Đón làn sóng đầu tư từ Mỹ
Đang có hàng ngàn tỉ USD từ các nhà đầu tư Mỹ chờ đợi để rót vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
- 18-03-2023Kon Tum tích cực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
- 15-03-2023Hàn Quốc đầu tư hơn 81 tỷ USD vào Việt Nam: Lĩnh vực nào được rót vốn nhiều nhất?
- 15-03-2023Thủ tướng thành lập 5 Tổ công tác gỡ khó, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Một phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp (DN) Mỹ sẽ sang Việt Nam từ ngày 21 đến 23-3 để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hằng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức.
Nhiều tên tuổi lớn
Theo báo chí nước ngoài, trong số này có nhiều tên tuổi quen thuộc, đều có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng, bao gồm Apple, Coca-Cola và PepsiCo, Netflix... Ngoài ra còn có SpaceX của tỉ phú Elon Musk cũng đang tìm kiếm thị trường dịch vụ internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Trong đoàn còn có các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn, những tập đoàn dược phẩm lớn như Pfizer và Johnson & Johnson, thiết bị y tế Abbott, dịch vụ tài chính Visa và CitiBank, các công ty internet và dịch vụ đám mây Meta và Amazon Web Services...
Một DN lớn khác cũng tham gia chuyến làm việc lần này là Tập đoàn Boeing. Là tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới, Boeing phát triển, sản xuất và bảo trì máy bay thương mại, các sản phẩm quốc phòng và hệ thống hàng không vũ trụ tại hơn 150 quốc gia. Tại Việt Nam, Boeing đã ký kết cung cấp nhiều máy bay dưới dạng thuê, thuê mua, cung cấp thiết bị động cơ cho các hãng hàng không trong nước.
Theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, các DN quan tâm đến Việt Nam như một trung tâm sản xuất và thị trường ngày càng khá giả, với tăng trưởng kinh tế năm ngoái đạt hơn 8%.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Mỹ xếp thứ 11 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 12-2022, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam đạt 11,42 tỉ USD với tổng 1.216 dự án. Đầu tư từ Mỹ tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (45,8%), TP HCM (12,4%), Bình Dương (9%).
Xét về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư của Mỹ tập trung chủ yếu vào các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống (42,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (32%); cấp nước và xử lý chất thải (5,2%).
Chỉ riêng trong năm 2022, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã tăng đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn Quantum (Mỹ) và Công ty CP BB Group (Tập đoàn BBG, Việt Nam) ký thỏa thuận với tỉnh Quảng Trị về việc nghiên cứu, hợp tác đầu tư 2 dự án quy mô lớn tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Exxon Mobil và Millennium cũng đề xuất các kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án điện khí tại Việt Nam...
Đại diện Ban Quản lý Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp TP HCM (Hepza) cho hay hiện các dự án đầu tư của Mỹ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM đang hoạt động ổn định, một số dự án tăng vốn, mở rộng đầu tư. Nổi bật nhất trong đó là dự án của Công ty First Solar Việt Nam (thuộc Tập đoàn First Solar, Mỹ) đã công bố đầu tư thêm 60 triệu USD để nâng cao năng lực sản xuất, nâng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam từ năm 2018 đến nay lên mức 1,12 tỉ USD. "First Solar Việt Nam đã định vị Việt Nam trên bản đồ thế giới với vai trò nhà sản xuất tấm pin mặt trời màng mỏng tiên tiến hàng đầu" - đại diện DN này từng công bố.
Một nhà máy hiện đại của Cargill đầu tư tại Bình Dương. Ảnh: NGỌC ÁNH
Hàng ngàn tỉ USD chờ vào Việt Nam
Mới nhất là Western Union - công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ chuyển, nhận tiền và thanh toán quốc tế - ngày 20-3 công bố hợp tác chiến lược với MoMo nhằm giúp người Việt có thể nhận tiền quốc tế từ người thân tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ qua ứng dụng MoMo trong chưa đầy 1 phút. Đây là lần đầu tiên dịch vụ hỗ trợ nhận tiền quốc tế có mặt trên một siêu ứng dụng của Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Atish Shrestha - Giám đốc vùng Đông Dương, Thái Lan và Myanmar của Western Union - đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng, bằng chứng là Western Union đã có mặt, hoạt động kinh doanh gần 30 năm nay. Mục tiêu của Western Union là cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng, kết nối người dùng, DN, các tổ chức tài chính và Chính phủ thông qua mạng lưới quốc tế rộng khắp, kết nối hàng tỉ tài khoản ngân hàng, hàng triệu ví điện tử, thẻ và điểm giao dịch...
Tại lễ công bố báo cáo thường niên vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022 do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài vừa tổ chức tại Hà Nội, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho biết nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh, đồng thời bày tỏ tin tưởng có thể thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 từ năm 2030 thay vì 2050.
Đại diện AmCham cho rằng đang có hàng ngàn tỉ USD từ các nhà đầu tư Mỹ chờ đợi để rót vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút được lượng vốn này, còn một số khó khăn mà nhà đầu tư muốn được các bộ, ngành Việt Nam hợp tác tháo gỡ, bao gồm vấn đề về vốn. AmCham cũng đã xúc tiến các buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để có cơ chế hợp tác, hỗ trợ lãi suất cho các DN đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Tại TP HCM, AmCham cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế tiếp tục trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đồng thời mong muốn được hợp tác với TP HCM để phát triển môi trường thuận lợi, tiếp tục thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng bền vững.
Tuy vậy, AmCham khuyến nghị TP HCM nâng cao hơn nữa môi trường đầu tư thông qua việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi là công bằng, minh bạch, có thể dự đoán được; xây dựng môi trường pháp lý hợp lý. Hỗ trợ chuỗi cung ứng và sản xuất có giá trị cao; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển bền vững. Đặc biệt, TP HCM cần đẩy mạnh khai phá tiềm năng của nền kinh tế số. Cùng với đó phát triển lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu; cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư...
Cam kết đầu tư lâu dài
Ông Phạm Đức Thắng - Tổng Giám đốc ngành Dinh dưỡng vật nuôi, Cargill Thái Lan và Việt Nam - cho biết Cargill là một trong những DN Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam ngay sau sự kiện bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam năm 1995. "Trong suốt quá trình gần 28 năm hoạt động, chúng tôi lần lượt đưa vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính: dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi, cung ứng nông sản, nguyên liệu thực phẩm và công nghiệp sinh học, thịt bò nhập khẩu, cung ứng sắt thép. Hiện Cargill Việt Nam có gần 1.400 nhân viên và 99% là người Việt Nam" - ông Phạm Đức Thắng nói.
Vào cuối năm 2020, Cargill tiếp tục khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam thông qua công bố dự án đầu tư 28 triệu USD vào xây dựng một nhà máy mới, hiện đại, sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt.
Người lao động