MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn dập đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, Licogi 16 suy tính điều gì?

Việc cổ phiếu LCG tăng mạnh trong thời gian qua bên cạnh yếu tố kết quả kinh doanh tích cực còn có thể đến từ kỳ vọng của giới đầu tư về những dự án mới trong ngành năng lượng tái tạo mà công ty sắp triển khai.

Theo báo cáo KQKD năm 2018, CTCK Licogi 16 (LCG) ghi nhận doanh thu 2.509 tỷ đồng, tăng 66%; Lợi nhuận sau thuế 179 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LCG đã tăng khá mạnh và hiện đang xoay quanh vùng 11.000 đồng/cp, mức cao nhất trong nhiều năm qua (tính theo giá điều chỉnh).

Việc cổ phiếu LCG tăng mạnh trong thời gian qua bên cạnh yếu tố kết quả kinh doanh tích cực còn có thể đến từ kỳ vọng của giới đầu tư về những dự án mới trong ngành năng lượng tái tạo mà công ty sắp triển khai.

Dồn dập đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, Licogi 16 suy tính điều gì? - Ảnh 1.

Biến động cổ phiếu LCG trong 3 năm qua

Những hợp đồng mới

Mới đây, CTCP Đầu tư Năng lượng tái tạo Licogi 16 Gia Lai, công ty con của Licogi 16 đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN với kế hoạch phát điện block đầu tiên vào tháng 5/2019.

Doanh nghiệp này cho rằng, đây sẽ là tiền đề để tham gia tiếp vào một loạt các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió trong thời gian sắp tới. Có thể kể đến các dự án kế hoạch ở tương lai gần của Licogi 16 như: Giai đoạn 2 của dự án điện mặt trời Chư Ngọc (năm 2021) với công suất 25MWp; Dự án nhà máy điện mặt trời Nhơn Hải 35MWp tại Tỉnh Ninh Thuận, khởi công vào tháng 7/2019; Dự án điện gió Hướng Hóa 1, công suất 48MWp; Điện gió Hướng Hóa 2, công suất 48MWp ở Quảng Trị với tiến độ đầu tư trong giai đoạn từ quý 2/2019 đến quý 3/2021.

Không dừng lại ở đó, Licogi 16 cũng đầu tư 4 dự án Nhà máy điện gió tại Gia Lai, công suất mỗi dự án là 50MW, tiến độ đầu tư trong giai đoạn từ quý 3/2019 - quý 4/2021. Tổng công suất Licogi 16 hoạch định triển khai năng lượng tái tạo để nối lưới lên đến 370MWp với tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, dự án Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc - EVNLICOGI 16 (gọi tắt là Chư Ngọc) được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch vào lưới điện tỉnh Gia Lai vào ngày 24/12/2018 với công suất là 40MWp, trong đó giai đoạn 1 đầu tư 15MWp vào năm 2019, giai đoạn 2 là 25 MWp dự kiến đầu tư vào cuối năm 2020 sau khi lưới điện truyền tải của khu vực được nâng cấp (bằng đường dây  110kV Sơn Hoà - Phú Yên). Dự án được đấu nối vào TBA 110kV Krông Pa bằng đường dây 22kV dài 7,8km.

Chư Ngọc giai đoạn 1 có công suất 15MWp sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 22 triệu kWh trong năm đầu tiên. Licogi 16 Gia Lai nhận quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai xây dựng từ tháng 01/2019.

Dồn dập đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, Licogi 16 suy tính điều gì? - Ảnh 2.

Dự án Chư Ngọc đã hoàn tất 65% công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị

Nắm bắt cơ hội?

Vốn là một tên tuổi lớn trong ngành xây dựng công trình, hạ tầng công nghiệp và phát triển bất động sản, Licogi 16 từng trải qua một cơn suy thoái, nhưng hơn 2 năm qua, doanh nghiệp đã hồi sinh và có một một bức tranh tươi sáng hơn trong hoạt động kinh doanh với việc hoàn thiện mô hình Holdings tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, tiện ích ngành nước, xây dựng dân dụng – công nghiệp và bất động sản.

Riêng đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, vào tháng 4/2018, Licogi 16 đã thành lập CTCP Đầu tư Năng lượng tái tạo Licogi 16 với phần vốn góp lên đến 98%. Doanh nghiệp này cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư với 2 mục tiêu.

Thứ nhất, để gia tăng nguồn việc cho chính doanh nghiệp từ hoạt động xây dựng ngành điện. Thứ hai, đó cũng là động thái để nắm bắt cơ hội của làn sóng đầu tư vào các dự án điện mặt trời khi Chính phủ đưa ra các cơ chế khuyến khích đầu tư loại hình này trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch hay thủy điện ngày càng cạn kiệt.

Doanh nghiệp đánh giá, giai đoạn 2010 – 2030, nhu cầu điện ở Việt Nam tăng thêm 10% mỗi năm. Mục tiêu quy hoạch điện vào năm 2020 Việt Nam đạt 265 kWh, và đến năm 2030 đạt 572 kWH. Với nhu cầu điện như vậy, nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2018-2019 là rất lớn.

Đối với lĩnh vực năng lượng mặt trời, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời ở Việt Nam, trong đó có ưu đãi về vốn và thuế; ưu đãi về đất cũng như cơ chế hỗ trợ về giá bán điện là 9,35 UScents/kWh với thời hạn của hợp đồng là 20 năm cùng với các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi khác có hiệu lực đến ngày 30/06/2019.

Hiện tại, dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến. Đáng chú ý, tại Dự thảo Quyết định, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến ngày 30/6/2020 với mức giá hấp dẫn.

Cụ thể, mức giá điện mặt trời vùng 1 đối với dự án điện mặt trời nổi, dự án điện mặt trời mặt đất và dự án điện mặt trời mái nhà (mô hình hộ kinh doanh bán điện và hộ tiêu thụ điện) dao động từ 9,18 - 9,85 UScent/kWh/h (tương đương từ 2.095 - 2.448 đồng/kWh); vùng II từ 7,89 - 8,47 UScent/kWh (tương đương từ 1.802 - 1.933 đồng/kWh; vùng III từ  6,94 - 8,99 UScent/kWh (tương đương 1.697 - 2.052 đồng/kWh).

Biểu giá này sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần trong giai đoạn từ 1/7/2020 đến ngày 30/6/2021. Theo kế hoạch, Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019.

LCG cho biết, cơ cấu doanh thu xây dựng ngành điện trong tổng doanh thu của công ty dự kiến tăng từ 2% năm 2016 lên 18% năm 2020.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên