MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đón sóng FDI, không để "khoảng trống" làm nhà đầu tư băn khoăn

Đón sóng FDI, không để "khoảng trống" làm nhà đầu tư băn khoăn

Gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam trong năm 2020.

Là quốc gia có mức tăng trưởng dương hiếm hoi trong khu vực giữa bão Covid-19, Việt Nam có cơ hội đón sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Song để đón dòng vốn này trong năm 2021, Việt Nam cần chủ động lựa chọn dòng vốn phù hợp thay vì ngồi đợi vốn đến.

Với mức tăng trưởng 2,91% đạt được trong năm 2020 và triển vọng tăng trưởng trên 6% trong năm 2021 mà nhiều tổ chức tài chính quốc tế đưa ra, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

CƠ HỘI ĐÓN HÀNG TỶ USD

Hoya, hãng sản xuất của Nhật Bản, có thể sẽ rời Trung Quốc, nơi doanh nghiệp đã đầu tư hai nhà máy vào các năm 2004 và năm 2012, để chuyển sang các nước ASEAN trong đó có Việt Nam. Động thái trên được coi là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu của doanh nghiệp này theo hướng rời khỏi các thị trường có doanh số và lợi nhuận khó kiểm soát.

Đón sóng FDI, không để khoảng trống làm nhà đầu tư băn khoăn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: "Tiếp tục hoàn thiện thể chế để thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, không tạo ra rào cản cản bước nhà đầu tư nước ngoài; có cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn".


Chưa rõ kế hoạch dịch chuyển sản xuất của Hoya được triển khai đến đâu và như thế nào song một điều chắc chắn Hoya có tên trong danh sách 87 công ty sẽ được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ để thực hiện kế hoạch di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc theo công bố của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).

Mới đây nhất, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá) cho hay lãnh đạo Thanh Hoá cũng đang hy vọng vào một “làn sóng” đầu tư FDI mới trong tương lai. Dù không tiết lộ thông tin cụ thể, song ông Thi cho biết đã có nhiều nhà đầu tư ngỏ lời muốn được đến Thanh Hoá. “Thực tế có một số nhà đầu tư ban đầu mới tìm hiểu đầu tư vào Thanh Hoá còn e ngại, lo lắng nhưng sau khi vào Thanh Hoá đầu tư rồi thì khẳng định chưa thấy tỉnh nào tạo điều kiện tốt như Thanh Hoá”, ông Thi cho hay.

Đáng chú ý, chia sẻ mới đây về kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, ông Kim Huat Ooi, Tổng giám đốc Intel Việt Nam cho hay tập đoàn này đã đầu tư vào Việt Nam hơn 1 tỷ USD và tạo ra hơn 5.000 việc làm sau gần 15 năm hoạt động. Theo ông Kim Huat Ooi, trong suốt 15 năm qua, Intel đã không ngừng mở rộng hoạt động tại Việt Nam và sẽ có các dự định lớn hơn trong tương lai. Thực tế, nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đã chào mời Intel đến đầu tư nhưng việc quyết định chọn Việt Nam là nhờ vào tính ổn định. Ngoài ra, Intel được hưởng lợi các chính sách ưu đãi và có được hạ tầng đầu tư khá tốt. “Trong hơn một thập niên, chúng tôi đã hoạt động ổn định, kinh doanh tăng trưởng bền vững. Điều đó chứng minh Intel đã chọn Việt Nam điểm đến đầu tư thành công”, ông Kim Huat Ooi nói.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tính riêng năm 2020, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài.

CHỦ ĐỘNG TRƯỚC SỰ DỊCH CHUYỂN

Mặc dù cơ hội đón vốn FDI là rất lớn song việc dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nơi khác, đặc biệt vào thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, theo nhiều chuyên gia là chưa thực sự chắc chắn. Hơn nữa, chi phí dịch chuyển là khá đắt đỏ, bởi ngoài chi phí đầu tư xây dựng nhà xưởng mới ở nước khác, còn phải thêm chi phí bồi thường người lao động và đối tác tại Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: 

"Rà soát các doanh nghiệp FDI theo hướng phân loại, đánh giá tuân thủ pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường và chống chuyển giá; thận trọng khi xem xét các dự án về luyện thép, nhiệt điện, nhôm; rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các doanh FDI, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các doanh nghiệp không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam..."

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, sự dịch chuyển là khá khó khăn bởi Trung Quốc có thể có những biện pháp can thiệp để giữ chân nhà đầu tư. “Tôi tin rằng, các biện pháp để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Trung Quốc thực hiện rốt ráo”, Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản cho thấy, không chỉ trong giai đoạn Covid-19, Nhật Bản đã thực hiện chiến lược dịch chuyển đầu tư từ cách đây vài năm với tên gọi “Trung Quốc +1” nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường nhất là trong bối cảnh chi phí nhân công và sản xuất ngày một gia tăng tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Tuy vậy, trong suốt giai đoạn này, nguồn vốn từ Nhật Bản đổ vào Việt Nam lại không tăng như kỳ vọng. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Theo vị chuyên gia đến từ CIEM, Việt Nam cần chủ động trước bước chuyển khá rõ nét trong quan điểm về sắp xếp chuỗi cung ứng, theo hướng từ ưu tiên tối ưu hóa chi phí sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo đó, Việt Nam nên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển, cải thiện kết cấu hạ tầng để đảm bảo kết nối từ khâu nhập khẩu nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối tới xuất khẩu thành phẩm cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc thành lập mô hình cụm, ngành công nghiệp quanh khu vực tiềm năng để tạo ra lợi ích kép, vừa tối đa hóa giá trị FDI, vừa củng cố niềm tin của doanh nghiệp để sản xuất giá trị gia tăng cao hơn ngay tại quốc gia đó. Đặc biệt, cần thiết lập một trung tâm xúc tiến đầu tư độc lập, phụ trách quảng bá Việt Nam như điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI trên phạm vi toàn thế giới. Các cơ quan chức năng nên tập trung cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập công ty, cấp giấy phép, chi trả thuế. Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất cao hơn và đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển đang nở rộ hiện nay.

Đón sóng FDI, không để khoảng trống làm nhà đầu tư băn khoăn - Ảnh 2.

Thu hút FDI theo lĩnh vực đầu tư quý 1.2021


“Dù có nhiều lợi thế trong thu hút FDI song Việt Nam phải cạnh tranh với một số nước trong khu vực. Vì vậy, Việt Nam tiếp tục phải nỗ lực cải thiện những yếu tố mà nhà đầu tư vẫn còn quan ngại. Chẳng hạn, chuyện kiểm soát tham nhũng, hệ thống thủ tục, quy định, hạ tầng và chất lượng dịch vụ công... vẫn còn những khoảng trống cần phải lấp đầy”, CIEM nhấn mạnh.

Theo Khánh Vy

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên