MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đón tiếp 10.000 nhà khoa học trẻ trong thời gian ngắn: Trung Quốc đặt mục tiêu “khủng”, kì vọng đột phá lớn cho Vành đai Con đường

20-10-2023 - 12:46 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường khai thác thị trường và nhân tài trong thời gian tới, đẩy mạnh chiến lược khoa học và công nghệ cho sáng kiến Vành đai Con đường.

Đón tiếp 10.000 nhà khoa học trẻ trong thời gian ngắn: Trung Quốc đặt mục tiêu “khủng”, kì vọng đột phá lớn cho Vành đai Con đường - Ảnh 1.

Kì vọng của Bắc Kinh

Khoa học và công nghệ là những mục tiêu chính trong kế hoạch mới của Trung Quốc được công bố trong Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 tổ chức ở Bắc Kinh hôm 18/10. Tuyên bố được đưa ra giữa lúc Trung Quốc chịu ngày càng nhiều hạn chế đối với các công nghệ quan trọng từ các nước phương Tây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định tầm nhìn của ông về Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể sẽ mở ra con đường vượt qua các thách thức để nước này đạt được tham vọng về công nghệ và đổi mới, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc phản đối “các lệnh trừng phạt đơn phương” và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ” thông qua hợp tác với các đối tác Vành đai Con đường khác.

Kế hoạch mới của Trung Quốc – tầm nhìn tương lai với 8 điểm chính về phát triển cơ sở hạ tầng – bao gồm việc khai thác thị trường và nhân tài của các nước liên quan sẽ giúp thúc đẩy tiến bộ công nghệ của chính Bắc Kinh.

Một nhà khoa học giấu tên từ Viện Khoa học Trung Quốc chia sẻ: “Những công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc mong muốn phát triển nhất hiện nay không thể đạt được thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng kế hoạch hành động mới của ông Tập có thể giúp vượt qua những thách thức hiện tại.

Trung Quốc tập trung áp dụng công nghệ và kinh nghiệm của mình cho các quốc gia khác; nhưng đổi lại, phản hồi từ các thị trường này có thể nâng cao trình độ công nghệ của chính Trung Quốc, nhà khoa học nêu trên cho biết.

Đón tiếp 10.000 nhà khoa học trẻ trong thời gian ngắn: Trung Quốc đặt mục tiêu “khủng”, kì vọng đột phá lớn cho Vành đai Con đường - Ảnh 2.

Về lâu dài, khi năng lực khoa học và công nghệ của các quốc gia thành viên Vành đai và Con đường phát triển, Trung Quốc có thể thúc đẩy sự phát triển của chính mình bằng cách thu hút nhiều nhân tài toàn cầu hơn làm việc ở đó.

Ông Tập cho biết một phần của kế hoạch hành động là trong vòng 5 năm tới, sẽ tăng gấp đôi số lượng phòng thí nghiệm khoa học chung giữa Trung Quốc và các quốc gia thuộc Vành đai và Con đường. Hiện tại, có khoảng 50 phòng thí nghiệm như vậy hiện đang hoạt động.

Theo báo cáo do Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước (SCIO) công bố ngày 10/10, các phòng thí nghiệm này chuyên về các lĩnh vực như y tế, năng lượng mới và nông nghiệp.

Trong số các phòng thí nghiệm đó, có một cơ sở ở Ai Cập đang nghiên cứu vấn đề bảo tồn nước thông qua “tưới tiêu bằng công nghệ kỹ thuật số”, trong khi một phòng thí nghiệm ở Bồ Đào Nha tập trung vào nghiên cứu không gian và biển.

Hợp tác với Nga

Liên minh các tổ chức khoa học quốc tế (ANSO), được thành lập để đoàn kết các tổ chức khoa học trên khắp các quốc gia thuộc Vành đai Con đường, cũng có các dự án kết nối Trung Quốc với các quốc gia đối tác.

Vào tháng 8, một nhóm từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã đến thăm các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong dự án đối tác ANSO về lưu vực sông. Vào tháng 6, một nhóm khác của CAS đã đến thăm Đại học Peradeniya của Sri Lanka để hợp tác trong một dự án giám sát chất lượng không khí.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cũng đề cập đến việc tiếp tục hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ từ các quốc gia thuộc Vành đai Con đường bằng cách cho phép họ “làm việc trong các dự án ngắn hạn ở Trung Quốc”. Theo báo cáo của SCIO, tính đến tháng 6, Trung Quốc đã đón tiếp 10.000 nhà khoa học trẻ.

Parham Habibzadeh, nhà di truyền học con người tại Đại học Khoa học Y tế Shiraz của Iran, nói với tạp chí Nature vào năm 2019 rằng các lệnh trừng phạt rộng rãi của Mỹ đối với Iran đã ảnh hưởng đến y tế và nghiên cứu tại nước này, vốn “không được coi là mục tiêu của Mỹ” và việc lập kế hoạch nghiên cứu khoa học trong bất kỳ lĩnh vực này dường như là “gần như không thể”.

Tuyên bố chung của Trung Quốc và Iran hồi tháng 2 nhấn mạnh tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm năng lượng tái tạo, công nghệ hạt nhân và khoa học y tế.

Đối với Trung Quốc và Nga, lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn từ Mỹ đã cản trở sự phát triển của siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo tiên tiến cũng như công nghệ quân sự.

Theo báo cáo của China Daily hồi tháng 3, hai quốc gia đang thực hiện lộ trình 5 năm nhằm phát triển nghiên cứu chung trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, khoa học vật liệu, năng lượng và thám hiểm không gian.

Trả lời SCMP, một học giả Trung Quốc chuyên về quản trị sinh thái nói: “Thông qua sự hợp tác sâu rộng với các quốc gia trên toàn thế giới, chúng tôi có thể mở rộng và làm phong phú thêm các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao của Trung Quốc, từ đó có thể nâng cao hiệu suất của chúng”.

Ông cho biết, khi các vấn đề môi trường vượt ra ngoài biên giới các quốc gia, sự hợp tác sâu sắc hơn với các khu vực và nước láng giềng có thể giúp giải quyết các vấn đề này.

Trong bài phát biểu tại diễn đàn hôm 18/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Sáng kiến Vành đai Con đường có thể giúp tìm ra “các giải pháp tập thể và thực sự hiệu quả” cho các vấn đề quốc tế.

Tham khảo SCMP

Tất Đạt

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên