MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đón khách từ thị trường tỷ dân: Thiếu nhà hàng chiều 'thượng đế'

24-02-2023 - 08:21 AM | Thị trường

Đà Nẵng đang đẩy mạnh khai thác nguồn khách Ấn Độ, nhưng trên địa bàn lại có rất ít nhà hàng quy mô, đáp ứng các điều kiện để có thể phục vụ những “thượng đế” đến từ thị trường tỷ dân này.

Đầu năm nay, tỉ phú Ấn Độ tổ chức tiệc cưới tại khu nghỉ dưỡng sang trọng ven biển đã phải mang theo hàng chục đầu bếp để nấu tiệc.

Khách đông, ít nhà hàng

Đà Nẵng hiện có 3 đường bay trực tiếp đến các thành phố của Ấn Độ gồm New Delhi, Mumbai và Ahmedabad, mỗi đường bay khai thác 3-4 chuyến/tuần. So với năm 2019 có hơn 16.000 lượt khách, thị trường Ấn Độ hiện nay đã bứt phá với mức tăng trưởng gần 2.5 lần. Đây là 1 trong 5 thị trường khách quốc tế lớn của Đà Nẵng.

Đón khách từ thị trường tỷ dân: Thiếu nhà hàng chiều thượng đế - Ảnh 1.

Một nhà hàng món Ấn tại quận Sơn Trà phải tuyển các đầu bếp từ Ấn Độ sang để phục vụ nhu cầu ăn uống của các “thượng đế” khó tính. Ảnh: Thanh Trần

Các doanh nghiệp du lịch nhìn nhận, Ấn Độ là nguồn khách chi tiêu mạnh tay, lưu trú dài ngày… đem lại nguồn thu tốt. Tuy nhiên Đà Nẵng lại rất ít nhà hàng Ấn Độ có thể phục vụ các đoàn khách, đáp ứng cả về tiêu chuẩn món ăn lẫn quy mô. Ông Lương Văn Trang, Giám đốc khối Inbound, Công ty Du lịch Vietnam Travelmart nêu thực tế Đà Nẵng có ít nhà hàng phục vụ các đoàn khách Ấn Độ, trong đó chỉ một số nhà hàng phục vụ được khoảng 100 khách. Thành thử, những đoàn khách đông đi theo kiểu đại gia đình, công ty… rất ít lựa chọn. Đối với những đoàn khách “đại gia”, như đôi cô dâu chú rể tỷ phú và người thân tới Đà Nẵng làm đám cưới đợt cuối tháng 1 với hơn 500 người, họ mang theo hàng chục đầu bếp riêng cùng nguyên liệu để nấu nướng. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch TP Đà Nẵng cho hay trên địa bàn rất ít nhà hàng Ấn Độ quy mô lớn, do vậy các đoàn khách đông hầu hết phải ăn uống ngay tại khách sạn.

“Người Ấn không chỉ cầu kỳ trong món ăn, mà cách ăn cũng rất đa dạng. Có đoàn dùng thìa, nĩa để ăn, có nhóm ăn bằng tay không. Cũng có đoàn yêu cầu có không gian riêng để ngồi… Để giữ chân du khách được lâu, tôi nghĩ trước hết phải làm họ ngon miệng. Với tình hình khách như hiện nay, tôi sẽ mở thêm một nhà hàng chuyên món Ấn nữa”.

Ông Janardhan chủ nhà hàng Indian Curry-Da Nang

Anh Aarush (45 tuổi, du khách Ấn Độ) chia sẻ trước khi tới Đà Nẵng, anh đã tìm kiếm các nhà hàng chuyên món Ấn, nhưng kết quả lại không nhiều như các nhà hàng chuyên về món Hàn Quốc, Nhật Bản… Để đảm bảo việc ăn uống, anh và các thành viên trong đoàn phải chuẩn bị thức ăn mang theo.

Trong chuyến làm việc của Phó chủ tịch UBND TP Trần Phước Sơn tại Mumbai nhằm đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động hợp tác về đầu tư, du lịch, thực tế thiếu nhà hàng món Ấn cũng được nêu ra. Các doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn thành phố tạo điều kiện để mở thêm nhà hàng ẩm thực Ấn Độ tại Đà Nẵng, giúp các đoàn khách an tâm, nhiều lựa chọn khi tới thành phố.

Cần những bếp Ấn chuyên nghiệp

Ông Janardhan, chủ nhà hàng Indian Curry-Da Nang (quận Sơn Trà) nói rằng thời gian gần đây khách Ấn Độ tới Đà Nẵng rất đông. Nhà hàng của ông với sức chứa 100 người nhiều thời điểm “full” bàn. “Dù đi du lịch, nhưng phần lớn người Ấn tìm đến món Ấn thay vì thưởng thức món ăn Việt Nam. Nhất là những người theo đạo Hồi, đạo Hindu, ăn chay. Nhiều thời điểm, nhà hàng của tôi đông kín khách cả hai tầng, vì chúng tôi đáp ứng đúng yêu cầu của người Ấn”, ông tự tin.

Đón khách từ thị trường tỷ dân: Thiếu nhà hàng chiều thượng đế - Ảnh 2.

Đà Nẵng hiện rất ít nhà hàng Ấn Độ phục vụ các đoàn khách lớn

Ông nói thêm, người Ấn ăn rất cầu kỳ, cẩn trọng, nghiêm túc nên không phải tiện chỗ nào ghé ăn chỗ ấy. Các món cà ri hầu hết phải đưa nguyên liệu từ quê nhà sang, thậm chí mang hạt giống cây lấy lá nấu cà ri sang trồng để nấu đúng vị. Những người theo đạo Hồi, đạo Hindu không ăn thịt heo, thịt bò. Người miền Bắc ăn một kiểu, miền Nam ăn một kiểu, vì vậy quán có tới 4 đầu bếp, mỗi người tuyển từ một vùng miền Ấn Độ sang. Tuy nhiên theo ông, khó chiều nhất là những thực khách đòi nhà hàng phải có chứng nhận Halal (chứng nhận xác nhận rằng các sản phẩm và dịch vụ hướng đến người Hồi giáo) mới dùng bữa. Cũng đồng nghĩa với việc nhập nguyên liệu, nấu nướng rất công phu. “Như tôi tìm hiểu thì ở Đà Nẵng rất hiếm nhà hàng có chứng nhận này, tức là rất hiếm nơi phục vụ được những đoàn khách ăn theo kiểu Halal”, ông nhìn nhận.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay hiện trên địa bàn có hơn 10 nhà hàng chuyên ẩm thực Ấn Độ. Với tình hình khách khả quan, hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều điểm ăn uống phục vụ nguồn khách này, nhất là những bếp ăn chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu ăn uống cầu kỳ, theo tín ngưỡng của người Ấn. Đây cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân du khách.

Trong khi đó, bà Hoài An cho biết Trung tâm xúc tiến du lịch thường xuyên thông tin đến người dân, doanh nghiệp tại Đà Nẵng cũng như Ấn Độ về tình hình du khách Ấn Độ, những dấu hiệu khả quan, thực trạng còn thiếu nhà hàng. Từ đó các cá nhân, doanh nghiệp có thể nắm bắt thực tế, lên kế hoạch mở thêm nhà hàng phục vụ thị trường đầy tiềm năng này…

Theo Thanh Trần

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên