MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đón du khách Trung Quốc trở lại - Bài cuối: Việt Nam làm gì để đón cơ hội?

Đón du khách Trung Quốc trở lại - Bài cuối: Việt Nam làm gì để đón cơ hội?

Sau một tháng Trung Quốc mở cửa cho người dân đến du lịch Việt Nam, số du khách Trung Quốc tới Việt Nam chưa đạt kỳ vọng nhưng lãnh đạo Tổng cục Du lịch tin tưởng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và sau đó nữa, lượng khách Trung Quốc sẽ tăng nhanh.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tháng 3/2023, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 895.425 lượt khách, giảm 4% so với tháng 2. Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I đạt 2.699.556 lượt khách.

Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật, Malaysia, Đài Loan, Singapore, Campuchia, Úc.

Các thị trường có lượng khách tăng so với tháng 2/2023 là: Hong Kong (tăng 58,8%), Singapore (tăng 36,8%), Nhật (tăng 28,5%), Bỉ (tăng 27,1), Trung Quốc (tăng 26%), Malaysia (tăng 23%), Tây Ban Nha (tăng 18,3), Indonesia (tăng 17,2%), Italia (tăng 16%), Đức (tăng 13,3%).

Lượng khách du lịch nội địa tháng 3/2023 ước đạt 7,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 5,0 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa trong quý I đạt 27,7 triệu lượt khách.

Tổng thu từ khách du lịch 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 132.700 tỷ đồng.

Khách Trung Quốc chưa được như kỳ vọng

Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết hiện chưa có con số thống kê lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam sau một tháng mở cửa (15/3). Tuy nhiên, trong tháng 3, thị trường khách Trung Quốc đến Việt Nam là 69.329 lượt khách (tăng 26% so với tháng 2 là 55.029 lượt khách).

"Đây là con số chưa được như kỳ vọng mà nhiều doanh nghiệp, địa phương đã có dịp phản ánh. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và thời gian sau đó, lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam chắc chắn sẽ tăng", ông Hà Văn Siêu nói.

Đón du khách Trung Quốc trở lại - Bài cuối: Việt Nam làm gì để đón cơ hội? - Ảnh 1.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tặng quà cho những vị khách Trung Quốc đầu tiên vào Việt Nam khi Trung Quốc mở cửa cho người dân đi du lịch theo đoàn. Ảnh:

Nói về nguyên nhân người Trung Quốc 'rụt rè' đi du lịch sau khi mở cửa, theo vị lãnh đạo Tổng Cục du lịch, sau 3 năm đóng cửa do COVID-19, kinh tế khó khăn, người dân Trung Quốc cũng dè dặt chi tiêu hơn nên hầu hết đều đi du lịch trong nước, kể cả những người giàu có.

Hiện, ngành du lịch nội địa Trung Quốc đang hưởng lợi lớn từ xu thế này, thời gian tới sẽ khi tình hình ổn định thì xu hướng xuất ngoại du lịch của họ sẽ có thay đổi.

Để tiếp tục thu hút khách Trung Quốc, ông Siêu cho rằng, ngay khi Trung Quốc mở cửa từ 8/1/2023, Tổng cục Du lịch ở nhiều diễn đàn đều định hướng địa phương và doanh nghiệp phải đổi mới trong đón tiếp và phục vụ đón khách quốc tế, nhất là khách Trung Quốc, vốn là thị trường trọng điểm.

Sau COVID-19 xu hướng, nhu cầu đi du lịch đã thay đổi nên ta phải chủ động tính toán đón phân khúc thị trường khách cao cấp hơn, ứng dụng công nghệ để khai thác dữ liệu nhằm nắm bắt nhu cầu thực của khách, từ đó có sản phẩm và dịch vụ phù hợp, hiểu khách để phục vụ tốt hơn.

Theo ông Siêu, doanh nghiệp cần tính đến sự đa dạng hóa sản phẩm để khai thác nhu cầu còn tiềm ẩn, bởi có nhiều nhu cầu trước đây chúng ta chưa chạm tới được. Chúng ta chủ yếu trước đây mới giải quyết nhu cầu ăn ở, đi lại, mua sắm chưa quan tâm nhiều tới những dịch vụ như giải trí, thể thao, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và đặc biệt du lịch MICE - hội nghị, hội thảo.

"Có như vậy khách quốc tế đến Việt Nam sau đại dịch tuy số lượng chưa tăng nhanh nhưng hoạt động du lịch, thu từ du lịch phải tăng lên bằng cơ cấu sản phẩm dịch vụ mới, đa dạng và chất lượng. Thị trường khách Trung Quốc rất lớn nhưng Việt Nam mới chạm vào một góc mà thôi, còn nhiều phân khúc cao cấp chưa khai thác được nhiều", ông Siêu phân tích.

Các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chủ động hơn nữa, phải làm việc với đối tác lớn của Trung Quốc để đón khách, tránh thụ động khi họ gửi khách đến mình chỉ là "bàn tay nối dài". Mỗi địa phương, doanh nghiệp cần phát huy chiến lược, bản sắc riêng. Khi khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch với số lượng lớn, địa phương cần chủ động phương án quản lý điểm đến an toàn, an ninh, giãn khách ở các dịp cao điểm cuối tuần, kỳ nghỉ để tránh quá tải cục bộ.

"Kế hoạch quảng bá, xúc tiến được xây dựng từ đầu năm 2023, trong đó có riêng nội dung dành cho thị trường Trung Quốc. Tổng cục Du lịch từng ký kết hợp tác với 7 địa phương Trung Quốc, vì thế chúng tôi sẽ nối lại chương trình hợp tác này, tiến hành các hoạt động xúc tiến, hợp tác hai chiều, trong đó có sự kiện lớn là Hội chợ du lịch Bắc Kinh vào tháng 6/2023. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch cũng định hướng cho các doanh nghiệp mở rộng quảng bá trên các mạng xã hội, nền tảng số thịnh hành của Trung Quốc", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thông tin.

Để chuẩn bị tốt cho việc đón khách du lịch Trung Quốc thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan đưa ra các chính sách, quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi về visa, thủ tục nhập cảnh, đi du lịch Việt Nam bằng đường bộ, đường không và đường thủy, đặc biệt là đối với các địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc và giàu tiềm năng du lịch như tỉnh Quảng Ninh. Kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn, đặc biệt là những sân bay, thành phố trước đây là những trạm trung chuyển khách Trung Quốc đến Việt Nam sôi động nhất.

Cũng chia sẻ với Nhadautu.vn , PGS-TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho rằng Việt Nam cần rà soát tất cả những gì chưa phù hợp với đặc điểm thị trường Trung Quốc, từ đó cung cấp những dịch vụ, sản phẩm đón khách phù hợp hơn.

"Nói đơn giản, nếu khách ào ào qua nhưng chúng ta chưa chuẩn bị tốt, khai thác sẽ không hiệu quả. Chúng ta phải thiết kế, xây dựng được sản phẩm, dịch vụ du khách họ cần. Chúng ta mong muốn đón bắt cơ hội này, bứt tốc thì không còn cách nào, phải chuẩn bị thật kỹ để "đón khách đến nhà", vị chuyên gia nói.

Cũng theo ông, thị trường Trung Quốc có rất nhiều phân khúc khách khác nhau. Các doanh nghiệp cần xác định nhắm tới phân khúc nào, khi xác định rõ được vấn đề này thì sẽ có sự chuẩn bị phù hợp với phân khúc đó. Ngoài ra cũng cần xây dựng đa dạng dịch vụ sản phẩm để có thể đón khách quay lại nhiều lần.

Việt Nam có sức hút to lớn với du khách Trung Quốc

Mới đây, tại cuộc làm việc Tổng cục Du lịch về công tác chuẩn bị và các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách hai nước, ông Thôi Đông Minh, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho hay sau 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Chính phủ Trung Quốc đã từng bước điều chỉnh chính sách và bắt đầu khởi động lại du lịch, áp dụng chương trình thí điểm tổ chức tour du lịch theo nhóm cho nhân dân Trung Quốc sang các nước hữu nghị trong đó có Việt Nam.

Năm 2019, lượng du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đạt 150 triệu lượt, trong đó có hơn 5 triệu lượt du khách tới Việt Nam. "Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc, sở hữu nền văn hóa, phong tục tập quán tương đồng cùng phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Việt Nam có một sức hút to lớn và là một trong những điểm đến yêu thích đối với du khách Trung Quốc", Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc chia sẻ.

Đón du khách Trung Quốc trở lại - Bài cuối: Việt Nam làm gì để đón cơ hội? - Ảnh 2.

Với cơ hội tiếp cận một thị trường đông dân như Trung Quốc, mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 của Việt Nam dễ thành hiện thực hơn. Ảnh: Thành Vân.

Để đảm bảo du khách Trung Quốc tới Việt Nam du lịch an toàn, thoải mái cũng như tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, hữu nghị, chất lượng cao, Đại sứ quán Trung Quốc mong muốn Việt Nam tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động du lịch lữ hành, có các chương trình nâng cao kỹ năng phục vụ, ngôn ngữ cho các hướng dẫn viên du lịch và lực lượng lao động trong ngành.

Đồng thời xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, rà soát thường xuyên dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm cho du khách, thêm ngôn ngữ Trung Quốc vào các biển cảnh báo tại các khu, điểm du lịch.

Ông Thôi Đông Minh cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin để kịp thời giải quyết những phát sinh xảy ra trong quá trình đi tour của các du khách, đảm bảo quyền lợi cho du khách mỗi nước.

Với cơ hội tiếp cận một thị trường đông dân như Trung Quốc, mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 của Việt Nam dễ thành hiện thực hơn. Tuy nhiên, vẫn cần sự quyết liệt hơn trong các chính sách, trong đó có vấn đề về visa. Các địa phương, doanh nghiệp cũng cần nhanh nhẹn, chủ động hơn.

"Mục tiêu đặt ra như vậy nhưng lưu ý không chạy theo số lượng đơn thuần. Quan trọng nhất vẫn thu lại được bao nhiêu. Để đón cơ hội, nhất thiết phải cơ cấu lại, phục vụ ra phục vụ, thu ra thu. Việt Nam không phải điểm đến theo cách xô bồ. Trong chiến lược phát triển du lịch, chúng ta nêu rõ việc quan tâm nhiều đến chất lượng", PGS-TS. Phạm Trung Lương bày tỏ.

Theo Thắng Quang

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên