MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 5.000 tỷ đồng vào thị trường, VN-Index bứt phá gần 9 điểm trong phiên cuối tuần

Đà tăng diễn ra hầu hết trên các nhóm ngành. Nổi bật trong đó phải kể tới chăn nuôi, khu công nghiệp, bán lẻ.

Phiên giao dịch chiều tiếp tục diễn ra khá tích cực với đà tăng lan tỏa trên nhiều nhóm ngành. Dù vậy, mốc 790 điểm đang trở thành kháng cự tâm lý khá mạnh và VN-Index vẫn chưa thể chinh phục cột mốc này trong phiên hôm nay.

Đà tăng diễn ra hầu hết trên các nhóm ngành. Nổi bật trong đó phải kể tới chăn nuôi (DBC, MML, VSN) khi hầu hết đều tăng gần hết biên độ. Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, cao su cũng có nhiều mã tăng mạnh như VRG, PHR, DPR, TNC, NTC, BCM, SZL…

Nhóm bán lẻ cũng là điểm sáng trong phiên với MWG, FRT tăng trần, trong khi PNJ cũng ghi nhận mức tăng 1,2%. Trong quý 1/2020, PNJ ước đạt doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 411 tỷ đồng, giảm nhẹ 4%. Biên lãi gộp quý 1 tiếp tục duy trì ở mức cao với 21,7%.

So với kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần 19.020 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.349 tỷ đồng thì PNJ đã hoàn thành 26% chỉ tiêu doanh thu và 30% chỉ tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.

Riêng trong tháng 3/2020, mặc dù gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, doanh thu PNJ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 6% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ mức tăng trưởng 75% doanh thu vàng miếng.

Trong quý 1, PNJ đã mở mới 6 cửa hàng và đóng 2 cửa hàng trang sức, ngoài ra công ty cũng mở mới 2 cửa hàng đồng hồ. Tính tới cuối quý 1, PNJ có 350 cửa hàng trang sức và 27 cửa hàng PNJ watch.

SSI Research cho rằng mặc dù KQKD năm 2020 của PNJ có thể ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng do quý 2 và quý 3 là mùa thấp điểm của mảng trang sức, nên tác động của dịch Covid-19 tính trên kết quả kinh doanh theo năm sẽ phần nào được giảm tải. Ngoài ra, PNJ có cơ hội giành thêm thị phần từ các cửa hàng trang sức nhỏ ra khỏi ngành trong thời gian này.

Ở chiều ngược lại, DPM, MSN, VPB, VCS là những cổ phiếu lớn hiếm hoi giảm điểm trong phiên hôm nay.

Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 8,9 điểm (1,14%) lên 789,6 điểm; HNX-Index tăng 1,26% lên 110,11 điểm và UPCom-Index tăng 1,14% lên 52,13 điểm. Thanh khoản thị trường tăng khá mạnh với giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng.

Điểm trừ lúc này là khối ngoại vẫn bán ròng khá mạnh trên cả 3 sàn với tổng giá trị 430 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào nhiều cổ phiếu như VNM, VIC, VPB, HDB…

Trên TTCK Phái sinh, cả 4 HĐTL đóng cửa với basis âm từ 18 đến 24 điểm, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với những phiên gần đây cho thấy tâm lý giới đầu tư đang dần tích cực trở lại.

=======================================

Áp lực chốt lời có phần gia tăng sau khi VN-Index chạm mốc 790 điểm. Dù vậy, dòng tiền đổ vào thị trường vẫn rất mạnh giúp các chỉ số giữ vững sắc xanh trong phiên sáng.

Nhóm Bluechips FPT, GAS, MSN, SAB, HVN, VJC, PNJ, VHM…tăng điểm khá tốt trong sáng nay. Trong khi đó, VIC dù có lúc giảm sàn xuống 89.200 đồng nhưng đã mau chóng lấy lại sắc xanh, góp phần củng cố tâm lý thị trường.

Các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp, viễn thông, chăn nuôi, hàng không, bán lẻ…cũng giao dịch tích cực khi hầu hết đều tăng điểm, thậm chí nhiều mã tăng trần.

Trong khi đó, nhóm dệt may sau vài phiên tăng nóng đang bị chốt lời mạnh và một số cổ phiếu như TNG, MSH, M10…đã giảm điểm. Với nhóm vốn hóa lớn, VCB, BVH, VNM, VPB, VRE là những cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý.

Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 6,6 điểm (0,85%) lên 787,3 điểm; HNX-Index tăng 1,26% lên 110,12 điểm và UPCom-Index tăng 0,86% lên 51,98 điểm. Thanh khoản thị trường khá cao với giá trị khớp lệnh 3 sàn khoảng 2.700 tỷ đồng.

Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi họ tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 170 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào VNM, VIC, DBC, CTG…

==========================================

Thị trường mở cửa phiên giao dịch cuối tuần đón nhận những tin tức tích cực từ cuộc chiến chống Covid-19. Tại Mỹ, Gilead Sciences vừa công bố bước đầu thử nghiệm thành công thuốc đặc trị Covid-19 trên người đã giúp chỉ số Dow Jones Future bứt phá gần 900 điểm. Trong nước, 24h qua không ghi nhận thêm ca dương tính nào với Covid-19 cũng mang đến tâm lý tích cực cho giới đầu tư.

Đà tăng của thị trường Việt Nam diễn ra ngay từ những phút mở cửa và có lúc VN-Index vượt mốc 790 điểm. Đà tăng diễn ra trên hàng loạt nhóm ngành, từ bán lẻ, công nghệ, ngân hàng, chứng khoán cho tới bất động sản, dầu khí, dệt may, khu công nghiệp…

Bộ đôi cổ phiếu chăn nuôi MML, DBC cũng duy trì đà bứt phá mạnh và có thời điểm 2 cổ phiếu này tăng trần.

Tại thười điểm 9h35’, chỉ số VN-Index tăng 6,16 điểm (0,79%) lên 786,86 điểm; HNX-Index tăng 1,08% lên 109,93 điểm và UPCom-Index tăng 1,06% lên 52,08 điểm. Số mã tăng trên toàn thị trường áp đảo hoàn toàn với 350 mã, trong khi chỉ có 87 mã giảm điểm.

Điểm trừ là khối ngoại vẫn bán ròng 22 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung vào các cổ phiếu DBC, CTG, VNM..

Trên TTCK Phái sinh, cả 4 HĐTL vẫn duy trì basis âm, nhưng khoảng cách đã thu hẹp chỉ còn 12 đến 18 điểm cho thấy tâm lý giới đầu tư đang dần lạc quan trở lại.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên