MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đón năm mới ở đâu đắt đỏ, cầu kỳ và mê tín nhất?

01-01-2017 - 15:18 PM | Tài chính quốc tế

Thủ đô London, Anh vừa được chọn là điểm đón Giao thừa và Năm mới đắt đỏ nhất trên thế giới, DailyMail ngày 31/12 đưa tin.

Hàng triệu đồng cho bữa tiệc giao thừa/người

Khảo sát do công ty hối đoái Travelex cho thấy, 24% người Anh thích đón năm mới ở nước ngoài, tại các thành phố như Prague (Séc) và Budapest ( Hungary) hơn, vì đây là những nơi mà giá rượu và thức ăn rẻ hơn. Travelex cho hay, thông thường, vào một trong những đêm tiêu xài lãng phí nhất trong năm, người London và các vị khách tiêu hết 336,14 Bảng Anh/người (tương đương 525,6 USD) tại thủ đô của Anh vào hôm 31.12.

Khoản tiền trên được tính dựa vào số tiền phải trả cho một nửa lít bia, một chai sâm panh, một bữa tối và phí xem trình diễn pháo hoa. Tuy nhiên, cũng như vậy, tại New York ( Mỹ), một người chỉ phải trả 118,60 Bảng Anh (185USD), còn ở Budapest số tiền chi ra thấp hơn nhiều, chỉ 66,81 Bảng Anh (105USD), với giá một bữa ăn tối cho hai người chỉ là 22 Bảng Anh (35USD).

Trong số 6 địa điểm được khảo sát, thì chỉ có thủ đô của Anh thu tiền xem pháo hoa. Thị trưởng London Boris Johnson mới đây xác nhận, năm nay là lần đầu tiên, những người muốn xem màn bắn pháo hoa nổi tiếng trên sông Thames sẽ phải trả phí 10 Bảng Anh (tương đương 16USD). Để mừng năm mới tại Paris, người Anh phải trả khoảng 245 Bảng Anh (384 USD). Dù không rẻ, song đón giao thừa và năm mới tại thủ đô của Pháp vẫn dễ chịu hơn London gần 100 Bảng Anh. Trong số 2.000 người tham gia khảo sát, 30% cho hay, muốn đón Giao thừa và Năm mới tại New York. Thành phố Toronto của Canada cũng là nơi đáng giá cho những người Anh muốn đón Năm mới ở nước ngoài.

Đón giao thừa cũng rất cầu kỳ, mê tín

Thời kỹ thuật số, tưởng rằng, chào đón năm mới ở các nước phát triển là rất đơn giản và gọn nhẹ. Nhưng kỳ thực không phải như vậy, “phú quý sinh lễ nghi”, người dân châu Âu khi đón năm mới cũng rất cầu kỳ, mang nặng các hình thái văn hóa địa phương. Mọi thủ tục chào đón năm mới phải theo trình tự mà không thể giản lược khâu nào.

Nước Anh chào mừng năm mới bằng những tiếng nổ vang. Những cuộc trình diễn pháo hoa thường được diễn ra trên toàn quốc. Trong đó ngoạn mục nhất là cuộc trình diễn tại Edinburgh và London. Tại London , những cuộc trình diễn pháo hoa lớn và ngoạn mục nhất trên thế giới được diễn ra tại Vòng quay thiên niên kỷ.

Khi những chiếc chuông trên tháp đồng hồ Big Ben bắt đầu loan báo một năm mới đã tới, thì cũng là lúc London bừng sáng lên trong những tiếng nổ vang rực rỡ của pháo hoa. Nhưng người Anh cũng có những nghi thức truyền thống của mình để tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới. Dân xứ sở sương mù khá là mê tín. Và một trong những điều mê tín của họ: may mắn trong năm mới thường đến từ bước chân đầu tiên.

Điều đó có thể vì người dân Anh luôn tất bật kể từ khi thức dậy. Một số gia đình Anh quốc thường tiến hành tục lệ “xông đất”. Đó là tục lệ ghé thăm gia đình của họ hàng hoặc bạn bè trong đêm giao thừa. Bánh và rượu thường được mang theo cùng với chuyến thăm. Đến xông đất, khách phải chắc chắn rằng sẽ không phải gõ cửa mà chỉ việc đi thẳng một mạch vào trong nhà. Có điều này bởi người Anh đặt rất nhiều hi vọng vào vị khách đầu tiên này. Người xông đất được xem là người quyết định sự may mắn cho gia chủ trong suốt 12 tháng tiếp theo. Nếu người xông đất giàu có và hạnh phúc, gia chủ có thể trông chờ sự may mắn sẽ đến trong năm mới, nhưng ngặt vị này mà đang gặp vận đen, gia chủ cũng có thể sẽ bị ám ảnh bởi những điều tương tự.

Người Anh thường tiên đoán vận may của mình theo người xông nhà, những vị khách đầu tiên trong năm. Dân Anh còn tin rằng, nếu lò sưởi được nhóm lên trước khi tiếp khách cũng sẽ mang lại những điều may mắn. Quốc đảo sương mù còn quan niệm, trong chạn, nếu rượu và thịt đã được chất đầy cho những ngày đầu tiên của năm mới, gia chủ sẽ no đủ trong suốt năm đó. Vào đêm giao thừa, gia đình và bạn bè thường ngồi lại với nhau và tán gẫu cho đến khi những chiếc chuông của nhà thờ bắt đầu reo vang, khi đó mọi người sẽ cùng ra ngoài và tham gia vào buổi lễ Mixa.

Tây Ban Nha: Năm mới ăn càng nhiều nho càng may mắn

Chào đón năm mới ở quốc gia này bắt đầu từ Lễ Giáng sinh, không khí nhộn nhịp kéo dài tới những ngày đầu năm mới. Đêm cuối cùng của năm, mọi người thường tụ tập nhậu nhẹt suốt đêm ở quán bar, các hoạt động cao điểm xảy ra lúc giao thừa kéo dài tới 6 giờ sáng hôm sau.

Tuy nhiên, lễ nghi truyền thống cổ xưa vẫn xuất hiện trong ngày Tết ở xứ bò tót, có nguồn gốc từ hàng trăm năm trước. Khi giao thừa, 12 tiếng chuông nhà thờ ngân vang, những người dân sẽ tự thưởng thức 12 trái nho, đây được xem là lễ nghi đặc biệt với hi vọng là mang lại những niềm vui và may mắn trong suốt 12 tháng của năm mới. Sau khi nhai ngấu nghiến cả quả nho thì mọi người bôi một chút hạt được nghiền nhỏ trong miệng lên khuôn mặt ngờ nghệch và hân hoan của nhau. Trước khi ăn nho, có 4 tiếng chuông hòa âm với nhau và có một người đứng ra “chỉ đạo”, khi nào loạt chuông chấm dứt thì tất cả cùng nhau ăn nho, tránh người ăn trước, người ăn sau. Mỗi quả nho được xem là giúp bạn có những hành động đúng mực, mang lại nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Trẻ em, phụ nữ…càng ăn nhiều nho thì càng gặp nhiều may mắn.

Sau lễ đón năm mới, người Tây Ban Nha có “Ngày dành cho vua” vào ngày 6.1, nó quan trọng như Lễ Noel, đặc biệt là đối với trẻ em, khi chúng được nhận quà từ Hoàng gia. Niềm vui bắt đầu từ tối hôm trước khi 3 người đứng đầu Hoàng gia đi dải quà ở một con phố, sáng hôm sau những đứa trẻ thức dậy nhận quà để lại từ tối hôm trước. Truyền thuyết kể rằng, 3 vị đứng đầu hoàng gia trên chính là vị thần ánh trăng mờ áo, xuất hiện vào ban đêm không để lại dấu vết gì. Trẻ em sau khi thưởng thức bánh bằng bột mì nhân có các loại hạt có vị ngọt từ vua ban tặng thì chúng mang đồ chơi nhựa ra nô đùa cùng nhau…

Trong đêm giao thừa, người Đức thường tụ họp để uống rượu và đánh bài cho tới nửa đêm. Và khi đồng hồ bắt đầu đếm ngược, họ sẽ đứng trên những chiếc bàn hoặc ghế. Đúng lúc tiếng chuông giao niên vang lên, họ sẽ nhảy ra ngoài sân với một chiếc gậy để tượng trưng rằng, chính họ đang tự dẫn dắt mình ra khỏi năm cũ và bước sang một năm mới. Địa điểm chờ đón giao thừa còn có cả cổng Baraden burg, nơi hàng ngàn người tụ tập để đón chào năm mới. Đón chào năm mới theo kiểu truyền thống của người Đức là cần phải có một chút sức khỏe thể chất. Một nhóm nam giới được chọn ra để biểu diễn, họ nhanh nhẹn và đảm bảo phù hợp yêu cầu. Ở các ngôi làng, đó là thời gian để thi đua. Những người đàn ông dậy từ rất sớm vào ngày đầu tiên của năm để nhổ một cái cây và tuốt hết đi các cành của nó. Những người này còn thi nhau leo lên một ngọn đồi và kiểm tra kết quả để tìm ra người thắng cuộc, người được coi như người hùng của năm mới và tượng trưng cho sự phát triển mạnh mẽ. Thức ăn truyền thống cho năm mới bao gồm bánh mì và bánh nướng được làm với hình dạnh của số 8 hay hình trái tim để loại bỏ những điều không may.

Khi giao thừa tới, người Pháp thường hôn tạm biệt một năm đã qua. Trong đêm giao thừa, Điện Elysée của Pháp luôn tấp nập người và xe. Những đám đông cùng hướng về tháp Eiffel để ngắm nhìn những màn trình diễn pháo hoa. Và khi tiếng chuông giao thừa vang lên, họ bắt đầu ôm hôn nhau cùng lời chúc “ bonne annee”-Sự sung túc mang theo trong gió.

Điện Elysees cho bạn một góc nhìn rất đẹp tới tháp Eiffel. Đó thực là một cơ hội để trải nghiệm cái cách mà người Pháp đón chào năm mới. Cổng Khải Hoàn môn là địa điểm tập trung đông người nhất để đón chờ khoảnh khắc giao thừa. Nhưng nếu bạn muốn mở ra một năm mới ở những khu vực lân cận, thì hãy đến nhà thờ Sacre coeur trên đồi Montmatre, nơi sự ăn mừng mang đầy cảm xúc linh thiêng nhưng cũng không kém phần khí thế. Những ai muốn ở trung tâm tham gia những hoạt động trên, tại sao họ lại không bắt đầu bữa tối tại một nhà hàng nào đó và sẽ cùng đếm ngược cho tới giao thừa cùng mọi người tại đó? Từ nhà thờ Sacre coeur, bạn sẽ không chỉ được ngắm nhìn khung cảnh tráng lệ của Paris khi về đêm mà sẽ còn được thưởng thức cả màn trình diễn pháo hoa. Một số người lại có thiên hướng ở nhà và cùng đón chào năm mới với gia đình. Sau bữa tối, một chai champagne sẽ là chưa đủ.

Truyền thống của người Pháp là không bỏ sót một giọt rượu nào trong nhà trước khi năm mới đến. Họ cũng dự đoán niềm may rủi theo chiều gió thổi trong ngày đầu của năm. Người dân tin rằng, nếu gió thổi tới từ phương Đông, họ sẽ có một vụ mùa bội thu, nếu từ phương nam sẽ nhiều mưa, nếu từ phương Tây sẽ dồi dào cá, sữa và nếu gió thổi từ phương bắc, đó sẽ là một năm đói kém. Trước khi kết thúc tháng chạp, mọi gia đình Pháp sẽ đi mua hay tự chuẩn bị bánh Galette des Rois hay bánh của nhà Vua. Ẩn bên trong mỗi chiếc bánh sẽ là một đồng tiền vàng hay một chiếc bùa may mắn, và bất cứ ai có được vật thể này sẽ là “Vua của ngày hôm đó”.

Theo Nguyễn Văn Hùng

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên