MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6 - 6,5%. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hay nhiều tổ chức trong nước, quốc tế ủng hộ cho mục tiêu này. Tuy vậy, Việt Nam được khuyến nghị còn nhiều yếu tố cần cải thiện như đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN), dồn lực cho đầu tư công, xuất khẩu.

Đoàn công tác của IMF vừa kết thúc chương trình làm việc tại Việt Nam, đã có cuộc gặp cấp cao với Chính phủ, trao đổi cùng nhiều cơ quan. Đánh giá sau đợt tham vấn định kỳ, ông Paulo Medas, Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay đạt gần 6%, được hỗ trợ bởi “cầu” bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng. Lạm phát dự kiến dao động quanh mức mục tiêu 4- 4,5%. Việt Nam được đánh giá có nhiều bước tiến quan trọng, giải quyết nút thắt pháp lý, hỗ trợ kinh tế phục hồi, như sửa đổi Luật đất đai và các luật liên quan đến bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng- Ảnh 1.

Việt Nam cần có biện pháp cải cách chi phí kinh doanh, tạo điều kiện cho DN. (Ảnh minh họa: Như Ý)

Dự báo của IMF tiệm cận mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra trong năm nay (mức 6 - 6,5%). Dự báo của nhiều tổ chức trong nước, quốc tế cũng ủng hộ cho mục tiêu này. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3%. Ngân hàng Standard Chartered (Anh), Ngân hàng UOB (Singapore), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cùng dự báo mức 6%.

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam nhận định, đây là mức tăng cao hơn mặt bằng chung khu vực. Sự hồi phục của nền kinh tế phụ thuộc vào các chính sách đồng bộ như kích cầu nội địa, đầu tư công, thể chế. Ông Hùng khuyến nghị Việt Nam cần có biện pháp cải cách chi phí kinh doanh, tạo điều kiện cho DN.

Hỗ trợ khu vực tư nhân, DN “xương sống” của nền kinh tế cũng là khuyến nghị được giới phân tích nhiều lần nhấn mạnh. Dù số DN rời khỏi thị trường còn lớn, nhưng tín hiệu tích cực hơn đang xuất hiện. Năm tháng đầu năm, số lượng DN gia nhập thị trường (19.800 DN) đã nhiều hơn số rút lui khỏi thị trường (19.500 DN), đảo ngược xu hướng trước đây.

Tại diễn đàn kinh doanh do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, DN lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Thời điểm này, nền kinh tế và DN đạt độ chín cả về vị thế, quy mô, năng lực để có thể nắm bắt cơ hội hiếm có, tạo cú bật mới cho tăng trưởng kinh tế. Để tiếp tục trợ lực cho khu vực tư nhân, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh, thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu. DN phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho DN lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực DN trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đề nghị, một số chính sách hỗ trợ DN, người dân thời kỳ COVID-19 cho giai đoạn 2024 - 2025 cần được nghiên cứu gia hạn; thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng. VEPR dự báo 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2024 lần lượt ở mức 5,8% và 6%.

Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên