MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đòn bẩy từ cao tốc

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Biên Hòa – Vũng Tàu sau khi đưa vào khai thác không chỉ góp phần giảm tải cho các tuyến quốc lộ 1A, 51 mà còn tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương như Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và liên vùng.

Thúc đẩy kinh tế - xã hội

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99 km, kết nối hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, đi qua địa phận các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận và các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai. Được khởi công vào cuối tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, công trình có quy mô 6 làn xe, hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối tháng 4/2023. Theo ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, sau khi đưa vào khai thác, cao tốc này rút ngắn 50% thời gian di chuyển từ TPHCM đi Phan Thiết và ngược lại (hiện nay chỉ còn mất hơn 2 giờ).

Đòn bẩy từ cao tốc- Ảnh 1.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2023 địa phương có 2 tuyến cao tốc là Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi vào hoạt động, đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội. Với vị trí cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đi qua cửa ngõ hơn 20 triệu dân như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... việc có tuyến cao tốc Bắc - Nam xuyên qua sẽ tạo nên thị trường rất năng động. Riêng với Bình Thuận, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tạo ra cơ hội để tỉnh tiếp cận thị trường rộng lớn TPHCM, cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư quan tâm tới Bình Thuận, phát triển lĩnh vực dịch vụ thương mại, du lịch, đô thị nhà ở…

Theo ông Minh, Bình Thuận đã nhìn thấy cơ hội từ tuyến cao tốc và chuẩn bị từ trước. Để phát huy lợi thế và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã quy hoạch lại không gian ven biển để phát triển bài bản hơn. Bình Thuận nâng cấp, mở rộng tuyến đường 719 ven biển chạy song hành với đường 719B đoạn TP Phan Thiết đi Kê Gà với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, đồng thời đẩy mạnh những loại hình du lịch đang có sức hấp dẫn du khách như du lịch thể thao biển, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe, thể thao bãi biển…

Đòn bẩy từ cao tốc- Ảnh 2.

Ngành du lịch tỉnh Bình Thuận hưởng lợi lớn từ tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Hai tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi vào hoạt động tạo điều kiện cho du lịch Bình Thuận tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2023, lần đầu tiên Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022, trở thành một trong 9 tỉnh, thành có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, cả tỉnh đón 4.585.000 lượt khách, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 11.832 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Hoạt động vận tải cũng khởi sắc khi đạt 7,8 triệu hành khách (tăng gần 20% so với cùng kỳ), doanh thu đạt hơn 735 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2023).

Là một trong những địa phương hưởng lợi từ đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, công trình không chỉ giúp giảm tải áp lực về ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1A mà còn là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng của địa phương. Đón “sóng” cao tốc, huyện Xuân Lộc đã đưa vào quy hoạch sử dụng đất các khu vực hồ Núi Le và hồ Gia Ui để mời gọi đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái. Huyện cũng đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai cho cập nhật vào quy hoạch vùng dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu vực núi Chứa Chan và đang mời gọi đầu tư hạ tầng các dự án công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp Xuân Lộc (mở rộng 166 ha), Cụm Công nghiệp Xuân Hưng (mở rộng 63 ha)…

Mở ra nhiều cơ hội phát triển

Hiệu quả cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đem lại khiến niềm mong mỏi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1 sớm về đích của người dân hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu càng trở nên mãnh liệt hơn. Bởi lẽ: Quốc lộ 51, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai là tuyến đường độc đạo từ Đồng Nai đi Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên quá tải, ùn tắc giao thông. Trong đó nghiêm trọng nhất là tại nút giao quốc lộ 51 - đường Ngô Quyền (TP. Biên Hòa), nút giao 25B và điểm giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đòn bẩy từ cao tốc- Ảnh 3.

Một đoạn cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã thành hình

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km (qua tỉnh Đồng Nai 34,2 km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km), đầu tư theo quy mô đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô giai đoạn 1 từ 4 - 6 làn xe và giai đoạn hoàn thiện từ 6 - 8 làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án gần 18.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16 km, do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản với tổng mức đầu tư 6.012 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài hơn 18 km, do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 6.852 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km, do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản có tổng mức đầu tư 4.964 tỷ đồng.

“Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 1, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ…”

Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Dự án đã khởi công xây dựng vào ngày 18/6/2023 và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2026. Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc này, thời gian chạy xe từ TPHCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ rút ngắn còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay. Công trình sau hoàn thành sẽ kết nối các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành (đang triển khai) và các tuyến đường nối vào sân bay Long Thành hình thành một trục giao thông xương sống giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 51. Ngành công nghiệp không khói vốn là thế mạnh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được dự báo sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Quan trọng hơn, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sau khi hoàn thành sẽ giải quyết bài toán giao thông liên vùng, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp,

Theo một số chuyên gia, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hoàn thành sẽ kết nối với các cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; Dầu Giây – Phan Thiết; Bến Lức – Long Thành phát huy tối đa tiềm năng của cụm cảng biển, các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tứ giác TPHCM - Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu – Bình Thuận và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.


Theo Huy Thịnh - Duy Quang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên