MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đón đầu việc thay thế xăng A92 bằng xăng E5, Licogi 16 công bố tái khởi động dự án Ethanol Bình Phước

17-09-2017 - 09:28 AM | Doanh nghiệp

Dự án Ethanol Bình Phước cùng với Ethanol Phú Thọ và Ethanol Dung Quất là 3 trong số 12 dự án thua lỗ trọng điểm của ngành công thương.

Ngày 15/6, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần LICOGI 16 (HOSE: LCG) - một trong 3 cổ đông lớn của Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF) vừa cho biết sẽ tái khởi động nhà máy Ethanol Bình Phước.

Trong năm 2017, Licogi 16 sẽ tham gia thi công các công việc hoán cải, sửa chữ giai đoạn 1 bằng tất cả khả năng nhằm đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Được biết, OBF được thành lập năm 2009 với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) góp 51% và Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản góp 49% vốn thành lập nhằm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Năm 2010, sau khi dự án vừa hoàn thành nghiên cứu khả khi, Licogi 16 đã mua lại 22% cổ phần OBF từ PVOil. Tháng 2/2012, Nhà máy được hoàn thành và tiến hành chạy thử nhưng chỉ một thời gian ngắn phải ngừng vận hành do không có thị trường tiêu thụ.

Theo HĐQT Licogi 16, quyết định này được đưa ra theo Chủ trương thay thế xăng khoáng A92 (RON92) bằng xăng sinh học E5 của Bộ Công thương từ ngày 1-1-2018. Hiện cả nước có 7 nhà máy nhiên liệu sinh học, nhưng phần lớn đã tạm dừng sản xuất. Dự án Ethanol Bình Phước cùng với Ethanol Phú Thọ và Ethanol Dung Quất là 3 trong số 12 dự án thua lỗ trọng điểm của ngành công thương.

Trong 3 năm 2010-2012, Licogi 16 đã góp tổng cộng 116,5 tỷ đồng trên 123,5 tỷ đồng (tương ứng 22% vốn góp) cam kết góp vốn vào OBF. Số vốn còn lại, HĐQT Licogi cho biết, sẽ góp phần vốn còn lại chậm nhất vào ngày 15/05/2018.

Với việc nhà máy ngừng hoạt động, LCG đã trích lập dự phòng 98 tỷ đồng cho dự án này, góp phần vào khoản lỗ năng 306 tỷ đồng năm 2013. Đến báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017 của Licogi cho thấy, khoản dự phòng giảm giá đầu tư tại OBF đã là 123,5 tỷ đồng.

Hiện tại, Licogi đang nắm 22% vốn tại OBF, 2 cổ đông lớn khác của OBF bao gồm PVOil sở hữu 29% vốn, trong khi đó Công ty Toyo Thai New Energy (TTNE), một thành viên của Công ty TNHH Public Toyo Thai (TTCL) đã nhận chuyển nhượng 49% vốn của OBF do Tập đoàn ITOCHU của Nhật Bản sở hữu từ tháng 9/2014.

Theo tin từ Petro Vietnam công bố cuối tháng 8/2017, sau chuyến khảo sát làm việc của Tổ công tác tại OBF với cổ đông chính của dự án là Công ty Toyo Thái Lan với cổ đông Licogi 16 ngày 19-20/7/2017, PVOil đã phối hợp với chủ đầu tư dự án Bình Phước - OBF rà soát, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy với mục tiêu khởi động, vận hành nhà máy từ 1/1/2018 và làm việc với công ty Tùng Lâm rà soát tìm giải pháp tiết giảm giá thành nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo đó, trong năm 2018, PVOil và các cổ đông khác sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn lưu động phục vụ sản xuất cho OBF, tương đương tối đa 91.3 tỷ đồng bằng cách ứng trước tiền mua sản phẩm E100 của OBF và làm việc với nhà cung cấp để ứng trước nguyên liệu sắn lát đáp ứng yêu cầu sản xuất...

Đối với Licogi 16, hoạt động kinh doanh của Công ty này đang có sự phục hồi sau giai đoạn thua lỗ nặng năm 2013. Kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, Licogi 16 đạt mức doanh thu hợp nhất 503 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 55 tỷ đồng, mức cao nhất từ năm 2012 đến nay. Giá cổ phiếu LCG trên thị trường đã bật tăng mạnh trên 200% kể từ đầu năm 2017.


Diễn biến cổ phiếu LCG trong vòng 1 năm

Diễn biến cổ phiếu LCG trong vòng 1 năm

Hoàng Trung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên