MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Donald Trump thành Tổng thống, tương lai nào cho TPP và NAFTA?

12-11-2016 - 09:04 AM | Tài chính quốc tế

Quan điểm cực đoan của tổng thống mới đắc cử Trump về thương mại tự do có thể khiến các hiệp định thương mại gặp khó. Trong khi đó thương mại tự do là một trong những động cơ chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong quá trình tranh cử, ông Trump khẳng định sẽ xem xét lại Hiệp định mậu dịch tự do khu vực Bắc Mỹ (NAFTA), đình chỉ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay đánh thuế cao nhằm vào các mặt hàng của Trung Quốc và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

CNN dẫn lời Lim Say Boon, giám đốc đầu tư của Ngân hàng DBS Singapore, nhấn mạnh: “Nền kinh tế toàn cầu, thương mại quốc tế và thị trường tài chính phải đối mặt với một thế giới không chắc chắn và tổng thống mới của Mỹ có thể đưa Washington rơi vào tình trạng bị cô lập với phần còn lại của thế giới”.

Thương mại toàn cầu, vốn đã phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện Brexit, lại tiếp tục rơi vào cú sốc mới.

Canada và Mexico

NAFTA có sự tham dự của Mỹ, Canada và Mexico. Trong quá trình tranh cử, ông Trump nhiều lần đe dọa sửa đổi NAFTA vì cáo buộc nó gây tác động tiêu cực tới nước Mỹ. Ông Trump muốn đàm phán lại các điều khoản trong NAFTA hoặc “chấm dứt” hoàn toàn thỏa thuận.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc hủy bỏ NAFTA sẽ gây tác động rất mạnh tới cả 3 nền kinh tế chứ không chỉ Canada hay Mexico phải chịu hậu quả. Người ta cũng chưa nhìn thấy rõ lợi ích của Mỹ nếu hủy bỏ hiệp định này. “Thật khó để biết những gì ông Trump muốn đạt được thông qua việc hủy bỏ NAFTA”, Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế trưởng của Capital Economic, nhận định.

Thái Bình Dương và châu Âu

Hai hiệp định thương mại tự do khác mà chính quyền Obama nỗ lực vun vén cũng có nguy cơ sụp đổ. Ông Trump không giấu giếm sự khinh miệt của mình với các hiệp định như TPP hay Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP).


Dù đã hoàn tất tiến trình đàm phán nhưng TPP sẽ gặp trở ngại lớn với chính quyền mới của Mỹ. Ảnh: CNN

Dù đã hoàn tất tiến trình đàm phán nhưng TPP sẽ gặp trở ngại lớn với chính quyền mới của Mỹ. Ảnh: CNN

TPP là hiệp định giữa Mỹ và 11 quốc gia khác nằm xung quanh Vành đai Thái Bình Dương. Dù các nước đã thông qua đàm phán nhưng Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn hiệp định này. Không giống như người tiền nhiệm Obama, bản thân Donald Trump và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện có thái độ không ủng hộ hiệp định này.

Trong khi đó, TTIP vẫn đang được Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) đàm phán. Tuy nhiên, gần đây, một quan chức Đức cho biết tiến trình này đã ngừng lại trong khi phía Pháp kêu gọi tạm ngừng tìm tiếng nói chung cho TTIP. Các chuyên gia cũng nhận định ông Trump chẳng mặn mà gì với TTIP và nó sẽ khó được thông qua.

Ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Berenberg của Đức, thì khẳng định: “Thắng lợi của ông Trump có thể làm trầm trọng hơn những gì được coi là chủ nghĩa bảo hộ trong thế giới phương Tây. Kết quả của nó sẽ là sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế toàn cầu”.

Trung Quốc


Donald Trump đe dọa đánh thuế cao các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: CNN

Donald Trump đe dọa đánh thuế cao các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: CNN

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng thường xuyên bị công kích bởi ông Trump. “Chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cưỡng bức đất nước chúng ta như những gì họ đang làm”, ông Trump phát biểu hồi tháng 5 khi đề cập đến thực tế Trung Quốc đang xuất siêu mạnh vào Mỹ hơn bao giờ hết.

Ông Trump cũng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng tiền để tăng lợi thế cho việc xuất khẩu. Để ngăn chặn điều này, ông Trump đang hướng tới mức thuế 45% với hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc làm này có thể thổi bùng chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, gây tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu.

Linh Anh

CNN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên