ suất khi sử dụng dấu đóng ngày sản xuất (dấu sử dụng thủ công, số ngày, tháng, năm tự xoay) nên nhân viên của chúng tôi đã sai sót khi thao tác nên đã đóng nhầm ngày sản xuất trên bao bì sản phẩm là 13/3/2013 thay vì 13/3/2016, nhân viên của của hàng công ty cũng sơ suất khi không kiểm tra tem nhãn trước khi nhập kho dẫn đến sản phẩm này đã bị lập biên bản vi phạm hành chính”.
Ngoài giải trình nêu trên nhà sản xuất Gia Khang Phát và Domino’s Pizza đã cung cấp thêm phiếu mua hàng và phiếu nhận hàng có liên quan trực tiếp về số lượng cua tươi nêu trên.
Mẫu tem cũ của nhà cung cấp thịt cua được đóng dấu hạn sử dụng thủ công (dấu đỏ).
Sau khi sự cố xẩy ra cơ sở cung cấp thịt cua đã bỏ cách đóng thủ công và in trực tiếp vào nhãn hàng hóa.
Theo phiếu mua hàng ngày 12/3/2016, Gia Khang Phát đã mua của cửa hàng Tiên Nữ ở Q.Bình Thạnh có số hóa đơn 160312110925480 với số lượng 100 kg thịt cua (vế cua, đùi cua).
Trong đó, tại bảng kê giao hàng ngày 14/3/2016 giữa Gia Khang Phát với Domino’s Pizza Nguyễn Tri Phương (Q.10) với 12 mặt hàng khác nhau thì có 5kg thịt cua (vế cua, đùi cua).
Ở đây có thể dễ dàng nhận thấy được số thịt cua này mới được Domino’s Pizza Nguyễn Tri Phương nhập về từ nhà sản xuất Gia Khang Phát trước hai ngày khi Đoàn kiểm tra đến làm việc.
Thực tế, ngay sau kiểm tra Gia Khang Phát đã cung cấp toàn bộ giấy tờ liên quan đến cơ sở cung cấp nguyên vật liệu cua đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Giấy chứng nhận số 92/2016 của UBND Q.Bình Thạnh và mẫu thịt cua này đã có kết quả xét nghiệm đạt tiêu chuẩn số BMNM 02/3-LBH03 của Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM.
Có thể thấy rằng, việc nhầm lẫn trong việc đóng dấu ngày sản xuất trên bao bì số lượng hàng cua tươi đã được nhập vào của hàng Domino’s Pizza Nguyễn Tri Phương là hoàn toàn có cơ sở.
Cũng theo phân tích của giới chuyên môn thì thịt cua tươi có thời gian bảo quản rất ngắn nên nếu để thời gian dài đến ba năm thì hoàn toàn không thể có loại thiết bị nào bảo quản còn nguyên vẹn.
Domino’s Pizza là một thương hiệu lớn và uy tín xuất phát tại Hoa Kỳ và hiện đang có hơn 12.500 cửa hàng hiện diện tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam có 24 cửa hàng.
Vì vậy, việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là khuôn mẫu của toàn hệ thống, nhằm bảo vệ sức khỏe cho từng cá nhân khách hàng của thương hiệu trên toàn cầu, mà việc tuân thủ nghiêm túc và đúng đắn các luật lệ của các nước sở tại còn là điều bắt buộc.
Do đó các sản phẩm mua nội địa phải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng của Domino’s Pizza và có sự đồng ý mới được đưa vào sử dụng trong đó có thịt cua tươi với thời hạn sử dụng rất thấp (tối đa là 3 tháng).
Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm Giải khát Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Từ cho biết: “Chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc với nhà cung cấp cũng như xử lý kỷ luật nhân viên công ty chúng tôi về sai sót tai hại này. Đây chỉ là lỗi sai sót trong việc kiểm tra ngày sản xuất đối với lô hàng nhập vào kho trước khi chế biến”.
Được biết, Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nêu trên vừa qua cũng chỉ xử phạt hành chính về lỗi trên nhãn mác hàng hóa đối với cửa hàng Domino’s Pizza Nguyễn Tri Phương chứ không xử phạt về chất lượng sản phẩm và cũng không mở sản phẩm ra kiểm nghiệm tại chỗ hoặc niêm phong đưa hàng hóa đi xét nghiệm vi sinh.
Người Tiêu dùng