MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Đốn' rừng làm năng lượng tái tạo: Cần thận trọng!

Nhiều địa phương liên tục chấp thuận các dự án điện gió/ điện mặt trời sử dụng nhiều diện tích đất rừng và cho phép nộp tiền trồng rừng thay thế. Tuy nhiên mức độ cấp thiết để phát triển kinh tế xã hội cũng như tác động tới môi trường có chăng cần được cân nhắc kĩ lưỡng hơn.

Các dự án sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, phổ biến ở Việt Nam hiện nay là năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư khi chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây đã có hơn 100 dự án lớn nhỏ được cấp phép, tạo ra một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.

Năng lượng tái tạo được kỳ vọng là nguồn năng lượng sạch, dần thay thế các nguồn điện than và thuỷ điện trong tương lai. Một trong những thông tin đáng chú ý được ông Đỗ Đức Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương nêu ra tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tháng 9/2020 là: "Từ năm 2016 đến nay, tất cả những dự án thuỷ điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên không có dự án nào được bổ sung vào quy hoạch và đã được bổ sung thì bị kiểm soát rất chặt chẽ" trước thực trạng lũ lụt đang hoành hành ở miền Trung và một phần nguyên nhân được cho là do các thuỷ điện nhỏ xả lũ không theo kế hoạch.

Sử dụng năng lượng sạch hay năng lượng tái tạo dần thay thế năng lượng truyền thống, hạn chế tối đa sử dụng đất rừng là phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan ngại là trong các dự án năng lượng tái tạo được cấp phép gần đây, xuất hiện xu hướng sử dụng nhiều diện tích đất rừng, ít thì 5-7 ha, nhiều thì có những dự án lên tới hơn 20 ha rừng.

Năm 2020, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , riêng Quảng trị, Bình Thuận, Bình Định đã chấp thuận đầu tư cho khoảng 10 dự án điện gió, điện mặt trời có sử dụng đất rừng.

Trong đó, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt 7 dự án là Nhà máy điện gió Phong Nguyên và Phong Huy sử dụng hơn 20 ha đất rừng; Nhà máy điện gió Phong Liệu sử dụng 3,56 ha rừng, trong đó 2,44 ha là rừng phòng hộ; Nhà máy điện mặt trời Gio Thành sử dụng 38,9 ha đất rừng, trong đó có 5,4 ha là đất rừng phòng hộ; Nhà máy điện gió Hướng Tân sử dụng quy mô rừng là 3,74 ha; Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2 với diện tích rừng sử dụng là 17,6 ha; Nhà máy điện gió Tân Linh với quy mô rừng là 3,31 ha, trong đó rừng phòng hộ là 2,54 ha.

Hai dự án lớn ở Bình Thuận và Bình Định đang trình xin ý kiến của Thủ tướng khi sử dụng trên 20 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là Hoà Thắng 1.2 và Phù Mỹ 3. Phù Mỹ 3 sử dụng tổng diện tích rừng là 28,28 ha, trong khi Hoà Thắng 1.2 sử dụng 28,52 ha rừng tự nhiên.

Thay vì không cấp phép cho các dự án thuỷ điện có sử dụng đất rừng thì các địa phương lại liên tục chấp thuận các dự án năng lượng tái tạo có sử dụng nhiều đất rừng. Điều này mang tới những băn khoăn không nhỏ, đặc biệt khi mà việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng được quy định khá chặt chẽ.

Quan điểm không đánh đổi rừng lấy lợi ích kinh tế đã được cụ thể hoá trong Luật Lâm nghiệp năm 2017, Chỉ thị 13 của Ban Bí thư năm 2017 hay trước đó là Luật Đất đai năm 2013.

Cụ thể, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu: "Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt".

Theo quy định tại Ðiều 58, Luật Ðất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ðất đai, đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa, dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sẽ do HÐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết. Chuyển đổi trên 10ha đất lúa và trên 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Giải thích về sự cần thiết của dự án Phù Mỹ 3, trong văn bản trình Thủ tướng, UBND tỉnh Bình Định cho biết: Việc phát triển điện mặt trời tại khu vực dự án sẽ cung cấp bổ sung nguồn điện tại chỗ cho tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận; góp phần an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Tương tự, UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá dự án Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 nằm trong lĩnh vực đảm bảo an ninh năng lượng; phù hợp với định hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch theo Nghị quyết số 55-NQ/TW định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tính cấp thiết của những dự án năng lượng tái tạo sử dụng đất rừng?

Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, việc chuyển đổi đất rừng làm các dự án khác, trong đó có dự án điện tái tạo cần tuân thủ Luật Lâm nghiệp. Ông khuyến cáo chỉ nên lựa chọn các vùng đất hoang hóa hoặc khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà bởi đây là nguồn điện có hiệu quả và dư địa rất lớn. "Tuyệt đối không làm dự án điện mặt trời nếu gây mất diện tích rừng. Ngay cả dự án điện gió chỉ sử dụng một phần đất rừng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cấp phép. Không đánh đổi đất rừng cho mục đích phát triển kinh tế", vị đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Phạm Minh Hiền (Phú Yên) cũng cho rằng đất rừng nguyên sinh, phòng hộ hay đất rừng sản xuất đều có ý nghĩa lớn về môi trường, giúp giữ đất, nước và điều hòa không khí, do đó trong quá trình thẩm định, các địa phương phải hết sức thận trọng.

Đây cũng là quan điểm của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, những rừng tự nhiên nghèo kiệt, không khôi phục được hệ sinh thái rừng thì nên dùng chuyển sang trồng cây lâu năm vì có giá trị xuất khẩu và gắn liền với cuộc sống của người dân chứ không nên dùng làm nơi sản xuất điện mặt trời, điện gió. Vì như vậy sẽ làm chết luôn cánh rừng đó.

"Quan điểm của tôi là không dùng rừng để làm điện tái tạo, chỉ trừ trường hợp dự án thực sự cấp thiết, mang tầm quốc gia. Còn cụ thể thế nào là cấp thiết, dự án tầm quốc gia thì phải mang ra Quốc hội, Chính phủ để bàn, không thể để UBND các tỉnh tự quyết. Ngay cả với rừng nghèo kiệt không khôi phục hệ sinh thái rừng thì cũng nên trồng cây lâu năm không nên vì rừng nghèo kiệt mà chuyển sang làm phi nông nghiệp", ông Võ khẳng định.

Ở Việt Nam, ông Võ khuyến cáo chỉ nên phát triển năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió ở những nơi mà đất không dùng làm gì, tạo ra gió liên tục thì hãy làm. Và cũng không nên coi đây là biện pháp chủ yếu để sản xuất điện điện. Việt Nam có thể đi trước các nước trong phát triển năng lượng tái tạo từ biển. Đó là năng lượng sóng biển, năng lượng thuỷ chiều vì chúng ta có lợi thế 3.000 km đường biển.

Dự án nghìn tỷ, nộp vài trăm triệu tiền trồng rừng

Khi lấy rừng làm dự án năng lượng, nhà đầu tư có hai lựa chọn, hoặc trồng lại rừng ở vị trí khác hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế. Thực tế là gần như 100% doanh nghiệp đều lựa chọn giải pháp nộp tiền, vì chi phí rất thấp so với quy mô dự án.

Chẳng hạn, tài liệu thu thập của Nhadautu.vn thể hiện doanh nghiệp chỉ phải nộp trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha chi phí trồng rừng thay thế tại Quảng Trị, con số này ở Bình Định và Bình Thuận có phần cao hơn, lần lượt là 82 triệu đồng/ha và 100 triệu đồng/ha.

Ví như, 2 dự án cùng phải trồng thay thế khoảng 11,6 ha thì số tiền mà Thuận Nam - Trung Nam phải nộp lại cho tỉnh Bình Thuận là hơn 1,239 tỷ đồng, còn dự án Phong Nguyên xây dựng ở Quảng Trị lại chỉ phải nộp 346,8 triệu đồng; hay là để trồng lại 28,2 ha rừng thay thế, Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch phát triển dự án Phù Mỹ 3 đã bỏ ra 2,32 tỷ kinh phí tương đương mức tiền bỏ ra cho 1 ha rừng trồng lại là 82 triệu đồng.

Theo N.Thoan

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên