Đón đầu nhu cầu cao, 3 “ông lớn” ngành xây dựng rót 2.423 tỷ đồng xây nhà máy kính nổi siêu trắng
Dự án được xây dựng tại KCN Phú Mỹ II mở rộng, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giai đoạn 1 vừa được động thổ xây dựng vào sáng 24/7/2017 với công suất 600 tấn/ngày và có tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng.
Theo đại diện Viglacera, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Kính nổi Siêu trắng Phú Mỹ, được góp vốn bởi 3 đại gia trong ngành xây dựng gồm Tổng Công ty Viglacera, Công ty Tập đoàn khoa học kỹ thuật Khải Thịnh (CTIEC, Trung Quốc) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).
Điều đó cho thấy, không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh vật liệu xây dựng truyền thống, kinh doanh bất động sản nhà ở và khu công nghiệp, Viglacera còn đang mở rộng đầu tư mạnh mẽ sang lĩnh vực vật liệu công nghệ cao, chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực và uy tín của mình.
Ông Đỗ Việt Phương - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kính nổi Siêu trắng Phú Mỹ, cho biết dự kiến sau 18 tháng, thành phẩm kính nổi siêu trắng của Cty TNHH kính nổi siêu trắng Phú Mỹ sẽ được đưa ra thị trường với các sản phẩm kính nổi siêu trắng, kính xây dựng chất lượng cao, độ dày từ 3-19mm, phù hợp yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu để sản xuất pin năng lượng mặt trời.
Khi được hỏi vì sao lại đầu tư nhà máy kính siêu trắng ở thời điểm này? Đại diện Tổng Viglacera cho biết, lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ tái tạo đang được Chính phủ rất ưu tiên phát triển, đặc biệt khi chúng ta tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do. Trong đó, có ngành công nghiệp năng lượng mặt trời.
Hiện ở Việt Nam, đã có nhiều tập đoàn nước ngoài vào đầu tư sản xuất ở lĩnh vực này. Chỉ riêng ở Bắc Giang, năm 2014 và 2015 đã có 2 công ty chuyên lắp ráp modul pin năng lượng mặt trời, với nhu cầu sử dụng kính siêu trắng khoảng 15 triệu m2/năm, cụ thể: Công ty TNHH Vina solar Việt Nam (Khu công nghiệp Vân Trung - Việt Yên), có vốn đầu tư: 60 triệu USD, với công suất 10 triệu sản phẩm/năm, tương đương với cầu kính siêu trắng khoảng 12 triệu m2/năm và Công ty TNHH khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời BOVIET (Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng), có vốn đầu tư: 50 triệu USD, với nhu cầu kính siêu trắng hiện tại khoảng 4 triệu m2/năm.
Trong khi đó, trong nước lại chưa có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng nhu cầu kính siêu trắng cho lĩnh vực sản xuất pin mặt trời, mà chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Hiện chỉ có nhà máy kính Float VGI của công ty kính nổi Nippon - Nhật Bản sản xuất kính siêu trắng để xuất khẩu hoàn toàn.
Vì thế, theo dự báo của những giới kinh doanh xây dựng, đây chính là cơ hội để các sản phẩm cấu thành nên modul pin năng lượng mặt trời, trong đó có kính siêu trắng phát triển.
Quy mô nhà máy kính siêu trắng Phú Mỹ (ảnh Viglacera)
Đây cũng là lý do Viglacera đã cùng hợp tác với 2 đối tác trên, rót nghìn tỷ để xây nhà máy kính siêu trắng tại Vũng Tàu để đón đầu cơ hội. Ngoài ra, việc sản xuất kính siêu trắng ở Việt Nam cũng sẽ có lợi thế hơn so với các nhà máy ở Trung Quốc, bởi được ưu đãi về thuế xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á hơn.
Vì thế, những nhà máy kính siêu trắng ở Việt Nam không những xuất khẩu cho các tập đoàn pin năng lượng mặt trời ở Đông Á mà còn có thể xuất khẩu trực tiếp tới các thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Úc, Nhật…khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Nhà máy kính siêu trắng Phú Mỹ được xem là nhà máy đầu tiên do các doanh nghiệp trong nước xây dựng. Nguyên liệu cung cấp cho việc sản xuất là cát silic ở Cam Ranh có trữ lượng mỏ 5,2 triệu tấn, sản lượng hiện tại 26.000 tấn/tháng. Nhà máy này đặt tại KCN Phú Mỹ do IDICO làm chủ đầu tư, thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp nặng như luyện kim, hóa dầu, sản xuất vật liệu xây dựng,...KCN cách thành phố Hồ Chí Minh và sân bay Tân Sơn Nhất 75 km, cách ga đường sắt Biên Hòa 50 km.
Ông Đỗ Việt Phương cho biết, khu công nghiệp đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, đáp ứng yêu cầu nước thải của nhà máy. Trong quá trình xây dựng và sản xuất, Dự án sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, có thể đảm bảo các loại chất thải đạt tiêu chuẩn thải ra theo đúng quy định, không gây nguy hại cho môi trường xung quanh. Sau khi thực hiện dự án này, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động, tạo thêm các ngành nghề liên quan tại địa phương phát triển, đem lại lợi ích cho xã hội
Chính phủ đã qui hoạch ngành kính và định hướng phát triển đến năm 2030 sẽ hạn chế đầu tư phát triển các loại kính thông thường, tập trung phát triển các loại sản phẩm kính cao cấp, đặc chủng mang giá trị gia tăng cao như kính tiết kiệm năng lượng, kính dùng cho pin năng lượng mặt trời. Trên cơ sở dự báo tăng trưởng kính xây dựng 6,5-7%, dự báo nhu cầu kính xây dựng tại Việt Nam đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 165 triệu m2/năm.
Nhịp sống kinh tế