Đôn đốc BIDV và Vietinbank nộp cổ tức vào NSNN là đúng quy định pháp luật
"Việc Bộ Tài chính có đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo BIDV, Vietinbank trả cổ tức bằng tiền mặt và nộp toàn bộ cổ tức vào ngân sách nhà nước (NSNN) là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng- Bộ Tài chính khẳng định khi trao đổi với báo giới.
- 13-06-2016Điều gì xảy ra nếu Bộ Tài chính không thu 4.700 tỷ đồng cổ tức của BIDV và VietinBank
- 09-06-2016Kể cả ngân sách không gặp khó, Bộ Tài chính vẫn phải thu cổ tức BIDV và VietinBank
- 09-06-2016Tranh cãi “nảy lửa” việc chia cổ tức của BIDV và Vietinbank: Ai sẽ quyết định?
- 07-06-2016Bộ Tài chính yêu cầu VietinBank và BIDV thực hiện đúng quy định của pháp luật
PV: Thưa ông, vừa qua Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại 2 ngân hàng này vào NSNN. Ông có thể cho biết, đề nghị này của Bộ Tài chính có đúng với quy định pháp luật hiện hành hay không?
Ông Nguyễn Hoàng Dương: Tôi khẳng định rằng, việc Bộ Tài chính có đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại mà cụ thể là BIDV và Vietinbank trả cổ tức bằng tiền mặt và nộp toàn bộ cổ tức vào NSNN là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có quy định rằng, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có quyền yêu cầu doanh nghiệp trả lợi nhuận từ cổ tức được chia tương ứng với phần vốn Nhà nước được chia tại DN. Thứ hai, cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong trường hợp này là Ngân hàng Nhà nước, thì được quyền yêu cầu người đại diệnphần vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ trên.
Còn theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20-7-2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định: “Việc phân chia phần lợi nhuận còn lại do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định. Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông”.
Điều này liệu có gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà cụ thể là các ngân hàng thương mại hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Dương: Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì xây dựng Đề án Nâng cao năng lực tài chính đối với các ngân hàng thương mại nhà nước. Chúng tôi hình dung rằng, trong Đề án này sẽ có tổng thế các giải pháp để nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng. Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xây dựng và triển khai Đề án này theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thưa ông, vậy đề xuất này của Bộ Tài chính có phải xuất phát từ thực tế thu ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn? Sắp tới, việc này có được mở rộng ra các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác hay không?
Ông Nguyễn Hoàng Dương: Căn cứ vào quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Quốc hội đã phê duyệt Nghị quyết thu ngân sách nhà nước năm 2016. Cụ thể, con số thu ngân sách nhà nước trong năm nay là 1.014.500 tỷ đồng, trong đó có 55.000 tỷ đồng là thu từ cổ tức các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước, bao gồm cả các ngân hàng thương mại có vốn chủ sở của Nhà nước.
Chính vì vậy, việc yêu cầu BIDV, Viettinbank và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước nộp cổ tức bằng tiền mặt vào NSNN là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và để đảm bảo được dự toán thu ngân sách do Quốc hội giao.
Vừa qua, Thủ tướng cũng đã có Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 3-6-2016 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2016. Trong đó, Chỉ thị đã yêu cầu thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN phần lợi nhuận sau thuế và cổ tức được chia tương ứng với phần vốn của Nhà nước sau khi trích lập dự phòng các quỹ theo quy định pháp luật; đồng thời, không được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ.
Còn trên thực tế, kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước trong 5 tháng đầu năm 2016 mới đạt khoảng 39,1% dự toán, do tác động của các yếu tố khách quan như: Giá dầu thô giảm, cắt giảm thuế theo các hiệp định thương mại... Chúng tôi cũng đánh giá rằng, con số thu ngân sách như trên có một phần nguyên nhân do tiến độ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước thấp. Theo thống kê chúng tôi, số thu này mới đạt khoảng hơn 25% dự toán.
Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 22 về các giải pháp thu, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đôn đốc toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn sở của nhà nước, trong đó có cả các ngân hàng thương mại, không riêng gì BIDV và Vietinbank phải nộp toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại và cổ tức vào NSNN.
Xin cảm ơn ông!
Hải quan