Donald Trump: Truyền thông “thích” căm ghét tôi
Suốt một thời gian dài, giới truyền thông đã rất “thích” căm ghét tôi. Không cần mất nhiều thời gian tôi đã hiểu được nền truyền thông chính trị bất lương đến mức nào.
- 12-11-2016Donald Trump thành Tổng thống, tương lai nào cho TPP và NAFTA?
- 12-11-2016Góc nhìn khác biệt từ chuyên gia Việt Nam về chiến thắng của Donald Trump
- 12-11-2016Donald Trump lần đầu lên tiếng về những cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ
“Cuối cùng chúng ta cũng có một người thành thực yêu nước Mỹ và không phải chịu ơn các nhà tài trợ quyên góp. Ông ấy sẽ không phải chịu ơn ai ngoài những người Mỹ bình thường
Ann Coulter (tác giả, nhà bình luận chính trị Mỹ)
Bạn có thể cho rằng Fox và CNN sẽ làm khá hơn. Nói cho rõ, tôi nghĩ CNN và Fox đã đối xử tệ bạc với tôi.
Những cái tít lố bịch
Không ai điều khiển được giới truyền thông cả. Nó quá lớn, quá rộng khắp. Với tôi, việc cố gắng xây dựng mối quan hệ với các phóng viên là tuyệt đối cần thiết.
Có nhiều phóng viên tôi kính trọng, một số người ưu tú nhất tôi biết cũng là phóng viên. Họ chân thành, tử tế và siêng năng; họ đem lại uy tín cho nghề nghiệp của mình.
Nhưng cũng có rất nhiều lần tôi tin rằng giới truyền thông đã lạm quyền, cả với những người như tôi lẫn với quy trình xử lý thông tin.
Trong nỗ lực tăng điểm xếp hạng, mọi chương trình đều đang cố gắng tạo ra tin tức. Vấn đề là họ đang không làm việc của mình. Họ không quan tâm đến việc truyền bá thông tin đến công chúng. Thay vào đó, họ chơi trò chơi riêng của họ, trò “tóm-được-ngươi-rồi”.
Như tôi từng nói, vài hãng truyền thông chính trị rất không trung thực. Họ không quan tâm đến việc in ra sự thật, họ không muốn đăng lại toàn vẹn những câu nói của tôi và họ không muốn bận tâm giải thích điều tôi thật sự muốn nói.
Họ biết điều tôi nói, họ biết điều tôi muốn nói mà vẫn biên tập hoặc diễn giải để nó mang một ý nghĩa khác.
Khi tôi thông báo về việc chạy đua tranh cử tổng thống vào ngày 16-6 ở New York, tôi phát biểu dài hơi về nhiều chủ đề khác nhau.
Còn giới truyền thông tập trung vào điều gì? Họ chỉ tập trung vào thực tế rằng tôi bảo Mexico đang gửi những người tồi tệ nhất của họ đến đất nước ta qua biên giới phía nam.
Điều tiếp theo bạn nghe thấy là Trump bảo rằng mọi người nhập cư đều là tội phạm. Đây hoàn toàn không phải điều tôi đã nói, nhưng nó tạo ra câu chuyện hay hớm hơn cho giới truyền thông. Nó cho họ vài cái tít.
Còn chính xác điều tôi đã nói là trong số những người nhập cư bất hợp pháp đến từ Mexico, có những kẻ rất xấu xa, vài kẻ trong đó là tội phạm hiếp dâm, là bọn buôn ma túy, hoặc những người đến đây để sống ký sinh vào phúc lợi xã hội, và chúng ta nên thực hiện những biện pháp khẩn cấp và mạnh tay để đóng cửa biên giới nhằm tránh những kẻ “phi pháp”.
Đây là những gì mà truyền thông đăng tải: Trump gọi mọi người nhập cư là tội phạm và Trump gọi mọi người Mexico là kẻ hiếp dâm!
Hoàn toàn lố bịch.
Trò “tóm-được-ngươi-rồi”
Gần đây, tôi có cuộc trả lời phỏng vấn với người dẫn chương trình phát thanh theo phái bảo thủ Hugh Hewitt.
Trong suốt chương trình, ông hỏi tôi hàng loạt câu hỏi về một vị tướng Iran và nhiều thủ lĩnh khủng bố khác. “Tôi đang mong vị tổng tư lệnh tiếp theo biết Hassan Nasrallah là ai, biết cả Zawahiri, al-Julani và al-Baghdadi là ai nữa. Ông có dự đoán được bọn họ không?”.
Thật là một câu hỏi lố bịch. Tôi không nghĩ việc biết tên của từng thủ lĩnh khủng bố hơn một năm trước cuộc bầu cử là bài kiểm tra xem ai đó có đạt chất lượng hay không.
Tất cả các câu hỏi mà Hugh đặt ra cho tôi đều y như thế, tuy nhiên tôi nhận thấy ông ta chả hỏi gì mấy về chính sách kinh tế hay việc cải cách hệ thống thuế của chúng ta, những điều tôi đã dành cả đời để tinh thông. Thay vào đó, ông ta cứ hỏi những câu kiểu “tóm-được-ngươi-rồi” như vậy.
Để tôi nói các bạn nghe vài điều: khi tôi cần biết điều gì đó, tôi sẽ biết. Khi tôi quyết định xây dựng khu sân golf nghỉ dưỡng tráng lệ nhất thế giới ở Aberdeen, Scotland, tôi chưa biết tên những quan chức Scotland sẽ liên quan tới dự án, song đến khi chúng tôi bắt tay vào việc, tôi biết rõ từng người cần biết.
Đây là hiện trạng đáng buồn và nhiều lúc đáng thương hại của truyền thông “khách quan” của chúng ta hôm nay. Những người lẽ ra phải tường thuật tin tức lại không có chút khái niệm nào về công bằng, vì họ tin bản thân họ là chuyên gia.
Họ “biết rõ hơn”, họ có nguồn tin nội bộ. Tôi kinh ngạc trước sự bất lương thật sự của truyền thông tại đất nước này.
Đôi khi người ta quên rằng báo chí và đài truyền hình là những doanh nghiệp vì lợi nhuận hoặc ít nhất chúng cũng tỏ ra như thế. Nếu họ phải chọn giữa việc đưa tin trung thực và kiếm lợi nhuận, bạn nghĩ họ sẽ thực hiện lựa chọn nào?
Dân Mỹ đang dần hiểu được điều đó
Suốt một thời gian dài tôi quyết định làm ngơ trước phần lớn sự công kích này. Nhưng rồi em họ của tôi, John Walter, gọi đến và bắt đầu than phiền về một câu chuyện cụ thể, trong đó cậu ấy nghe kể rằng tôi chưa xây một tòa nhà nào kể từ năm 1992 và bảo tôi phải tiến hành sửa thông tin cho đúng.
Tôi không thể tiếp tục để cho các phóng viên kể sai mọi chuyện. Tôi chưa xây thêm tòa nhà nào kể từ năm 1992 sao? Thật lố lăng. Một phóng viên khác viết trong một bài báo lớn rằng cha tôi đã cho tôi 200 triệu đôla để lập nghiệp.
Được thế đã phúc! Phóng viên này còn không có nổi tác phong lịch sự để gọi cho tôi và hỏi xem chuyện đó có thật hay không. Anh ta đọc được điều đó trong một cuốn sách cũ viết sai và viết lại điều đó.
Một trong những vấn đề mà nền truyền thông chính trị vướng mắc với tôi là việc tôi không sợ họ. Nhiều người khác chạy quanh chỉ để cầu xin sự chú ý. Tôi thì không thế. Nhưng người dân Mỹ đang dần hiểu được điều đó.
Cuối cùng họ đã hiểu rằng rất nhiều tổ chức truyền thông chính trị không hề nỗ lực truyền tải công bằng tới mọi người những vấn đề quan trọng.
Thay vào đó, họ đang cố lôi kéo người dân - và cuộc bầu cử - theo cách có lợi cho những ứng viên mà họ muốn bầu.
Những công ty truyền thông này thuộc sở hữu của các tỉ phú. Đây là những người thông minh biết rõ ứng viên nào sẽ tốt nhất cho họ, và họ có cách ủng hộ người họ muốn.
Vấn đề là mọi chuyện đang trở nên tệ hơn. Tôi biết mỗi đợt thăm dò ý kiến đều cho thấy công luận không tin truyền thông. Sự mỉa mai của việc này nằm ở chỗ chính truyền thông đang thực hiện những cuộc thăm dò như vậy.
Ngay cả chính họ cũng phải thừa nhận thiên hạ không tin họ.
Mạng xã hội Twitter và Facebook của ông Donald Trump và các thành viên trong gia đình ông đã trở thành kênh hữu hiệu để ông đưa tin tức, hình ảnh và trực tiếp truyền hình (livestream) của ông đến người dân - những thông tin mà truyền thông chính thống thường ít đăng tải.
Trong ảnh là cuộc vận động của ông Trump ở Melbourne (bang Florida) ngày 27-9 với hơn 15.000 người dự. Trong một cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã nói ống kính đừng chĩa vào khuôn mặt ông mà hãy quay hình ảnh người dân ủng hộ ông như thế nào để cả nước thấy.
Tuổi trẻ